Chuyển đến nội dung chính

Chiêu trò xuyên tạc về kỳ họp bất thường của Quốc hội

            Sau 4,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV đã thành công và bế mạc vào tuần qua.

Thế nhưng một số đối tượng thù địch và những kẻ chống đối lại hậm hực trước kết quả của kỳ họp, đưa ra những chiêu trò xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò của QH, chia rẽ QH với Chính phủ...

Họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách

Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri trong những ngày đầu năm mới 2022 là Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của QH khóa XV.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức QH và các nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Trước đó, tại cuộc họp báo về kỳ họp bất thường lần đầu tiên được tổ chức tại QH Việt Nam,  Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường khẳng định: Theo quy định của pháp luật, QH có hai kỳ họp là họp thường kỳ và họp bất thường khi cần xem xét những vấn đề cần thiết, cấp bách. Cái tên bất thường ấy cũng gắn với yếu tố cấp bách. Trong đổi mới hoạt động QH, chúng ta phải xem cách thức vận hành và hoạt động của nghị viện các nước cũng thế. Khi cần phải họp để thông qua thì họ cũng đã có những hình thức như vậy.

Tổng thư ký QH cũng nêu quan điểm, QH sẽ có thêm những kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách. Theo đó, khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì QH sẽ có thêm những kỳ họp bất thường bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không bị ách tắc; thể hiện sự chủ động, tích cực của QH trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thực tế, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của QH, nhiều vấn đề cấp bách của đất nước đã được cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân giải quyết.  

Chiêu trò xuyên tạc về kỳ họp bất thường của Quốc hội
Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH  

Chăm chú theo dõi kỳ họp bất thường của QH, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đại biểu QH khóa IX, XII và XIII nhận xét: “Đây là kỳ họp với nhiều nội dung hết sức quan trọng, không chỉ phục vụ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025, được cử tri, nhân dân và dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Để góp phần khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục hệ quả của đại dịch Covid-19, tại kỳ họp, QH đã có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư, phát triển. Tôi đánh giá cao việc QH thông qua "một luật sửa 9 luật" để giải quyết những vấn đề căn cơ, bất cập của luật pháp liên quan đến hoạt động kinh tế-xã hội. Đây là sự tháo gỡ căn bản về thể chế.

Trên cơ sở đó, các văn bản pháp quy khác của Chính phủ sẽ điều chỉnh, tạo thuận lợi tốt hơn cho môi trường sản xuất, kinh doanh. Các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường... Đáng lưu ý, luật đã tháo gỡ các thủ tục, điểm nghẽn trong hấp thụ nguồn vốn cũng như trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh và các hoạt động kinh tế hiện nay”.

Thực tế của kỳ họp bất thường là vậy, cử tri và đồng bào cả nước đều có thể theo dõi các phiên họp qua những phương tiện thông tin đại chúng với rất nhiều kênh truyền hình trực tiếp, trực tuyến. Vậy mà vẫn có một số người lại cố tình xuyên tạc nội dung, bản chất của kỳ họp. Họ rêu rao trên mạng xã hội, phát biểu trên một số phương tiện thông tin đại chúng của nước ngoài rằng: “QH họp bất thường để tạo cơ sở pháp lý cho việc tham nhũng chính sách”, “QH họp bất thường vì lợi ích nhóm”, “QH họp bất thường có bình thường không vào lúc này?”...

Quốc hội họp bất thường không vi hiến

Trên mạng xã hội, có người còn diễn giải rằng: “QH họp bất thường là vi hiến”, “QH họp bất thường là trái luật”... Họ không biết (hoặc cố tình không biết) trong Hiến pháp năm 2013, tại khoản 2 của Điều 83 đã hiến định: “QH họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH yêu cầu thì QH họp bất thường”. Luật Tổ chức QH tại Điều 90 cũng quy định rõ: “QH họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH yêu cầu thì QH họp bất thường”.

Như vậy, việc QH họp bất thường đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức QH. Không phải “QH họp bất thường là vi hiến”, “QH họp bất thường là trái luật” như lý lẽ của một số người.

Cũng có người cho rằng “QH họp bất thường nên không có thời gian chuẩn bị”, “Các đại biểu QH phụ thuộc hoàn toàn vào giải trình của ban soạn thảo khi quyết định bấm nút”... Thực tế không phải như vậy. Vào đúng ngày kết thúc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (13-11-2021), trước những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ trình hồ sơ 5 nội dung để có cơ sở xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội (ban đầu dự kiến vào cuối tháng 12-2021).

Chiều 22-11-2021, UBTVQH cho ý kiến bước đầu về tổ chức kỳ họp này. Ngày 10-12-2021, tại phiên họp của UBTVQH, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký QH đã báo cáo về 3 phương án tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của QH và đã được nhiều đại biểu cho ý kiến. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Thống nhất chủ trương có một kỳ họp bất thường, song các nội dung cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh trường hợp vừa phê duyệt, sửa đổi song phát sinh bất cập”. Chủ tịch QH yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải sát sao, công khai, vô tư, khách quan, minh bạch, không được để sơ suất gì trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp này.

Chính vì phải chuẩn bị kỹ lưỡng nên kỳ họp mới lùi sang đầu năm 2022.

Tại kỳ họp bất thường, với tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của QH, với gần 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến, các đại biểu QH đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng. “Các cơ quan của QH, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để QH xem xét, biểu quyết thông qua 1 luật và 4 nghị quyết với sự thống nhất rất cao, góp phần vào thành công thực chất của kỳ họp”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp.

Dấu ấn từ những quyết sách chưa có tiền lệ

QH khóa XV mới có nửa năm hoạt động nhưng đã để lại dấu ấn với những quyết sách chưa từng có tiền lệ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định, QH sẽ không để xảy ra tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người", không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến, mà QH sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí "đặt hàng" cho các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật.

Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn QH, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV, đây là cơ sở hết sức quan trọng để QH và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Trong kỳ họp đầu tiên, QH khóa XV đã ban hành 29 nghị quyết. Tại kỳ họp thứ 2, QH đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại kỳ họp thứ nhất, QH đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19. Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian QH không họp, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Nghị quyết đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của QH nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, được cử tri và dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao.

Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, kỳ họp bất thường lần đầu tiên của QH đã được tổ chức, đưa ra quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển. Việc tổ chức kỳ họp đã cho thấy sự chủ động, tích cực của QH trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước.

Là đại biểu QH nhiều khóa, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, QH khóa XV có rất nhiều đổi mới trong hoạt động. QH không chỉ song hành với Chính phủ mà trong một số hoạt động, QH còn đóng vai trò dẫn dắt, những đề án, dự án luật không chỉ từ cơ quan Chính phủ đề xuất mà các cơ quan của QH, UBTVQH còn đưa ra những đòi hỏi, định hướng, gợi ý, đề nghị đối với Chính phủ. “Hoạt động của QH đã bám sát được những động thái quan trọng nhất, những yêu cầu quan trọng nhất của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Với việc luôn bám sát yêu cầu của thực tiễn, QH có thể có những kỳ họp bất thường vào bất cứ thời gian nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. Đây cũng chính là phong cách làm việc mới của QH...”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH nhận xét: “Tôi thấy QH khóa này có vẻ dẫn dắt nhiều hơn. Ví dụ, diễn đàn kinh tế thường niên của QH đã bàn thẳng vào các vấn đề thuộc về chính sách phục hồi kinh tế, trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ. Thảo luận các vấn đề kỹ trị quan trọng như bơm tiền vào như thế nào và làm sao để rút ra mà không gây các tác động tiêu cực về vĩ mô. Rồi phục hồi du lịch ra sao trong hoàn cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài. Khuôn khổ tư duy, tầm nhìn, các ưu tiên được hình thành từ đây và vang lên ở kỳ họp QH...".

Ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, đông đảo cử tri và thực tế diễn ra là minh chứng, là lời phản bác đanh thép cho những chiêu trò xuyên tạc về Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của QH khóa XV.

ĐỖ PHÚ THỌ


Nhận xét