TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, ngày 30/8, mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Bùi Tuấn Lâm (“Peter Lam Bui”, SN 1984, ngụ đường Ông Ích Khiêm, P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.Căn cứ hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi, tranh tụng tại tòa, HĐXX nhận thấy, cấp sơ thẩm (TAND TP.Đà Nẵng xét xử vào ngày 25/5/2023) tuyên phạt đối với bị cáo Bùi Tuấn Lâm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
HĐXX tuyên phạt bị cáo 5 năm 6 tháng tù; đồng thời áp dụng biện pháp phạt quản chế 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Trước đó, ngày 7/9/2022, Cơ quan ANĐT Công an TP.Đà Nẵng khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Tuấn Lâm. Theo điều tra, từ ngày 20/4/2019 đến lúc bị bắt, tại nhà riêng, Lâm có hành vi soạn thảo, đăng tải 19 bài viết lên trang mạng xã hội Facebook cá nhân và 25 video, bài viết lên mạng Youtube (do Lâm tạo ra, quản lý và sử dụng) với nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở nước ta gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong nhân dân nhằm mục đích chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Lâm là thành viên của một số tổ chức “xã hội dân sự” và các tổ chức phản động lưu vong; tham gia khóa huấn luyện về “xã hội dân sự”, “đấu tranh bất bạo động”); tham gia thảo luận về học thuyết xã hội nhằm đào tạo lực lượng hình thành xã hội dân sự; cùng các đối tượng chống đối chính trị viết bài xuyên tạc chính quyền, câu kết hoạt động kích động biểu tình gây rối…
Mặc dù Công an TP.Đà Nẵng và chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, cảnh báo, tuy nhiên Lâm bất hợp tác, thách thức, không từ bỏ hoạt động vi phạm mà ngày càng công khai, quyết liệt chống phá. Lâm thường xuyên chia sẻ bài viết trên các trang mạng chống phá nhà nước Việt Nam.
Việc Lâm bị bắt và bị xét xử là kết cục tất yếu của một chuỗi quá trình hoạt động vi phạm pháp luật và chống phá Nhà nước với ảo tưởng thay đổi chế độ Nhà nước XHCN ở Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét