Giữa trưa, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Siu Un (dân tộc Jrai, trú tại thôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), một trong những người từng nghe theo lời xúi giục của bọn Fulro lưu vong lôi kéo chống phá lại chính quyền, mơ tưởng hão huyền với cái gọi là “Nhà nước Đề ga”.
Trong căn nhà sàn nằm khép mình giữa vườn cây
trĩu quả, ông Siu Un cho biết, sự sai lầm của mình đã phải trả giá bằng bản án
16 năm tù nên không muốn nhắc vì cảm thấy xấu hổ.
Sau khi ra tù được trở về địa phương, không
muốn bà con mắc mưu kẻ xấu, lầm đường lạc lối giống như mình trước đây, Siu Un
đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an thường xuyên tuyên truyền, vận động
những người theo “Tin lành Đề ga” với hình thức “tu tại gia”, quay về với sinh
hoạt tôn giáo thuần túy. “Mình từ bỏ “Tin lành Đề ga” đi, đấy không phải là một
tôn giáo chính thống mà là tổ chức phản động, gây rối chống phá Nhà nước mà
thôi. Theo chúng chỉ mang lại khổ đau và bất hạnh chứ không như mơ tưởng chúng
vẽ ra đâu”, Siu Un chia sẻ.
Công an huyện Phú Thiện phối hợp cùng người có uy tín trong cộng đồng đến tận nhà người dân từng bị kẻ xấu lôi kéo đi theo “Tin lành Đề ga” giúp họ trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy.
Cùng chung tay tuyên truyền đến những người
từng lầm đường lạc lối, ông Ksor Lý, Chức sắc Chi hội Tin lành truyền giáo cơ
đốc xã Ia Heo, huyện Phú Thiện chia sẻ, trước đây do thiếu hiểu biết, một số bà
con dân làng đã nghe theo bọn Fulro, tham gia nhóm họp “Tin lành Đề ga” dưới
hình thức “tu tại gia”. Sau khi bị xử lý, nhiều đối tượng cầm đầu phải trả giá
bằng những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Những người trót nghe theo bọn xấu
trở nên mặc cảm với lỗi lầm.
“Những người này họ thường sống khép mình,
không muốn giao lưu với ai, thế nhưng thực tế trong lòng họ không muốn điều đó.
Khi tôi và cán bộ Công an huyện đến từng nhà gặp gỡ, tiếp xúc tuyên truyền vận
động, họ quay trở lại sinh hoạt trong điểm nhóm Tin lành truyền giáo cơ đốc,
ban đầu mọi người né tránh, nhưng chúng tôi nhiều lần đến nhà quyết tâm gặp gỡ
và trải lòng, họ từng bước hiểu ra lẽ phải và tinh thần phấn khởi. Mọi người
thực sự đã được tháo gỡ “nút thắt” bấy lâu trong lòng, từ đó hăng hái tham gia
sinh hoạt tôn giáo, sống hoà hợp với bà con dân làng”, ông Ksor Lý cho biết.
Trước việc các đối tượng Fulro lưu vong lợi
dụng sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết của một số người dân tộc thiểu số để
lừa phỉnh bà con nhóm họp “Tin lành Đề ga” dưới hình thức “tu tại gia” nhằm mục
đích chống phá chính quyền, năm 2022, Công an huyện Phú Thiện đã phối hợp với
các ban, ngành đoàn thể và hệ thống chính trị ở cơ sở triển khai thí điểm mô
hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”.
Mô hình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm
lỗi tại cộng đồng gạt bỏ quá khứ lỗi lầm, yên tâm lao động, sản xuất, sớm ổn
định cuộc sống, phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng. Giải quyết tư
tưởng, niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, thức tỉnh những người đã tin theo Fulro,
“Tin lành Đề ga” dưới hình thức “tu tại gia”, quay về sinh hoạt trong tôn giáo
thuần tuý được Nhà nước công nhận.
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an
tỉnh Gia Lai cho hay, sau hơn 1 năm thành lập, ra mắt mô hình “Trở về đức tin,
giữ bình yên thôn làng” tại địa bàn huyện Phú Thiện đã giải quyết được các vấn
đề, như: Phát huy vai trò của người uy tín, chức sắc tôn giáo và hệ thống chính
trị ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, cảm hoá những
người từng lầm lỡ, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt pháp
luật, không nghe, không tin các đối tượng tuyên truyền, xuyên tạc âm mưu phá
hoại chính sách đoàn kết dân tộc.
Giải quyết được niềm tin tôn giáo, nhu cầu tín
ngưỡng của bà con nhân dân, đặc biệt là những người từng lầm lỡ theo Fulro,
“Tin lành Đề ga”, từng bước làm mất đi những điều kiện mà các thế lực thù địch,
bọn phản động Fulro âm mưu thực hiện hành vi câu móc, lôi kéo hoạt động chống
phá, thực hiện mưu đồ đen tối của chúng. “Bên cạnh đó, mô hình “Trở về đức tin,
giữ bình yên thôn làng” cũng đã giúp mọi người dân, đặc biệt là bà con dân tộc
thiểu số hiểu và nhận thức đúng về niềm tin tôn giáo, từ đó để họ cảnh giác
trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng Fulro lưu vong và bọn phản động”- Đại
tá Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, mô hình là
cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo đảm tốt an ninh trật tự ở
cơ sở. Mô hình đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời
chỉ đạo các cục nghiệp vụ, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Gia Lai thông báo
quy trình, cách thức thực hiện để Công an các tỉnh Tây Nguyên, vùng phụ cận và
các tỉnh Tây Bắc nghiên cứu, vận dụng vào thực tế.
V.Thành-H.Trường
Nhận xét
Đăng nhận xét