HỌ CÒN NHỚ HAY HỌ SẼ QUÊN?

“Có thực sự là cuộc chiến ấy đã diễn ra? Có thực sự là Khmer Đỏ có thật? Có thực sự là Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia chống lại Khmer Đỏ không?” - bình luận của một người dân Campuchia trên fanpage của Thủ tướng Hun Sen vào ngày 20/06 nhân dịp 45 năm Ngày lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Bình luận này nhận được rất nhiều lượt yêu thích và tranh luận nhưng nhanh chóng bị xóa đi ít lâu sau đó. Những câu hỏi trên gợi ra một vấn đề, rằng một bộ phận người Campuchia sau này nghĩ gì về cuộc diệt chủng Khmer Đỏ? Liệu họ, những người kế thừa lịch sử của một thế hệ điêu tàn, có lãng quên và sao nhãng cuộc chiến ấy không?

Hai phần ba người dân Campuchia ở vào độ tuổi dưới 30, độ tuổi trung bình của đất nước này là 26 - thuộc nhóm trẻ nhất châu Á. Họ được sinh ra sau “thời đại diệt chủng” diễn ra ở những năm 70 của thế kỷ trước. Giai đoạn ấy, chế độ Khmer Đỏ đã tiêu diệt ¼ dân số của quốc gia này. Độ tuổi quá trẻ nói lên điều gì? Có thể, họ sẽ không hình dung ra tội ác của Khmer Đỏ ngay cả khi đứng giữa Tuol Sleng, Choeung Ek hay Anlong Veng. Và chính vì không hình dung được, nên họ có một cái nhìn hời hợt. trống trải về sự kiện này. Rồi, họ hoài nghi, họ lãng quên. Đó chính xác là những gì đã, đang và sẽ diễn ra…

Ngày 23/05/2022, Trung tâm Tư liệu Campuchia (DC-CAM) tổ chức một ngày tưởng nhớ cho các nạn nhân Khmer Đỏ tại Takeo và Kampong Cham. Đáng buồn rằng, phần lớn những người tham gia buổi hôm ấy là những người già, trung niên và thiếu vắng những người trẻ. Giám đốc DC-CAM Youk Chhang cho biết buổi lễ nhằm giúp người trẻ tìm hiểu về những hành động tàn bạo của Khmer Đỏ, đồng thời xoa dịu nỗi đau của những người sống sót.

“Lịch sử đen tối của Khmer Đỏ đối mặt với nguy cơ bị lãng quên trong những năm qua. Điều đó cần được ngăn chặn và cần được các thế hệ mai sau ghi nhớ để tình trạng bạo lực không bao giờ lặp lại ” - ông Youk Chhang bình luận.

“Thế hệ trẻ, họ không biết về chiến tranh, và ngay cả tôi, một người thuộc thế hệ đó, nhưng tôi cũng không biết nhiều về nó” - Kao Kea, 58 tuổi trả lời phỏng vấn The New York Times. Bà nói thêm: “Có lẽ chúng ta nên nhớ. Bởi vì nếu chúng ta không làm vậy, điều gì sẽ ngăn chúng ta phạm phải những sai lầm tương tự một lần nữa?”.

Nhiều người trẻ Campuchia và Việt Nam không biết rằng, trong những giờ phút khó khăn nhất từ 1977 - 1979, có tới hàng trăm ngàn người Campuchia vượt biên tị nạn ở Việt Nam. Những người này sau đó trở về sau khi kết thúc chiến tranh, trở thành một phần của “những người Campuchia mới” và họ trực tiếp tham gia tái thiết đất nước Campuchia. Họ cần biết rằng, Khmer Đỏ đã tấn công vào lãnh thổ Việt Nam khiến nửa triệu người mất nhà cửa và hơn 100.000 ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang vì giao tranh.

Việt Nam là quốc gia duy nhất bấy giờ giúp Campuchia khôi phục lại hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng hành chính, các trường học mở cửa trở lại, các ngôi chùa Phật giáo trở lại hoạt động, các thành phố được tái định cư. Tháng 06/1980, Việt Nam viện trợ không hoàn lại 180.000 tấn lương thực cho Campuchia - con số viện trợ lớn nhất mà Việt Nam dành cho một quốc gia khác và cũng là con số viện trợ lớn nhất mà Campuchia được nhận cho đến thời điểm hiện tại. Cần biết rằng vào những năm đó, Việt Nam vẫn còn rất nghèo đói vì phải chống Trung Quốc ở phía Bắc và chiến đấu chống Khmer Đỏ ở phía Tây Nam, vừa phải lo khắc phục hậu quả chiến trong trong nước… Đó dường như là tất cả những gì người ta gọi là nhân đạo trên thế giới này.

Liên Hợp Quốc tiếp nhận toàn bộ Campuchia sau khi Việt Nam Việt Nam rời đi vào cuối tháng 9/1989. Các quốc gia được LHQ tiếp nhận thường chỉ còn lại đống đổ nát, nạn đói, bệnh dịch, nhưng Campuchia lại không rơi vào tình cảnh ấy. Nhưng, nhiều người trẻ Campuchia dường như nghĩ rằng chính LHQ mới là đối tượng chính giúp Campuchia tái thiết đất nước… Điều đó là sai!

Chuyên trang Modern Diplomacy bình luận: “Nhiều người Campuchia thậm chí còn không biết rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất đã giải cứu họ khỏi những khó khăn của chế độ diệt chủng”.

SD Pradhan, Chủ tịch Ủy ban tình báo, Phó cố vấn an ninh quốc gia, Chủ nhiệm Đội đặc nhiệm tình báo Ấn Độ từng bình luận rằng: “Cuộc chiến tại Campuchia là cuộc chiến mà phần đông thế giới văn minh muốn quên vì họ đã tiếp tay đó những điều sai trái tại đó. Những người lãnh đạo Khmer Đỏ đã được đưa ra ánh sáng, nhưng những gì Việt Nam đã làm được vẫn chưa được nhìn nhận đúng mực”.

Giáo sư Pankaj Jha của Đại học Delhi viết: “Việt Nam chưa bao giờ được nhìn nhận, tôn vinh theo đúng những gì mà quốc gia này đã cống hiến”.

Lãng quên cũng là một tội ác. Tội ác này không gây ra thương tổn trực tiếp cho những người khác, nhưng chúng gây ra thương tổn cho lịch sử. Và lãng quên chính là điểm bắt đầu cho những tội ác khác dần hình thành và len lỏi. Nhưng, “vấn nạn” lãng quên không chỉ diễn ra với nhiều người trẻ Campuchia và còn diễn ra âm thầm trong tâm trí một bộ phận giới trẻ Việt Nam…

Cho đến một ngày nào đó trong tương lai, liệu lịch sử đúng đắn còn chỗ đứng hay không? Liệu có một ngày sự lãng quên biến sự thực thành dối trá hay không? Điều đó, phải chăng đang đến thật gần ngay lúc này.

Tư liệu tham khảo

1. Vietnam’s role in Cambodia 1978-1989: Elimination of Khmer Rouge - IndiaTimes.

2. ‘They don’t know about war’: The legacy of forgotten horrors - The Japan Times

3. Vietnam’s role in eliminating Khmer Rouge in Cambodia - Modern Diplomacy EU

4. DC-Cam holds prayers for genocide victims in two provinces - Khmer Times.

5. ‘They Don’t Know About War’: The Legacy of Forgotten Horrors - The New York Times

6. Why the world should not forget Khmer Rouge and the killing fields of Cambodia - The Washington Post

Và một số tư liệu khác

 

Nhận xét