Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động

 Thời gian qua, một số vụ án xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, được để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật thì các thế lực thù địch, phản động lại triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.       

Con đường Việt Nam đang đi không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, phù hợp với ý Đảng – lòng dân, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Dân tộc Việt Nam đã minh chứng với thế giới là không chỉ chiến thắng những kẻ thù cường bạo nhất thời đại mà còn nỗ lực chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, từng bước tiệm cận gần hơn với những mục tiêu cao cả của CNXH.

Càng trong hoàn cảnh thiên tai, địch họa, dịch bệnh, tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí cố kết cộng đồng, tình yêu thương chia sẻ của người Việt Nam càng tỏa sáng và trở thành một trong những giá trị văn hóa nổi bật làm nên sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam, uy tín Việt Nam trên thế giới. 

Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn phải cảnh giác trước những thế lực thù địch, phản động luôn rình rập chờ cơ hội để xuyên tạc, chống phá lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp cả về nội dung, tính chất cũng như phương thức, thủ đoạn và rộ lên mỗi khi trong nước xảy ra vụ việc nào đó nổi cộm hoặc khi chuẩn bị tiến hành các sự kiện chính trị quan trọng. 

Vì vậy, việc đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ, dã tâm của thế lực thù địch là rất cần thiết đối với cả hệ thống chính trị – xã hội.

Thế lực phản động có rất nhiều thủ đoạn tinh vi

Gần đây, có vụ việc điển hình là vụ án nâng giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á… Lợi dụng những bức xúc của dư luận quần chúng, từ đó các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn như Việt Tân, RFA, RFI, BBC Tiếng Việt, VOA… liên tục đăng tải, bình luận, đưa ra những luận điệu để xuyên tạc bản chất vụ việc. 

Những tổ chức, hội nhóm này cố tình làm sai lệch, tạo dư luận trái chiều công kích, liên tục đăng tải, bình luận, đưa ra những luận điệu để xuyên tạc bản chất vụ việc, cố tình làm sai lệch, tạo dư luận trái chiều công kích, phủ nhận công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta. 

Ngoài ra, còn thông tin tuyên truyền xuyên tạc mọi đường lối, quan điểm, chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Hay như trước đó, vào ngày 24/3, Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, các phần tử cơ hội chính trị đã xuyên tạc bản chất vụ việc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. 

RFA cho rằng, việc bắt bà Phương Hằng theo Điều 331 là “không hợp lý”. Việt Tân thì vu cáo “Công an sử dụng Điều 331 để khởi tố bà Phương Hằng là sai trái”; “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”.

Ngoài ra, ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, về tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại điều 211 Bộ luật Hình sự. 

Các đối tượng tán phát ngay thông tin “ngân sách cạn kiệt nên mới bắt giữ ông Quyết nhằm tịch thu tài sản nuôi bộ máy”; “ông Quyết là mắt xích trọng yếu, sân sau của một phe cánh đang thất thế nên bị thanh trừng”. Họ còn cho rằng, ông Quyết bị xử lý 2 lần cho một hành vi phạm tội, bị “Bộ Công an ép tới đường cùng”. 

Việc xử lý các cá nhân sai phạm cho thấy sự quyết tâm không khoan nhượng với hành vi sai phạm  thể hiện một nguyên tắc nhất quán “xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào”. 

Điều đó thể hiện sự quyết liệt, triệt để, không khoan nhượng trong chỉ đạo và hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, với phương châm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và thượng tôn pháp luật hơn lúc nào hết được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả.

Không chỉ dừng lại ở những sự việc lớn, những tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Đài dân chủ tự do Á châu… cũng thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, sự việc đời thường như mưa ngập ở Hà Nội để chê dự án nghìn tỷ, những hình ảnh công an giao thông xử phạt hành chính, hoặc nhạy cảm như vấn đề tôn giáo..mang tính xuyên tạc, bóp méo và lôi kéo.

Các đối  tượng thường xuyên dùng thủ đoạn như tán phát các video, hình ảnh, bài viết với nội dung sai trái, cực đoan để bóp méo, đả phá đối với sự việc.

Tuyên truyền chống phá Đảng và nhà nước phạm tội gì?

Những hành vi tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, đến đường lối chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước được xác định là hành vi xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội qua đó de dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ  xã hội chủ nghĩa. 

Tuyên truyền chống phá nhà nước là một khái niệm rất rộng bao gồm nhiều hành vi, tùy thuộc vào hành vi trên thực tế để xác định, căn cứ theo quy định về những tội phạm xâm hại an ninh quốc gia – một khách thể đặc biệt quan trọng của Bộ luật hình sự. Theo đó, hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm Chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được thể hiện dưới 3 hình thức chủ yếu sau:

– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền, thông tin, tài liệu, vật phẩm  gây chiến tranh tâm lý.

Người thực hiện một trong ba hành vi trên thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm; người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Biểu hiện và phương tiện của hành vi tuyên truyền tức là những lời nói, những bài viết, những phát biểu quan điểm, ý kiến cá nhân… thông qua các phương tiện như báo chí, mạng xã hội, hay trong giao tiếp xã hội với mục đích chống chính quyền nhân dân mà hoàn toàn không sử dụng bạo lực, vũ khí như hành vi khủng bố.

Cũng cần lưu ý đối tượng bị tác động ở đây là chính quyền nhân dân chứ không phải một cá nhân cụ thể nào. Bởi pháp luật hiện tại cũng quy định rõ nếu cá nhân nào nói xấu, đặt điều, bôi nhọ hay xúc phạm danh dự, uy tín người khác thì sẽ bị xử về tội vu khống theo quy định tại điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Như vậy, có thể khẳng định những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc  với những âm mưu, thủ đoạn rất thâm độc của Việt Tân và các đối tượng phản động khác nhằm mục đích hạ uy tín của Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận. Do đó, chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh rơi vào các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, bình tĩnh, tin tưởng và chấp hành các quy định của Nhà , góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

BT

Nhận xét