Sự thật về cái gọi là “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng Tháng Tám

 Những người đưa ra quan điểm, cách mạng Tháng Tám thành công là “ăn may”, do có “khoảng trống quyền lực”, là chưa nhận thức rõ về sự thực lịch sử.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc, Nhật đầu hàng quân đồng minh; trong nước, thực dân Pháp bị Nhật đảo chính, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim cũng không còn sức chống đỡ. Vì thế, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, có quan điểm cho rằng, lúc bấy giờ ở Việt Nam có “khoảng trống quyền lực” nên Việt Minh mới dễ dàng giành được chính quyền cách mạng.

Sự thực của quan điểm này là gì? Ở Việt Nam lúc bấy giờ có cái gọi là “khoảng trống quyền lực” hay không?

Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước đều có chung nhận định, trong thời gian từ 14-19/8/1945, không hề tồn tại một “khoảng trống quyền lực” nào ở Việt Nam.


Thực tế cho thấy, sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, phát xít Nhật đã nhanh chóng thiết lập quyền thống trị, kiểm soát trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên đến ngày 17/8 vẫn còn nắm quyền và cho người mặc cả với Việt Minh để chia sẻ quyền lực.

Cũng có quan điểm cho rằng, Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thành công là do Nhật đã đầu hàng đồng minh nên Việt Minh không gặp phải sự kháng cự nào. Đó là quan điểm không đúng thực tế và không có cơ sở khoa học. Bởi cho tới khi Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vào ngày 14/8, các lực lượng quân đội Nhật vẫn chưa nhận được lệnh đầu hàng. Đạo quân phương Nam của Nhật tại Đông Dương vẫn còn nguyên vẹn vũ khí. Mãi đến ngày 21/8, Tập đoàn quân số 38 của Nhật với hơn 1 vạn quân đóng giữ quanh Hà Nội mới chính thức nhận được lệnh ngừng bắn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hiển, Giảng viên Cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, lúc bấy giờ quân Nhật tuy có hoang mang do đã bại trận, Chính phủ Nhật đã đầu hàng đồng minh nhưng quân Nhật ở Đông Dương vẫn còn rất đông, rất mạnh và cũng không phải dễ dàng gì mà họ bàn giao chính quyền cho Việt Minh.

“Đến ngày 2/9/1945 quân Nhật vẫn chiếm đóng Đài Phát thanh. Chúng ta muốn dùng đài phát thanh để phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình là rất khó khăn. Hay là chiếm đóng cầu Long Biên và ở nhiều nơi, lực lượng thân Nhật chống lại cuộc khởi nghĩa của nhân dân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hiển thông tin.

Mặt khác, ở Việt Nam lúc đó, ngoài Mặt trận Việt Minh còn có giáo phái Cao Đài, Việt Nam phục quốc đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng và rất nhiều lực lượng khác. Thế nhưng, có một sự thực là ngoài mặt trận Việt Minh, tất cả các tổ chức nói trên đều không thể tập hợp được lực lượng, không thể giành được chính quyền.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sự, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị đều cho rằng, chính thực lực bên trong và quá trình chuẩn bị lâu dài của Đảng ta mới là nhân tố quyết định thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

“Tất cả các nước đều có thời cơ thuận lợi như chúng ta là Chiến tranh thế giới thứ 2 đã kết thúc, Nhật đã đầu hàng ở Đông Nam Á, thế thì tại sao chỉ có ở Việt Nam giành được chính quyền, bởi vì Đảng ta đã có 15 năm chuẩn bị, tức là phải có nội lực để chớp thời cơ. Nếu không có nội lực, thời cơ có thuận lợi đến mấy cũng không kết hợp được. Cho nên, chuẩn bị lực lượng mọi mặt của Đảng ta đóng vai trò quyết định trong Cách mạng Tháng Tám”, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà phân tích.

Bổ sung thêm, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sự cho biết, từ 1930- 1945, chúng ta đã thông qua 3 lần tổng diễn tập, nếu không có những lần tổng diễn tập như thế, khi thời cơ đến, chúng ta khó có đủ thực lực, kinh nghiệm để lãnh đạo nhân dân đứng lên chớp thời cơ giành chính quyền trong phạm vi cả nước. Đó là một quá trình chuẩn bị công phu.

Nhiều nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu sử học còn cho biết, ngày 17/8, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức một cuộc mít tinh lớn, hòng lôi kéo quần chúng nhưng thất bại. Trong khi, quân đội Nhật trong ngày 19/8 đã uy hiếp, đòi tước vũ khí và đàn áp cuộc khởi nghĩa. Vì thế, nếu Đảng ta không có thực lực, không có sự chuẩn bị lâu dài về lực lượng và rèn luyện quần chúng đấu tranh qua thử thách ác liệt thì không thể có được thành công.

Những người đưa ra quan điểm rằng, cách mạng Tháng Tám thành công là “ăn may”, là do có “khoảng trống quyền lực”, một mặt do chưa nhận thức rõ về sự thực lịch sử, mặt khác cũng là do các thế lực phản động, đối tượng cơ hội chính trị xuyên tạc nhằm đổi trắng, thay đen, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung nhận định: “Họ xới lên như vậy là nhằm phủ nhận ý nghĩa, tính chất chính đáng của việc Việt Nam tuyên bố độc lập, giành chính quyền. Đây là cách họ tấn công trực diện vào thành tựu cách mạng của nhân dân ta. Tôi cho rằng, quan điểm đó không có giá trị về mặt khoa học, vì ngay cả người Mỹ, người Pháp cũng không ai nói như họ nữa. Toàn thế giới, những người nghiên cứu sử học nghiêm túc, đều thừa nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám”.

Ngày 2/9/1945, trong lúc tại Vịnh Tokyo, Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng quân đồng minh, thì tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Tới ngày 28/9/1945, quân đội Nhật bại trận tổ chức lễ đầu hàng tại Hà Nội. Như vậy, có thể khẳng định, không hề có một “khoảng trống quyền lực” nào như rêu rao của một số đối tượng, mọi quan điểm xem nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đều không có giá trị. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà với toàn thể nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới./.

Trường Giang/Phát thanh Quân đội

Nhận xét