CẢNH GIÁC VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC LỢI DỤNG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG

Đánh giá về công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, việc xử lý nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Quan điểm này của người đứng đầu Đảng được tuyệt đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng. Thế nhưng thời gian gần đây các thế lực thù địch, phản động và một số đối tượng xấu lại triệt để lợi dụng tình hình công cuộc chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo để xuyên tạc, thậm chí phủ nhận và cho rằng “Đốt lò kiểu ông Nguyễn Phú Trọng không phải là cách diệt tham nhũng”.

Thứ nhất, chúng lợi dụng công cuộc chống tham nhũng để nói xấu chế độ, chống phá Đảng. Chúng cho rằng: tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam, bản thân bộ máy đẻ ra tham nhũng, do Đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng tất yếu xảy ra, do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công… Và rồi chúng kết luận kiểu như “căn nguyên tạo ra tham nhũng là do Đảng đứng trên pháp luật”, “phải thực hiện đa nguyên, đa đảng để không còn hoặc hạn chế tham nhũng”…

Những giọng điệu đó chỉ là sự lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu chế độ và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ở nước ta. Thực tế thì sao? Tại các nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa, thậm chí những nước tư bản có trình độ phát triển hàng đầu thế giới vẫn xảy ra tình trạng tham nhũng lớn, điển hình như: Năm 2007, cựu Thống đốc bang Illinois, Mỹ - George Ryan bị xử tù 6 năm vì tội tham nhũng trong huy động tiền hối lộ cho cuộc vận động tranh cử của mình. Năm 2011, cựu Thống đốc bang Illinois, Mỹ - Rod Blagojevich bị kết án 14 năm tù giam vì tội lợi dụng chức vụ mua bán ghế Thượng nghị sĩ do ông này đã ra giá 1,5 triệu USD cho một dân biểu Mỹ để đổi lại vị trí Thượng nghị sĩ bang Illinois bị bỏ trống sau khi ông Obama lên làm Tổng thống Mỹ. Năm 2001, cựu Tổng thống Philippines - Estrada bị Tòa án tối cao Philippines xét xử về các tội tham nhũng, rửa tiền, cản trở công lý; với cáo trạng biển thủ số tiền lên đến 4 tỉ peso (81 triệu USD). Cựu Thủ tướng Ucraina (giai đoạn 1996 - 1997) Pavlo Lazarenko đã biển thủ 200 triệu USD từ ngân sách nhà nước (tương đương nửa triệu USD/ngày trong thời gian làm Tổng thống) phải bỏ trốn sang Mỹ. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị Quốc hội Hàn Quốc phế truất chức Tổng thống vào tháng 12-2016; sau khi bị phế truất, bà Park Guen-hye bị kết án 25 năm tù và phạt 20 tỷ Won với các tội danh lạm quyền và tham nhũng… Như vậy, đâu phải tham nhũng là sản phẩm của chế độ xã hội chủ nghĩa!


Thứ hai, các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng công cuộc chống tham nhũng để xuyên tạc, chống phá công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của Đảng. Chúng triệt để khai thác đời tư của số cán bộ sai phạm bị xử lý, thêu dệt, gán ghép tạo sự tò mò, hiếu kỳ nhằm mục đích bôi xấu cả đội ngũ, cố tình quy chụp, cho rằng đó là sự thất bại nặng nề của công tác cán bộ mà Đảng lãnh đạo.

Thực tế từ khi Đảng ta lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, phong kiến, thống nhất đất nước đến khi tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước phát triển và hội nhập hiện nay, Đảng ta đã bồi dưỡng, đào tạo ra biết bao thế hệ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn tốt phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã có rất nhiều tấm gương cán bộ của Đảng dũng cảm hy sinh trong cuộc kháng chiến, rất nhiều cán bộ, lãnh đạo các cấp liêm khiết, giản dị, tận tụy với công việc, trăn trở tìm tòi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Không thể vì một bộ phận nhỏ cán bộ sai phạm bị phát hiện, xử lý mà phủ nhận sạch trơn những thành quả của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ do Đảng lãnh đạo được. Hãy nhìn vào thực tế nước ta từ một nước phong kiến, bị thực dân, đế quốc xâm lược, đô hộ, cuộc sống của nhân dân cực khổ, lầm than, đến nay là một nước độc lập, tự chủ, có vị thế trên trường quốc tế, được nhiều bạn bè quốc tế tôn trọng, đánh giá cao, kinh tế phát triển từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng cao. Đạt được những thành quả đó chính là từ công tác cán bộ do Đảng ta lãnh đạo.


Thứ ba, chúng xuyên tạc mục đích, phủ nhận thành quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là cuộc đấu đá nội bộ, do ý muốn chủ quan của cá nhân, vì lợi ích của một nhóm người, xuyên tạc việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện “thanh trừng nội bộ, triệt tiêu phe cánh”.


Ở đây chúng ta cần nhìn thấy bản chất “hai mặt”, trắng trợn của các thế lực thù địch, bọn phản động và các đối tượng xấu, chúng luôn tìm mọi cách, mọi lý do để xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và những thành quả đạt được của nước ta. Mỗi khi có cán bộ có biểu hiện vi phạm, chúng đều tìm cách để viết bài, giật tít, đưa thông tin thu hút dư luận, hòng tác động tạo dư luận để gây ra cái nhìn thiếu thiện cảm của nhân dân đối với cán bộ. Thử hỏi, có mấy khi ta đọc được một bài viết hoặc nghe được bài nói nào về những tấm gương cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân… trên các kênh thông tin như BBC, VOA, RFA không? Song, khi Đảng lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng nhằm phát hiện, xử lý những cán bộ sai phạm, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, phục vụ lợi ích chung của nhân dân thì chúng lại rêu rao rằng đây là đấu đá nội bộ, thậm chí bọn chúng còn tìm cách hỗ trợ số này, vận động chính giới một số nước phương Tây dung dưỡng, tạo điều kiện cho các trường hợp sai phạm được cư trú, “tị nạn”. Đến đây thì chúng ta đã thấy rõ sự lật lọng và mục đích không đổi của chúng là luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta!

Bạch Dương

P/s: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trước cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/5/2018, rằng, công tác phòng chống tham nhũng không thể bỏ dở giữa chừng, sắp tới còn nhiều việc phải làm và làm quyết liệt hơn nữa. Đồng thời cũng phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Phải làm đồng bộ rất nhiều việc chứ không phải chỉ có đưa ra xử án, bắt bớ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các chính quyền địa phương, ngày 28/12/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn". Tổng Bí thư cũng lưu ý, không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 29/11/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống tham nhũng "không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, sáng 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đấu tranh chống tham nhũng là để tình hình tốt lên chứ không phải xấu đi; làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ. "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn".

 

Nhận xét