THỦ ĐOẠN "BẺ LÁI" NHẬN THỨC VÀ DƯ LUẬN XÃ HỘI VỚI MỤC ĐÍCH XẤU

Một trong những thủ đoạn mà chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch tiến hành là “bẻ lái” nhận thức và dư luận xã hội vào ý đồ xấu xa của chúng. Có thể thấy điều đó trong một số bài viết mới đây đăng trên trang “lề trái”. Nói “bẻ lái” vì họ đã cố tình lờ đi sự hiến định của Hiến pháp và các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nước ta.

Họ cho rằng: “Dù Hiến pháp quy định người dân được trực tiếp bầu đại diện cho Quốc hội và các cơ quan nhà nước, nhưng hệ thống pháp luật, thông qua nhiều “chiêu” và “võ” đời thường, cả công khai lẫn bí mật, đã thiết lập nên sự độc tôn về quyền lực chính trị cho Đảng Cộng sản Việt Nam và dàn dựng bằng nhiều cách để giám sát hầu hết mọi sinh hoạt xã hội”(!).

Hiến pháp hiện hành của Việt Nam (Hiến pháp 2013) đã hiến định quyền dân chủ trong bầu cử của công dân tại Ðiều 27: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Như vậy, mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, vùng miền, nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính đều có quyền bình đẳng như nhau, được tự do tham gia ứng cử nếu trên 21 tuổi và bầu cử nếu trên 18 tuổi. Chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự mới không được ghi tên vào danh sách cử tri1.

Vì thế, trong nhiều khóa Quốc hội trở lại đây, các đại biểu tự ứng cử, các đại biểu là người ngoài Đảng trúng cử ngày càng cao và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động lập pháp của Quốc hội. Thậm chí, có những đại biểu tự ứng cử 3, 4 nhiệm kỳ mà vẫn đạt số phiếu tín nhiệm cao. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tính minh bạch, dân chủ và không cản trở gì người tự ứng cử và người ngoài Đảng ứng cử. Bởi bầu cử ở Việt Nam thực hiện nghiêm bốn nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Việc thực hiện bốn nguyên tắc bầu cử nói trên là một nét ưu việt của chế độ dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam. Vì thế, qua 15 kỳ bầu cử từ năm 1946 đến nay, nhiều người tự ứng cử đã được lựa chọn, đưa vào danh sách chính thức, như: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011 có 82 người tự ứng cử; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV năm 2016 có 162 người tự ứng cử; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, số người tự ứng cử gấp đôi số người tự ứng cử khóa XIV và nhiều người đã trúng cử. Thực tiễn trên đã bác bỏ sự “bẻ lái” nhằm mục đích xấu của họ.

Họ còn cho rằng: “Chỉ riêng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong 92 năm tồn tại của mình, chưa hề bị điều chỉnh bởi bất cứ một bộ luật nào, Đảng đứng trên mọi luật pháp” (!). Vậy là họ lại lờ đi vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được hiến định tại khoản 1, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.


Đồng thời, họ lờ đi trách nhiệm của Đảng và mỗi đảng viên là hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, lấy phục vụ nhân dân làm mục đích tối thượng. Điều này cũng được hiến định tại Điều 4 Hiến pháp 2013 ở khoản 2, 3. Cụ thể: “2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Và “3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đảng xác định, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là một trong những nguyên tắc hoạt động của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền nên Đảng xây dựng Nhà nước, tổ chức ra hệ thống chính trị, nhưng không làm thay Nhà nước. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước ban hành Hiến pháp và pháp luật để quản lý toàn xã hội. Đảng là một tổ chức chính trị trong xã hội, cho nên hoạt động của Đảng phải tuân theo những quy định chung của Hiến pháp và pháp luật. Đảng cũng là một thành viên của hệ thống chính trị, nhưng có vai trò lãnh đạo các tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó có Nhà nước.

Đảng lãnh đạo Nhà nước không phải bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng cương lĩnh, quan điểm, đường lối, bằng công tác cán bộ và hoạt động của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng phải thực hiện nguyên tắc hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng phải gương mẫu, tự giác, nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật; có trách nhiệm vận động quần chúng thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”2. Ấy thế mà họ nói Đảng Cộng sản Việt Nam chưa hề bị điều chỉnh bởi bất cứ một bộ luật nào, Đảng đứng trên mọi luật pháp chẳng phải là sự “bẻ lái” sao!

Họ không thừa nhận Hiến pháp - “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”. Bởi họ đã lờ đi khoản 1, Điều 4 Hiến pháp 2013 xác định: Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Với Đảng ta, Cương lĩnh chính trị là cơ sở thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ các lực lượng xã hội phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nên Cương lĩnh là văn bản “pháp lý” cao nhất của Đảng.

Quá trình lãnh đạo thực hiện cơ cấu Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ để vừa phân biệt rõ về nội dung, chức năng, nhiệm vụ, vừa có quan hệ hữu cơ với nhau, hợp thành một chỉnh thể thống nhất. Qua đó cho thấy, vị trí của các nhân tố đó không ngang bằng nhau; trong đấy, Đảng giữ vị trí quan trọng nhất - vị trí lãnh đạo, các thành viên khác (trong đó có Nhà nước) phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước là Hiến pháp phải phục tùng văn bản pháp lý cao nhất của Đảng là Cương lĩnh. Cho nên nói Hiến pháp - “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” là hoàn toàn có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học. Thế mà họ hòng “bẻ lái” nhận thức và dư luận xã hội nhằm mục đích xấu.

Nguồn: Báo Biên phòng

 

Nhận xét