Chú tôi học hành giỏi giang nhất họ, nên thành danh sớm. Sự nghiệp của ông cũng hanh thông hơn nhiều người. Nhưng khi sắp nghỉ hưu và tới khi nghỉ hưu hẳn, ông như trở thành một người khác. Lúc sắp nghỉ hưu, ông luôn hằn học, bức xúc, đố kỵ với những đồng nghiệp trẻ tuổi hơn mình. Ở cơ quan, ông tuyên bố sẽ kiện, bất cứ ai mà ông không “vừa mắt”. Mọi người sợ ông như “sợ tà”, mong ông sớm cầm quyết định nghỉ hưu, coi như đỡ đi được mối lo canh cánh.
Không chỉ thay đổi thái độ với những người đồng chí, đồng đội, những người đã sát cánh cùng ông trong suốt những năm tuổi trẻ; khi nghỉ hưu về quê, ông cũng luôn thể hiện sự bất mãn, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, bất công.
Giờ đây, thay vì nghe các thông tin trên báo đài chính thống, thì ông chỉ nghe thời sự qua các trang mạng xã hội với những tin tức bịa đặt, vô căn cứ. Và ông chia sẻ những góc nhìn tiêu cực, méo mó đó trở lại mạng xã hội, một thứ công cụ mà ông cho rằng cực kỳ hữu dụng, để “phản bác, lên án, đấu tranh” với những “bất công”.
Là một người làm báo, tôi nhiều lần ngồi trò chuyện với ông và dành thời gian phân tích sự thay đổi tiêu cực này. Tôi nhận thấy, sự thay đổi của người cựu cán bộ nhà nước này không phải duy nhất. Có không ít người lớn tuổi, khi đương nhiệm rất tích cực, lạc quan, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước thì nay bỗng chốc “chuyển hóa” thành con người khác.
Đặc điểm chung của họ là hầu hết đã lớn tuổi, mới tiếp xúc, làm quen với mạng xã hội. Khi những người cao tuổi bước vào “biển” thông tin bất tận trên mạng xã hội, họ rất dễ bị dẫn dắt, bị tác động và thay đổi nhận thức, từ đó dẫn tới “lạc lối”. Điều đáng suy ngẫm là, một số cán bộ từng có chức vụ khá cao trong các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng có biểu hiện mất phương hướng này, thể hiện qua những phát ngôn lệch chuẩn, quy chụp hoặc phủ nhận lịch sử hào hùng của đất nước, dân tộc.
Các thế lực thù địch, phản động luôn toan tính tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển “quỹ đạo” phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Không khó để nhận ra, bên cạnh nhóm người trẻ tuổi, những người cao tuổi chính là đối tượng đang bị mạng xã hội kéo vào các “khoảng trống” tư tưởng, lý luận kể trên.
Chúng ta có hàng trăm tờ báo, kênh truyền hình, nhưng trong cuộc đua thông tin cũng như thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch, có thời điểm, báo chí, truyền hình có dấu hiệu đi sau, thậm chí lạc hậu. Để những “khoảng trống” tư tưởng không xuất hiện, truyền thông chính thống rất cần “thiết kế” lại việc đưa tin, tuyên truyền để nâng cao chất lượng, thu hút, tác động tích cực hơn tới công chúng, nhất là chú trọng việc đổi mới công tác phát hành để các ấn phẩm báo chí chính thống đến được với đông đảo công chúng, trong đó có đối tượng độc giả hưu trí. Thế giới đã thay đổi, công nghệ luôn thay đổi. Nếu tiếp tục truyền thông lạc hậu, chúng ta có thể sẽ để “lạc” mất thêm nhiều người, như chú của tôi./.
Nhận xét
Đăng nhận xét