Lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 – 3/2/2023) và chào Xuân Quý Mão; đồng bào, chiến sĩ cả nước đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Thế nhưng, đó đây trên đất nước ta và bên ngoài biên cương Tổ quốc, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội vẫn còn những kẻ “chọc gậy bánh xe” với giọng điệu lạc lõng, sặc mùi vu khống, quy chụp, rằng “Đảng ra đời là một sai lầm của lịch sử”, “Đảng giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự “tình cờ”, “ăn may”, do “phát xít Nhật tạo nên”,còn Đảng, Chính phủ Hồ Chí Minh chẳng có công cán gì”; “Đảng nhờ lực lượng thứ ba mà giải phóng được Sài Gòn – Gia Định”; “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử”, “Đảng không đủ năng lực lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, vì “Đảng bảo thủ, trì trệ”, “cứ khư khư bám giữ chủ nhĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, làm co đất nước lạc hậu”. Đó là sự xuyên tạc trắng trợn, rất phi lý, không thể chấp nhận.
Sự thật không thể chối cãi, điều sai trái có lịch sử sáng soi
Nhân loại tiến bộ biết rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử; là kết quả chín muồi của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Vì vậy, mới 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á; 24 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Sau đó, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta “đánh cho Mỹ cút, ngụynhào”, phá tan quân bành chướng xâm lược; khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước thành công, giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Các thế hệ người dân Việt Nam hiện đại và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều biết rõ; lịch sử hiện đại còn ghi, cớ sao một số người lại lãng quên hay cố tình quên lãng sự thật ấy? Phải chăng họ đã bán rẻ lương tâm cho “quỷ dữ”, cam chịu thân phận làm tay sai cho địch, “tự bịt mắt, hàn khẩu, nút tai giả điếc” để làm hài lòng bọn phản động nên chấp nhận làm những điều sai trái, cản trở tiến bộ xã hội, chống phá sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta?
Hãy điểm lại các mốc son lịch sử tiêu biểu kể từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sẽ thấy rõ sự phi lý của các luận điệu vu khống, quy chụp, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta một cách trắng trợn, lộ liễu và lố bịch.
Đúng vậy! Trải qua cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931), Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đảng ta đã mạnh dần lên, nhân dân ta ngày càng giác ngộ cách mạng, một lòng một dạ tin yêu, đi theo Đảng chống quân xâm lược và tay sai để cứu nước, cứu nhà. Từ đầu năm 1940, phát xít Nhật từng bước lấn tới với mưu đồ kiểm soát toàn bộ Đông Dương thay quân Pháp. Trước sự ăn hiếp của phát xít Nhật, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp ước Tôkyô (1940), thừa nhận vai trò của phát xít Nhật ở Đông Dương; chấp nhận hầu hết các yêu sách của phát xít Nhật, kể cả quyền chi phối nền kinh tế Đông Dương.
Quân Pháp, một mặt phải thực hiện các điều khoản đã cam kết với Nhật; mặt khác, đã tính kế lâu dài, chờ cơ hội phản công quân Nhật, đòi lại quyền thống trị. Đồng thời, đưa hàng ngàn thanh niên Việt Nam sang Pháp làm “bia đỡ đạn” cho chúng. Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn kết thúc. Thực dân Pháp theo phái Đờ Gôn nên chờ quân Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương lật đổ quân Nhật, khôi phục lại quyền thống trị. Nhưng chúng đã lầm to vì sự ngộ nhận, quá chủ quan nên mất cảnh giác.
Ở trong nước, chính sách bóc lột dã man, tàn bạo của Pháp – Nhật đã đẩy hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói. Để đề phòng quân Pháp đánh lén, đâm sau lưng; quân Nhật đã quyết định hành động trước một bước. Đúng 18 giờ ngày 9 tháng 3 năm 1945, đại diện quân Nhật trao tối hậu thư đòi chính quyền Pháp phải trao toàn bộ quyền kiểm soát Đông Dương cho quân Nhật. Do quân Pháp chưa trả lời, quân Nhật lấy cớ này khởi sự tấn công Pháp, nhanh chóng chiếm Phủ Toàn quyền Đông Dương và bắt sống hầu hết các quan chức cao cấp của quân Pháp; làm chủ các vùng đô thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ khác.
Sự kiện Nhật đảo chính và hất cẳng quân Pháp đã dồn quân Pháp đến chân tường, bộ máy thống trị của thực dân Pháp hoàn toàn bất lực, buộc phải đầu hàng, chấp nhận làm tay sai cho phát xít Nhật. Đông Dương đã trở thành thuộc địa của phát xít Nhật.
Trước sự kiện Nhật – Pháp bắn nhau, quân Pháp đầu hàng quân Đức, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiên đoán rằng “đây là cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc”. Người nhấn mạnh rằng, nếu chậm trễ lúc này thì thời cơ biến mất; chúng ta sẽ có tội với cách mạng, với nhân dân.
Nắm chắc diễn biến tình hình, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước (tháng 2-1941) cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh) vàchủ trương khởi nghĩa vũ trang từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Theo đó, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập (ngày 22-12-1944), từ đây phong trào toàn quốc kháng Nhật, chống Pháp dâng cao.
Với dự báo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ tháng 1-1944 đến tháng 1-1945, Hồng quân Liên Xô đã tấn công và quét sạch quân đội phát xít trên toàn lãnh thổ Liên Xô, giải phóng nhiều nước châu Âu. Ngày 9-3-1945, giữa lúc Nhật nổ súng, thực hiện đảo chính để lật đổ quân Pháp, Trung ương Đảng đã họp khẩn cấp; phân tích, đánh giá kỹ tình hình thế giới và trong nước, nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến rất gần và quyết định “phá kho thóc giải quyết nạn đói” cho dân, đưa phong trào kháng Nhật, cứu nước lan rộng ra cả nước.
Nắm vững các yếu tố “thiên tời, địa lợi, nhân hòa”, đặc biệt là yếu tố thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (13-8 đến 15-8-1945) đã kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay sau đó, Lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Người viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm. Tiến lên!”[1], “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Trong 15 ngày, từ 13 đến 28-8-1945, quân và dân ta đã kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp và ngàn năm của chế độ phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hoà. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực; nhất là sự nhanh nhạy đón bắt và triệt để sử dụng thời cơ; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.
Ai đó cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử, cho rằng “thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự “tình cờ”, “ăn may”, “Đảng và Chính phủ Hồ Chí Minh chẳng có công cán gì” là luận điệu hết sức phi lý; không ai có thể chấp nhận. Chắc chắn người dân Việt Nam đã, đang và sẽ không bao giờ tin những lời nhảm nhí, sặc mùi phản động, vu khống ấy.
Đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, nền “gốc” của hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc
Lại vẫn chiêu trò cũ, xuyên tạc, bôi đen lịch sử; các thế lực thù địch cố tình tung tin xấu, độc, xuyên tạc Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975, phủ nhận con đường đi lên CNXH của nhân dân ta.
Với những giọng điệu lạc lõng, sự xuyên tạc, bôi đen những chiến công vang dội của quân và dân ta,song chính sự sai trái ấy lại tôn vinh, khẳng định mạnh mẽ hơn tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại mà nhân dân ta đã giành được.
Hơn thế, nó chứng minh tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lương tri, nhân phẩm và trách nhiệm của Việt Nam đối với nhân loại và trọng trách gìn giữ nền hòa bình thế giới của nhân dân Việt Nam. Chúng ta đã giành lại độc lập dân tộc, nền “gốc” để gìn giữ hòa bình, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch. Chúng cho rằng, “Việt Nam không thể có độc lâp dân tộc gắn liền với CNXH”; vì Đảng Cộng sản Việt Nam “kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin” là “sai lầm nghiêm trọng” bởi CNXH theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, thế giới ngày nay hoàn toàn khác xưa, Việt Nam phải đi theo con đường TBCN mới là khách quan vì CNTB mới là “sự lựa chọn duy nhất đúng đắn”, “CNTB là đại diện chân chính của thời đại”… “Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đi theo con đường XHCN thì đất nước tụt hậu vì Đảng đi sai đường, “trái quy luật khách quan”. Hơn thế, chúng cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam tự tách ra khỏi vòng quay lịch sử”, “bị “gạt ra lề cuộc sống”, “một mình một chợ”, “một mình chơi một bàn cờ”, v.v..
Cần nhận thức rõ rằng, 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đều nhất quán khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn, đã trở thành mục tiêu và lẽ sống của nhân dân ta.
Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở chắc chắn bảo đảm cho độc lập dân tộc. Cơ sở xuất phát của sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Đảng và nhân dân ta là từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là thực tiễn hơn 92 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Điều ấy đã được kiểm chứng bởi lịch sử dân tộc Việt Nam; xương máu, ý chí quyết tâm, sự đoàn kết và lòng dũng cảm của nhân dân ta; không thể nào lầm lẫn được. Rõ ràng, lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta là hoàn toàn đúng đắn, xét về mặt lịch sử, nó hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; nó cũng xuất phát từ mơ ước, khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.
Những luận điệu hằn học, sặc mùi vu khống, đe dọa nêu trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là hết sức phản động. Nó đang tác động tiêu cực đến một một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, hoặc do thiếu thông tin, ít quan tâm đến đời sống chính trị – xã hội nên bị lừa bịp và chính nó gây ra tâm lý bức xúc, bất bình, tâm trạng tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần xã hội. Đa số người dân lên án, phản đối sự tính phi lý, ngang ngược ấy. Chúng ta không bao giờ chấp nhận những luận điệu sai trái, thù địch nêu trên và kiên quyết, kiên trì đấu tranh, vạch trần sự sai trái ấy; tuyệt đối không cho phép nó tồn tại ở đất nước Hồ Chí Minh, nhất là vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân quyết thắng hôm nay./.
[1] Trích Bức thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi kêu gọi quốc dân Việt Nam ngày 18-8-1945
Dương Phương Duy
Nhận xét
Đăng nhận xét