Vài nét về "Ngoại giao cây tre" Việt Nam
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (diễn ra từ ngày 22-26/8/2016),
đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến trường phái ngoại giao “cây
tre Việt Nam"; tuy nhiên phải đến Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên
trong lịch sử (ngày 14/12/2021), do Bộ
Chính trị và Ban Bí thư chủ trì, nội hàm của nghệ thuật "ngoại giao cây
tre" mới được phân tích sâu hơn. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã
lấy hình ảnh cây tre Việt Nam để ví von, định hướng cho đường lối, nghệ thuật
ngoại giao của Việt Nam, nhận định về tính kế thừa và tất yếu của đường lối,
nghệ thuật đối ngoại của đất nước từ trước tới nay, đó là “Chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc
và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là trường phái riêng”, “Cây tre Việt Nam gốc vững chắc, cành uyển
chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không có cơn gió nào quật ngã được”, với
hình tượng “Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà
sao nên luỹ nên thành tre ơi” để minh chứng cho sự mềm mại, uyển chuyển
nhưng cũng rất mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất, biết "dĩ bất biến ứng vạn biến", sáng tạo, khôn khéo, cương
nhu đúng lúc để bảo vệ độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, mang
đậm cốt cách văn hóa, con người Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết, phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược; xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ và phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối, mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.
Truyền thống đối ngoại mềm dẻo nhưng cương quyết đã được thể hiện
trong lịch sử hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước từ xa xưa đến
nay, được ông cha ta đúc kết, phát triển và vận dụng. Đó là tư tưởng “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn - Lấy trí
nhân để thay cường bạo” mà Nguyễn Trãi đã nêu trong tác phẩm "Bình Ngô
Đại Cáo", thể hiện ở việc “trong
xưng đế, ngoài xưng vương”, hoặc trong "Lời
kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 có
nêu "Chúng ta muốn hoà bình, chúng
ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới,
vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa…Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả,
chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"…
Đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, với
những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân
tộc. Trong lịch sử phong kiến, sau mỗi lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc,
chúng ta luôn chủ trương mở cho giặc một con đường lui, không đuổi cùng giết tận,
sau đó lại nối lại bang giao, tiếp tục lệ triều cống đầy đủ. Trong thời đại Hồ
Chí Minh, sau các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất
toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ biên giới, biển đảo,
chúng ta lại tìm cách bình thường hóa quan hệ, gác lại quá khứ, hướng tới tương
lai.
Điển hình, trong chiều dài lịch sử phát triển của hai đất nước,
hai dân tộc Việt Nam – Trung Quốc, đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng sau
cùng vẫn là bình thường hóa quan hệ, hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực,
từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng; hai nước đã xác định
phương châm 16 chữ vàng là "láng giềng
hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai"; trở
thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng
chí tốt, đối tác tốt” (tinh thần “4 tốt”); đến năm 2008 2008, hai bên nhất
trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" theo phương châm
“16 chữ” và tinh thần “4 tốt”. Hoặc đối với Mỹ, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ
xâm lược, khi thống nhất đất nước năm 1975, đất nước ta phải đối mặt với sự cấm
vận của Mỹ, trải qua nhiều cuộc thăm gặp, đối thoại các cấp, đến năm 1995 hai
nước đã chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đây là kết quả có ý
nghĩa lịch sử đặc biệt, một hành trình dài với sự cố gắng của cả hai nước, thể
hiện mong muốn gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ
hai nước. Việt Nam chúng ta đã tham gia nhiều tổ chức, định chế
quốc tế lớn như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, WTO, ASEM,…Chủ trương quan hệ đối
ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè, đối tác tin cậy của các các quốc
gia trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điển
hình trong thời gian vừa qua đã cử lực lượng tham gia giữ gìn hòa bình quốc tế
của Liên hợp quốc; chính sách ngoại giao Vắc-xin nhằm tranh thủ sự ủng hộ, tài
trợ của các quốc gia trên thế giới trong công tác phòng, chống dịch bệnh
Covid-19; tham gia cứu trợ, cứu hộ thảm họa động đất tại Thỗ Nhĩ Kỳ… được cộng
đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trong bối cảnh, tình hình quốc tế có nhiều biến động khó lường hiện
nay, nổi lên là các cuộc chiến tranh, xung đột tại các khu vực, sự cạnh tranh
giữa các nước lớn, Việt Nam đã thể hiện xuất sắc, khôn khéo nghệ thuật "ngoại giao cây tre" như Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng. Có thể kể đến như tình hình phức tạp tại
khu vực Biển Đông, chúng ta chủ trương mềm dẻo, giải quyết các vấn đề tranh chấp
quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc
gia, dân tộc, tuy nhiên kiên quyết không nhân nhượng, kiên trì các biện pháp đấu
tranh, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa, phủ nhận, lên án cái gọi là "đường
lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương áp đặt; hoặc trước tình hình xung đột
Nga – Ucraina, Việt Nam luôn giữ vững lập trường trung lập, kêu gọi các bên chấm
dứt xung đột vũ trang, giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng bằng các biện pháp
hòa bình, đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế…Trong quan hệ quốc tế, đặc biệt
với các nước lớn, Việt Nam đã đặc biệt khéo léo, thực hiện chính sách "bốn không" trong đối ngoại quốc
phòng, đó là: Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để
chống lại nước khác; không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước
này để chống nước kia; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong
quan hệ quốc tế.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có sự
diễn biến khó lường như hiện nay, ngoại giao cây tre của Việt Nam đã góp phần
thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", không để bị cuốn vào xung đột, cạnh
tranh chiến lược giữa các nước lớn, ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trên
trường quốc tế, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã nói "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ,
tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu luôn tìm
cách chống phá, xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, thành tựu đạt được trong quá trình phát triển, đổi mới của đất
nước, trong đó có việc xuyên tạc, bôi nhọ chính sách "ngoại giao cây
tre" của Việt Nam.
Các luận điệu
xuyên tạc về sách lược "ngoại giao cây tre" Việt Nam
Các thế lực
thù địch, phản động cho rằng chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt
Nam là kiểu ngoại giao không lập trường, chính kiến, gió chiều nào theo chiều ấy,
thể hiện sự ve vãn trong quan hệ đối ngoại, không đáng tin cậy.
Thực tế cho thấy, trong quan hệ đối ngoại, giải quyết các mâu thuẫn,
tranh chấp, bất đồng, Việt Nam luôn thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán
trước sau như một, không đánh đổi lợi ích quốc gia, dân tộc lấy lợi ích ngắn hạn
trước mắt. Minh chứng như đã nói ở trên, trong giải quyết tranh chấp ở Biển
Đông, chúng ta luôn chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế (Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)) và các
cơ sở pháp lý khác có liên quan, thể hiện chủ quyền nhất quán với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, lên án các hành vi sai trái, coi thường luật pháp quốc tế
và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, mặc dù Trung Quốc là đối tác
thương mại hàng đầu của Việt Nam; thậm chí nhiều người còn lầm tưởng, hi vọng
viễn vông cho rằng Việt Nam nên tham gia các liên minh quân sự, trở thành đồng
minh, "ngả" theo Mỹ, Nga để tranh thủ sự ủng hộ, bảo trợ của các nước
này về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên chúng
ta luôn luôn chủ trương, giữ vững lập trường, quan điểm độc lập, tự chủ, thực
hiện chính sách "4 không" như đã nói ở trên, không dựa vào nước này để
chống lại nước kia, vì chúng ta xác định không có bạn bè hoặc kẻ thù vĩnh viễn,
chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, đối tác và đối tượng luôn đan
xen./.
Tác giả: Du Thẩm.
Nhận xét
Đăng nhận xét