Tin giả, vì sao khó dẹp?

 Tin giả là thứ virus độc hại, gây rối dư luận, khủng hoảng niềm tin và gây tổn hại nghiêm trọng về vật chất và tin thần cho xã hội. Tin giả nguy hiểm như vậy, nhưng việc dẹp thứ “dịch bệnh” này chưa bao giờ dễ dàng.

Những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin một cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.     

Ngày 11/7, Bộ Công an đã chính thức lên tiếng khẳng định những thông tin đó là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Bộ Công an nêu rõ việc bịa đặt thông tin người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn bị bắt, bị cấm xuất cảnh không những để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế, làm thiệt hại cho nhiều tổ chức và cá nhân, mà còn có dấu hiệu của phạm tội hình sự.    

Hay trước đó, trong bối cảnh các em học sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, một số đối tượng đã cố tình tung tin ác ý về việc lộ đề thi, gây rối loạn thông tin và gia tăng bức xúc trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra thông báo nhấn mạnh đó là thông tin giả mạo, sai lệch.    

Trên đây chỉ là hai trường hợp mới nhất của vấn nạn tin giả, tin bịa đặt đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ ở nước ta. Tin giả (fake news) đã trở thành một thứ virus độc hại, một loại dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bắt bệnh là một chuyện, còn có trị được bệnh tin giả hay không lại là câu chuyện khác.

Trước tiên, phải thừa nhận rằng ngăn chặn tin giả là rất khó, bởi đặc tính lan truyền thông tin mạnh mẽ và gần như thời gian thực trên các nền tảng số hay mạng xã hội. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số, trong đó bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nguồn tin”, trở thành “anh hung bàn phím” chỉ với một chiếc smartphone trong tay. Thông tin giả, tin sai sự thật phát tán và lan truyền với tốc độ chóng mặt một phần cũng do mạng xã hội có những tính năng như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream)…    

Vì là tin bịa đặt, nên tin giả thường được cường điệu hóa cho ly kỳ, hấp dẫn, dễ đánh vào xúc cảm, tâm lý hiếu kỳ của mọi người. Trong khi, hầu hết người dùng mạng xã hội lại chưa được trang bị các kỹ năng an toàn trên không gian mạng, đôi khi còn tự nhiên chủ nghĩa, thích câu view và không ý thức được mức độ nguy hiểm của hành vi tung tin hay chia sẻ thông tin xấu độc, giả mạo. Một nguyên nhân nữa khiến tin giả xuất hiện và lan tràn ngày càng nhiều đó là do khoảng trống của thông tin chính thống. Trong một vài trường hợp, tin chính thống thường chậm, thiếu tính thời sự. Tin giả tràn lan nhiều giờ, nhiều ngày thì các cơ quan báo chí mới công bố thông tin chính thức theo kiểu chữa cháy.    

Việc tìm “liều thuốc” để đặc trị dịch bệnh tin giả là vấn đề được nhiều nước quan tâm. Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh cuộc chiến chống thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng như Facebook, Google, Twitter và các mạng truyền thông xã hội khác thông qua việc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử chung. Bộ quy tắc ứng xử mới yêu cầu các nền tảng số loại bỏ những quảng cáo sai sự thực, các tài khoản lan truyền thông tin thất thiệt và tăng cường công tác đối chứng dữ liệu. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của bộ qui tắc là yêu cầu công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới Meta – chủ quản của Facebook, Twitter, Microsoft và Instagram – phải có những cam kết rõ ràng trong việc ngăn chặn thông tin giả mạo, sai lệch. Hay mới đây nhất, Chính phủ Anh vừa đề xuất một quy định mới yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải chủ động trong cuộc chiến chống tin giả trên không gian mạng. Quy định mới tập trung xử lý những tài khoản giả trên các nền tảng như Facebook và Twitter.     


Tại Việt Nam, có người cho rằng tin giả tràn lan thời gian gần đây là do chúng ta thiếu pháp luật và các quy định cụ thể, chế tài xử lý. Song thực tế không hẳn như vậy. Việt Nam có đủ công cụ pháp luật lẫn quy tắc đạo đức cho cuộc chiến với tin giả. Tháng 6/2018, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng 2018, gồm 7 chương với 43 điều luật quy định chặt chẽ các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhằm đảm bảo sự an toàn và trật tự của toàn xã hội trên không gian mạng.    

Chính phủ cũng đã ra Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo Nghị định 15, hành vi phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc bị phạt tới 50-70 triệu đồng. Tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” nhằm giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc ứng xử trên môi trường Internet.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xử phạt hành chính với số tiền xử phạt không lớn sẽ  không đủ sức mạnh răn đe và ngăn chặn những kẻ cố ý tung tin giả, tin thất thiệt. Thiệt hại về danh dự, tinh thần và cả vật chất mà các thông tin sai lệch gây ra trong nhiều trường hợp là vô cùng nghiêm trọng và lâu dài; có những thông tin bịa đặt hoàn toàn được chủ ý tung ra nhằm triệt hạ đối thủ kinh doanh… Do vậy, chỉ xử phạt hành chính là không đủ, không thể răn đe và ngăn chặn tin giả. Thiết nghĩ, chúng ta cần có những chế tài, điều luật mạnh mẽ hơn để áp dụng trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.     

Trong kỷ nguyên số chuyển động không ngừng hiện nay, chúng ta không chỉ đơn thuần là công dân một nước hay công dân toàn cầu, mà thật sự đã trở thành các “công dân mạng” (digital citizen). Trên không gian mạng không hề ảo đó, mỗi người cần phải ý thức được chuẩn mực đạo đức, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để góp phần xây dựng một cộng đồng mạng an toàn và lành mạnh. Đồng thời, việc ban hành các chế tài, hình phạt nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe cao hơn, đối với hành vi tung tin giả mạo cũng hết sức cần thiết. Thuốc đắng dã tật, thứ virus gây hại cho người khác, cho cộng đồng và xã hội này cần phải bị nghiêm trị.    

Trần Thanh Tuấn

Nhận xét