BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ CHO DÂN CHỨ CÒN CHO AI?

Bài viết “Bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho ai?” của Phạm Trần đăng trên Danlambao ngày 4/4/2022 là những luận điệu xuyên tạc sự thật về nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở (gọi tắt là Dự thảo Luật). Đó là sự tuyên truyền, kích động theo đuôi các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

1. Quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc” và lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”[1] trong bức thư Người gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII ngày 11/3/1948, nguyên tắc cơ bản và mục tiêu xuyên suốt của Dự thảo Luật này chính là phát huy vai trò của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách trong việc tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Thực tế, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là cánh tay nối dài/tai mắt của Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở; trực tiếp tham gia bảo vệ ANTT, an toàn xã hội và phòng, đấu tranh chống tội phạm, chống các hành vi vi phạm pháp luật về ANTT ở cơ sở. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở.

Thực tiễn công tác bảo vệ ANTT cho thấy, không ít những vấn đề phức tạp đều xuất phát từ địa bàn cơ sở và dù chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, nhưng vì không kịp thời phát hiện, phòng ngừa và giải quyết triệt để, nên đã tích tụ, phát triển thành xung đột xã hội. Khi đã trở thành xung đột, thì hệ lụy của nó không chỉ tác động xấu đến tình hình ANTT của người dân tại địa bàn và xã hội mà còn trực tiếp đe dọa sự ổn định chính trị, gây cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở và rộng hơn là trên phạm vi toàn quốc.

Cho nên, dù Phạm Trần có có xảo biện đầy dụng ý xấu thì cũng không thể phủ nhận rằng, luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng Dự thảo Luật này chính là nhằm thống nhất quy định nhiệm vụ, hoạt động, chế độ chính sách và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Quan tâm xây dựng lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”[2].

Dự thảo Luật đồng thời cũng là sự cụ thể hóa quan điểm sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, Nhà nước củng cố tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân và các quy định tại Điều 46, Điều 64, Điều 68 Hiến pháp năm 2013, nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tình hình mới, chứ không phải để “gây nguy hại cho dân” như Phạm Trần xuyên tạc. Hơn nữa, việc xây dựng Dự thảo Luật này cũng tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần bảo vệ ANTT của quốc gia từ xa, từ sớm, từ cơ sở, nên chắc chắn đó không phải là “tổ chức an ninh mới, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an địa phương để kìm kẹp dân”, “để kiểm soát dân” như Phạm Trần bịa đặt và tuyên truyền kích động.

2. Với Đảng Cộng sản Việt Nam, thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân; bất cứ cá nhân, tổ chức nào định tụ tập, gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện đông người… làm ảnh hưởng đến an ninh địa bàn, an ninh quốc gia đều cần phải theo dõi, kiểm soát và xử lý theo pháp luật. Công dân có các quyền và việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định; tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không cho phép những hoạt động của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào gây ảnh hưởng đến ANTT công cộng của địa phương, vùng, quốc gia. Vì thế, việc xây dựng Dự thảo Luật này (sau khi được Quốc hội thông qua sẽ ký ban hành) không hề “cướp đi các quyền của dân” như Phạm Trần quy chụp, mà chính là để đảm bảo cho các quyền con người, quyền công dân được thực hiện nghiêm ở địa bàn cơ sở theo đúng Hiến pháp và pháp luật.

Việc xác định các cá nhân, tổ chức tụ tập, biểu tình, khiếu kiện đông người có gây rối trật tự công cộng hay không đã có các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Nên dù bẻ cong hay trâng tráo xuyên tạc thì chắc chắn những cuộc tụ tập, “xuống đường biểu tình” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (2001-2004) cũng không phải để đòi “quyền canh tác, cư trú và tự do thờ cúng” như Phạm Trần bịa đặt, mà chính là để thực hiện âm mưu ly khai, đòi thành lập “nhà nước Đềga” (vùng tự trị), nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vấn đề này đã được các cơ quan truyền thông nêu rõ!

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ở Việt Nam không có sự cạnh tranh quyền lực giữa Công an và Quân đội, lại càng không có sự cạnh tranh giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với Công an chính quy. Cho nên, việc xây dựng Dự thảo Luật này không phải là vì Đảng “sợ mất quyền lãnh đạo toàn diện”, cũng không phải là “để tăng cường kiểm soát trên khắp địa bàn, đảng lại tròng thêm vào cổ dân cái xiềng kiểm soát mới”. Hơn nữa, việc Phạm Trần cho rằng Dự thảo Luật này nếu được xây dựng, thông qua thì lực lượng “bán vũ trang’, “có hưởng lương” này là “những kẻ được thuê làm “tai mắt” cho Công an dễ bị lạm dụng để làm những việc ngoài nhiệm vụ, hay vượt thẩm quyền gây hại cho dân” và “hình ảnh một thứ “thập nhị sứ quân” để tranh giành ảnh hưởng với lực lượng Công an là khó tránh khỏi khi có những xung đột về quyền lợi, sẽ gây bất an cho dân” là suy diễn ngớ ngẩn và bịa đặt. Vì rằng, thực tế việc xây dựng, tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không hề làm tăng biên chế và ngân sách nhà nước mà chính là để lực lượng này hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, Công an chính quy trong việc đảm bảo ANTT tại địa bàn, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân ngày một hiệu quả hơn.

Vì thế, cần phải khẳng định rằng, việc xây dựng Dự thảo Luật là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bởi đây chính là lực lượng sâu sát nhân dân, hiểu/nắm được tâm, tư nguyện vọng nhân dân, tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm ANTT ở địa bàn dân cư, góp phần tham gia tổ chức, thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hiệu quả hơn. Cho nên, lực lượng này không bao giờ lại “làm cho đời sống tinh thần và vật chất của người dân ngộp thở hơn” mà chính là sẽ góp phần để mỗi người dân ở địa bàn cơ sở được sống bình yên hơn.

Vì thế, chỉ có một sự thật là Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng và để đảm bảo ANTT, an toàn xã hội của mọi người dân, của đất nước, thì các lực lượng chức năng có nhiệm vụ ngăn chặn, không để “hình thành phe nhóm, tổ chức chính trị đối lập trong nước”; nhất là, phải vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các phần tử nhân danh đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, quyền tự do để tuyên truyền sai sự thật, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như Phạm Trần!

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.498

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.158

Trần Phúc Đông A

 

Nhận xét