Lâu nay, những kẻ giảo hoạt vẫn luôn miệng ca ngợi nền tự do phương Tây, coi đó là “xứ thiên đường” và muốn “ốp” Việt Nam cũng phải rập khuôn theo nền tự do, dân chủ đó. Sự ngợi ca, tâng bốc này khiến những “con rối” trong nước có lúc như “phát cuồng”, lên mạng chế giễu nền văn hoá nước nhà, chế giễu tính cách, con người Việt, miệt thị “chế độ đảng trị”, cáo buộc và đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi phi lý về dân chủ, nhân quyền.
Sự chia sẻ hay cổ xuý của không ít người trên mạng internet đã tiếp tay cho hành động gian xảo của những kẻ giảo hoạt, chống phá đất nước. Tự do, dân chủ ở mỗi quốc gia còn phụ thuộc đặc trưng nền văn hoá, chính trị, xã hội và ngay tại nơi mà họ gọi “xứ thiên đường” cũng có khuôn khổ, phép tắc, có những vấn đề khiến không ít kẻ khi đến định cư tại đây đã phải “vỡ mộng”.
Trần Thị Nga (sinh năm 1977) từng là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân. Chính Nga đã có những “chia sẻ đắng cay” trên mạng xã hội về cuộc sống của mình và người thân sau quá trình định cư ở “xứ thiên đường”.
Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, Nga và người thân gặp rất nhiều khó khăn trên đất Mỹ. Nga viết rằng, Mỹ là thiên đường của người này nhưng là địa ngục của người kia khi rơi vào vòng luẩn quẩn của các loại giấy tờ, trong khi tiền bạc lại không kiếm được. Nga tỏ ra chán nản: “Một gia đình 4 người (1 người già và 2 trẻ nhỏ) đã trải qua cảnh sống đó rồi. Giờ đã chán cảnh ngồi chờ chết dần chết mòn rồi, vì đằng nào cũng chết thì có chết cũng phải chết cho có ý nghĩa. Đi làm giấy tờ thì chỗ nọ chỉ chỗ kia, chỗ kia chỉ chỗ nọ…”.
Trần Thị Nga tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân từ năm 2007 với bí danh Sơn Nam, được coi là thành viên có tiềm năng, cốt cán. Nga có những thủ đoạn rất ranh mãnh như nửa đêm mang con ra nằm vỉa hè để đồng bọn chụp ảnh, quay phim tố chính quyền để cho dân khổ, có khi lại đặt hai con nhỏ lên xe nôi đẩy ra đường để biến thành công cụ “ăn cướp, la làng”. Với những hành động chống phá quyết liệt, Nga được các tổ chức, cá nhân thù địch tung hô là “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà cải cách”. Trần Thị Nga bị TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Phiên toà phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Như thường lệ, khi Trần Thị Nga bị bắt, xét xử và thi hành án, một số tổ chức, cá nhân thù địch ở nước ngoài lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá Việt Nam. Các đối tượng tung hô Nga là “người đấu tranh cho những thân phận bị dồn vào đường cùng”,“tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, xuyên tạc Việt Nam “vi phạm Công ước chống tra tấn” của Liên hiệp quốc và yêu cầu “trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện” cho đối tượng này. Tổ chức khủng bố Việt Tân cũng đã trao cho Nga “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”…
Nhận được sự tung hô, cổ suý từ bên ngoài nên trong thời gian chấp hành án tù, Nga thường xuyên bất tuân quy định của trại giam, khi được gọi điện cho người thân thì vu khống bị cán bộ trại giam “đàn áp, tra tấn”… Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo, Nga đã được ra tù trước thời hạn và ngày 10/1/2020 bị trục xuất, sang định cư tại Mỹ cùng 3 người thân trong gia đình.
Nay sang Mỹ, người ta chờ đợi xem “nhà dân chủ tự xưng” sẽ nói gì về miền đất mà Nga vẫn tụng ca bấy lâu. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, hiện thực không như ảo mộng, Nga buộc thừa nhận bi kịch với vô vàn thách thức đối mặt ở chính “miền đất hứa”. Thêm nữa, nếu như khi ở trong nước, Nga “khóc thuê” cũng được bên ngoài dụ dỗ, cho tiền thì khi sang Mỹ, những lời hứa “sẽ quan tâm”trở thành bi kịch trớ trêu.
Không nhận được sự trợ giúp từ những tổ chức vẫn nói “luôn đồng hành”, Nga túng thiếu, vật lộn khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, khi đó mới nhận ra mình đã bị mắc mưu những kẻ giảo hoạt. Còn kẻ giảo hoạt thì nói rồi quên, hứa rồi bỏ, tung hô rồi phó mặc, tưởng đường mật hoá ra đắng chát, sự thật ấy khi Nga nhận ra thì đã quá muộn. Kẻ giảo hoạt bản chất là vậy, chẳng có gì lạ cả, chỉ có những “con rối” ảo vọng, cả tin như Nga mới rơi vào bi kịch!
Thực tiễn vỡ mộng đó đã khiến cho Trần Thị Nga thốt lên chua xót: “Vậy là tôi đã có thêm một bài học một kinh nghiệm có giá trị”! Vậy mà, khi còn trong tù, Nga không hối lỗi cải tạo để sớm được trở về với xã hội, trở về với cộng đồng hưởng cuộc sống thanh bình, tự do, mà còn tìm kiếm mộng ảo nơi “thiên đường đất Mỹ”, giờ đây mới đớn đau tỉnh ngộ. Lời than thở chua cay của Nga cũng như một số đối tượng khác có tư tưởng, hành vi phản bội lại quê hương, đất nước là bài học thức tỉnh, hãy biết dừng lại trước khi quá muộn.
Cũng rơi vào viễn cảnh như Nga là trường hợp của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Như Quỳnh khi ở trong nước hay lên mạng chửi bới chính quyền Việt Nam, ra sức bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ca ngợi “thiên đường” ở các nước phương Tây. Sau khi bị bắt giữ, xử lý, Quỳnh được phía Mỹ bảo lãnh theo diện tị nạn chính trị. Nhưng khi được sang Mỹ rồi, Quỳnh mới thấy tất cả không như ảo tưởng của mình.
Trên Facebook của mình, cô ta đã cay đắng thừa nhận “nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ”, đồng thời chĩa mũi nhọn chỉ trích vào tổng thống Mỹ và chính quyền sở tại. Thực tế, trong dịch bệnh COVID-19, tầng lớp không có việc làm ổn định, không có nhà cửa như Quỳnh là những người chịu áp lực nhất khi giá y tế ở Mỹ cao kỷ lục và khó tiếp cận. Trên mạng Internet, Quỳnh có lúc bày tỏ “nhớ nhà”, “muốn được trở lại”...
Tương tự là trường hợp Lê Thu Hà (tháng 4/2018, Hà bị kết án 9 năm tù và 2 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”). Sau đó, Hà bị trục xuất khỏi Việt Nam, được bảo lãnh theo diện tị nạn. Hà đến ở tại thị trấn Bad Naheim, bang Hawai, Đức, được một số cá nhân chu cấp tiền để học tiếng Đức, thuê nhà, sinh hoạt và đào tạo nghề. Tuy nhiên, do không có trình độ, tiền không đủ, nhà ở thuê, bản thân không thể đáp ứng yêu cầu, điều kiện lao động và mức sống tại đây, Hà vỡ mộng với cuộc sống tại “xứ Tây”, nơi mà Hà từng ao ước, ca ngợi rồi có các hành động phản bội lại đất nước để đạt được mục đích. Chỉ thời gian ngắn, Lê Thu Hà bắt đầu chán nản “xứ phồn vinh” và thấm thía rằng “luôn nhớ quê hương, đất mẹ”, tìm cách trở về.
Cũng có những trường hợp sau khi sang Mỹ, châu Âu, nhờ được sự giúp đỡ của người thân, họ tìm được việc làm, tạm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, dù không quá vất vả, lận đận kiếm tiền song các “nhà dân chủ” sớm nhận ra sự thật đắng cay: các tổ chức, cá nhân vốn hứa bao bọc, giúp đỡ nhằm tạo ngọn cờ chống đối trong nước, nay tìm cách tảng lờ, coi như không liên quan. Kẻ giảo hoạt vốn vậy, nay con rối đã bị tẩy chay, mất khả năng quậy phá tất bị trở tay, lật kèo, có tức khí chửi bới kẻ “nói lời không giữ lấy lời” thì cũng chỉ như nước đổ lá môn, chửi đấy rồi khóc, đau đớn nhận ra bi kịch khi đã quá muộn!
Quê hương, đất nước bất luận trong hoàn cảnh nào cũng thiêng liêng, cao quý. Người ta bảo “cáo chết quay đầu về núi”, làm sao có thể rời bỏ mẹ cha, ruồng bỏ quê hương. Làm sao có thể phỉ báng quê hương, đất mẹ, nơi chôn rau cắt rốn của mình, nơi dưỡng dục mình lớn lên. Người phụ bạc với đất mẹ, với Tổ quốc thì còn bước đi đâu mà không phải cúi đầu, còn gì liêm sỉ để ngẩng lên mà nhìn người khác?
Xin viện dẫn câu chuyện của ông Hoàng Duy Hùng, người từng có quá khứ chống đối quyết liệt để thấy rằng, không thể nói định kiến là cố hữu mà sự thay đổi nhận thức là hoàn toàn có thể theo nghĩa tiếp cận đạo lý, lẽ phải. “Tôi chống Đảng, Nhà nước từ năm 1984 và trở thành một đảng viên trung ương của đảng Đại Việt vào năm 1986. Khi được tổ chức cử về đất nước, lúc đó quê hương còn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị bao vây, cấm vận từ nhiều phía…
Sau khi bị bắt giữ, được trả tự do vào năm 1993 thì đất nước của vẫn còn nghèo nên tôi vẫn có tư tưởng chống cộng” – ông Hùng nhớ lại những năm tháng lầm đường, lạc bước. Nhưng rồi, những lần trở lại Việt Nam, tiếp xúc với những người thân yêu trên quê hương đất mẹ, chứng kiến những phát triển, đổi thay của đất nước, ông Hùng dần nhận ra lẽ phải. Trong lần trở về quê ăn Tết Nguyên đán năm 2022, ông chia sẻ: “Khi rời quê hương, tôi còn rất nhỏ. Tôi luôn ao ước được ăn một cái Tết đầm ấm ở quê nhà. Ngày 20/1/2022, tôi đáp chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên người con xa xứ như tôi về với đất mẹ nhưng cảm xúc lần này khác nhiều so với lần trước. Bởi đây là lần đầu tiên, tôi được đón một cái Tết đúng nghĩa của người Việt…
Được nhìn thấy những đổi thay từng ngày, từng giờ ở mảnh đất nơi chôn rau, cắt rốn, cảm xúc của tôi lại xốn xang, khó có thể diễn tả hết bằng lời”. Ông kể rằng, trở về và đi nhiều nơi, chứng kiến sự thay đổi, cuộc sống bình an của người dân, chính điều đó đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của mình. Rồi ông quay những clip về quê hương, đất nước đưa lên mạng. Qua những đoạn clip, góc nhìn của mình, ông mong muốn mỗi người Việt đang có tư tưởng chống cộng hiểu rằng, có thể họ hận thù với chế độ này vì họ chưa được thấy những ảnh thật về quê hương, đất nước, vì những định kiến xưa cũ. Hãy cảm nhận bằng hiện thực cuộc sống, về quê hương, con người, đừng vì những động cơ sai trái mà nói và hành động trái với đạo lý, với lẽ phải…
“Quê hương nghĩa nặng tình sâu”, lòng yêu nước và hướng về quê hương luôn là một giá trị thiêng liêng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Kẻ giảo hoạt bản chất gian trá, vốn chỉ nhằm phá hoại sự yên bình, ổn định của chúng ta. Đừng biến mình thành quân cờ với những lời lẽ nguỵ biện kiểu “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, “nhà cải cách”, đừng trở thành con rốitrong tay kẻ giảo hoạt, làm hại quê hương, đất nước, chống lại Đảng, chế độ.
Nhân quyền, giá trị đó không từ trời Tây rơi xuống, không ngộ nhận từ “phong trào” nào từ hải ngoại.
Nhân quyền, điều đó chỉ có thể đảm bảo bằng cách sống và hành động đúng với lẽ phải, với luật pháp, với đạo lý trên quê hương, đất nước mình.
Kết lại bài này, xin nhắc lại câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp gỡ với kiều bào tại quận Cam nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 6/2007): “Chúng ta nghĩ Tổ quốc là cái gì xa xôi nhưng Quốc văn giáo khoa thư nói rằng, đó là những gì gần gũi nhất... Tôi mong bà con của mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường”.
Nhận xét
Đăng nhận xét