Mới đây, một tổ chức tự xưng là “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” (tiếng
Anh: Vietnam Human Rights Network, viết tắt là VHRN) tại Mỹ đã tuyên bố trao
cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam” năm 2021 cho 5 cá nhân, gồm bà Cấn
Thị Thêu và 2 người con của bà ta là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, cùng 2 người
khác là bà Đinh Thị Thu Thủy và ông Nguyễn Văn Túc. Đây là 5 người hiện đang bị
giam giữ do các hành vi vi phạm pháp luật của họ.
Trước đó, ngày 20/6/2021, “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” đã công bố cái gọi là “Báo cáo nhân quyền tại Việt Nam năm 2020 - 2021” với nhiều nội dung suy diễn và bịa đặt về tình hình nhân quyền Việt Nam. Báo cáo dài 107 trang này đã quy kết Việt Nam “độc đảng”, đàn áp những người bất đồng chính kiến, vi phạm nhân quyền, kỳ thị đồng bào dân tộc thiểu sổ v.v…Đây là những đánh giá hết sức sai lệch về tình hình Việt Nam, mang đầy suy diễn và bịa đặt.
Một tổ chức với những áp đặt và quy chụp phiến diện
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tên tiếng Anh là Vietnam Human Rights Network (viết tắt VNHRN) được thành lập tháng 11 năm 1997 tại Hoa Kỳ. Tổ chức này tập hợp một số cá nhân và các tổ chức dưới danh nghĩa “quy tụ một số cá nhân và đoàn thể dấn thân trong lãnh vực tranh đấu và bảo vệ nhân quyền và tự do mà mọi người dân Việt Nam đều có quyền hưởng như đã được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các văn kiện quốc tế nhân quyền khác”.
Thế nhưng, với những gì mà họ đã và đang làm, với những gì mà hàng năm họ nêu ra trong các báo cáo của mình đều thể hiện chính họ đã đi ngược lại với tôn chỉ, mục đích mà họ tự đề xướng. Bằng chứng là những nội dung báo cáo về nhân quyền ở Việt Nam, chẳng hạn như báo cáo lần này đã phản ánh không đúng sự thật, mang tính võ đoán và xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chẳng hạn, nhìn vào phụ lục 1 với tên gọi “Danh sách các tù nhân lương tâm bị bắt giữ trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021” đã hoàn toàn khác với những gì mà báo cáo này quy chụp. Theo các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Việt Nam thì những người nằm trong danh sách ấy đều là bị bắt, bị khởi tố, bị xử lý về các tội “chống người thi hành công vụ”, “gây rối an ninh trật tự”, “tuyên truyền chống Nhà nước” v.v…
Đặc biệt, trong danh sách 288 người ở phụ lục số 2 sẽ làm cho những người có hiểu biết phải bật cười bởi nó quá hài hước. Trong danh sách ấy có những người đang cải tạo, chấp hành án phạt cả những tội mà tất cả thế giới đều lên án như hiếp dâm, khủng bố, giết người, làm nhục người khác v.v…Ấy vậy mà những người này đã vinh dự được kết nạp để trở “tù nhân lương tâm”. Phải chăng một tiêu chí mà tổ chức này vinh danh là ai muốn làm gì thì làm, cứ miễn chửi bới chế độ, tuyên truyền lật đổ chế độ hợp pháp, khủng bố…thì sẽ được miễn trừ các hành vi vi phạm pháp luật?
Và, với việc trao giải thưởng cho những người đang vi phạm pháp luật hiện nay, tổ chức này đã cổ súy cho các hoạt động vi phạm pháp luật.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người là nhất quán
Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn những câu tuyên ngôn nổi tiếng từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và nước Pháp. Cũng vậy, ngay sau khi giành được độc lập, năm 1946, Việt Nam đã lần đầu tiên ban hành bản Hiến pháp 1946, trong đó quy định rất nhiều các điều về quyền của công dân, thậm chí có cả những quyền đi trước các nước được xem là văn minh, tiến bộ. Quyền cơ bản của công dân đã dần được hoàn thiện và bổ sung qua các bản Hiến pháp, từ Hiến pháp 1946 đến 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp 2013.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam xem “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.
Thể chế hóa quan điểm này, Hiến pháp 2013 đã cụ thể hóa, quy định rất nhiều các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Cùng với đó là hàng loạt các bộ luật của Nhà nước được sửa đổi, ban hành để tạo nên sự liên tục, thống nhất về quyền con người như: Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin v.v…Việt Nam đã ký kết và tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người và được luật hóa phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam nhưng không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Thành tựu không thể phủ nhậnBáo cáo về nhân quyền nêu trên cho rằng Việt Nam “độc đảng”. Đúng là Việt Nam hiện nay chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo xã hội. Vai trò cầm quyền và lãnh đạo này của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Một hay nhiều đảng không phải là tiêu chí để đánh giá có nhân quyền hay không nhân quyền. Cũng vậy, việc lựa chọn thể chế chính trị thế nào là quyền của mỗi quốc gia, dân tộc nếu nó phù hợp mà mang lại lợi ích cho đại bộ phận người dân. Việt Nam là quốc gia “độc đảng” và do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, song Đảng Cộng sản Việt Nam không tẩy chay bất cứ chính đảng hợp pháp nào ở các quốc gia trên thế giới. Dù chỉ có một đảng lãnh đạo, song Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013 và trong tuyên bố chung của nguyên thủ quốc gia hai nước đã khẳng định “hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau”…
Báo cáo đánh giá Việt Nam có “sự kỳ thị với dân tộc thiểu sổ”. Thực tế là ở Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số đã được hưởng rất nhiều các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ phát triển. Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27-9-2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế,...Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số di cư tự phát; phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…đã được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả rõ nét làm thay đổi căn bản đời sống đồng bào dân tộc cũng như diện mạo vùng đồng bào.
Việt Nam là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 và được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Năm 2019, Việt Nam đưuọc đánh giá là nước nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới và được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước được xếp hạng và đánh giá v.v…
Với những thành tựu đạt được về chăm lo cho con người, tôn trọng và bảo đảm quyền của con người, Việt Nam đã trúng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) và 2 lần được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam đã nhận được số phiếu bầu cao kỷ lục là (192/193 phiếu). Hiện Liên hợp quốc có 193 nước thành viên, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước. Kết quả bỏ phiếu như trên cho thấy, có những nước không có quan hệ ngoại giao cũng đã bỏ phiếu cho Việt Nam. Không lẽ một đất nước vi phạm nhân quyền trầm trọng như báo cáo nêu trên quy kết mà các quốc gia khác vẫn tin nhiệm như vậy hay sao?
Người Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Những thành tựu về thực thi quyền con người ở Việt Nam thời gian qua là không thể phủ nhận. Và, báo cáo của cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” đã thật sự ngược hoàn toàn so với những gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Phạm Xuân Thành
Nhận xét
Đăng nhận xét