Cuộc sống hiện đại kéo theo đời sống văn hóa, nghệ thuật cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn. Thế nhưng, dù đã ra đời và tồn tại qua hàng vài thế kỷ, nhạc cách mạng vẫn giữ cho mình sức sống riêng và chiếm trọn tình cảm của những khán giả yêu nhạc chân chính.
Nhạc cách mạng hay còn gọi là nhạc đỏ là những ca khúc hát về cách mạng và những gì liên quan tới cuộc kháng chiến gian khổ của nhân dân ta. Nhạc đỏ gắn liền với một thời kỳ lịch sử của đất nước, những giai điệu, câu từ vang lên trên các cung đường đầy bom đạn đã tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, làm vững hơn bước chân của người lính và củng cố thêm niềm tin ở những người đang ngóng đợi nơi hậu phương. Chính vì vậy, đề tài chủ yếu của nhạc cách mạng là tình yêu quê hương, đất nước được hòa quyện trong tình yêu đôi lứa. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những điều này ở những ca khúc như: Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Đường chúng ta đi (Huy Du), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu). Bên cạnh đó là những ca khúc cổ động tinh thần anh em chiến sĩ, thanh niên xung phong trên các mặt trận tiền tuyến: Cô gái mở đường (Xuân Giao), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp),…
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của dòng nhạc trẻ và sự xâm nhập của những dòng nhạc nước ngoài như Kpop, Hip Hop, Rock kết hợp với những động tác vũ đạo lôi cuốn, bắt mắt và truyền thông mạnh mẽ, nhạc Cách mạng dường như không được đông đảo thế hệ trẻ yêu thích như trước đây. Rất nhiều người cho rằng, nhạc cách mạng chỉ còn phù hợp với các khán giả đứng tuổi, như là cách để họ hoài niệm về quá khứ, nuôi dưỡng những kỷ niệm tươi đẹp. Tuy nhiên, những ca khúc về cách mạng với nội dung khắc họa đậm tính hiện thực, tính nhân văn, ca từ giàu hình ảnh vì vậy những bài hát cách mạng tuy không xuất hiện thường xuyên nhưng vẫn giữ được chỗ đứng trong trái tim người yêu thích. Sức sống của nó không bày ra trước mắt mọi người những là mạch ngầm sâu lắng và mãnh liệt.
Bài hát “Cô gái mở đường” là ca khúc cách mạng nổi tiếng và người dân Việt Nam ai cũng biết. Tuy nhiên mới đây khán giả được “một phen” kinh hồn khi chứng kiến bài hát “Cô gái mở đường” thành nhạc sàn xập xình cùng với phong cách biểu diễn trẻ trung. Bên cạnh đó, lời rap của ca sĩ Han Sara cũng nhắc nhiều đến Mẫu Âu Cơ, Hai Bà Trương, Hồ Xuân Hương với mong muốn truyền tải thông điệp nữ quyền, những cô gái thế hệ mới, tiếp bước và mở đường cho những điều mới mẻ trong cuộc sống, sự nghiệp. Nếu như xét về mặt ý tưởng thì rất đáng khen, nhưng cái lố bịch và xúc phạm lịch sử ở đây là Han Sara và các vũ công sử dụng nguyên lời bài hát “Cô gái mở đường”, phần nhạc thì không còn là giai điệu hào hùng của nhạc cách mạng mà là sự hỗn tạp và lộn xộn, với đủ các thứ pha trộn nào là Rap, nào là Pop lại còn xen một phần là dân gian hiện đại. Bên cạnh đó, phần trang phục thực sự là một thảm họa; ca sĩ và các vũ công mặc những trang phục rất thiếu vải, ngắn cũn cỡn, khoe da khoe thịt trên sân khấu khác xa với những hình ảnh mà chúng ta thường thấy khi đóng vai về những nhân vật trong lịch sử, hay hình ảnh những cô thanh niên xung phong đầu đội mũ tai bèo, khoác trên mình bộ quần áo lính. Có những khán giả bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc cho rằng, họ ăn mặc chẳng khác gì những “diễn viên” đóng phim JAV. Nếu như cô ca sĩ Han Sara và các bạn diễn của mình đang thể hiện những ca khúc nhạc trẻ thì mặc những trang phục đó sẽ phù hợp hơn nhưng đây lại là những ca khúc cách mạng, những nhân vật lịch sử, sử dụng chất liệu âm nhạc lịch sử thì quả thật nó là thảm họa và kệch cỡm. Ấy vậy mà đội ngũ Ban Giám khảo họ vẫn gật đầu khen tấm tắc? Hay phải chăng họ cũng đang quá dễ dãi với những tác phẩm nghệ thuật, với lịch sử dân tộc.
Có những khán giả còn lên tiếng ủng hộ Han Sara, khi cho rằng Sara là người Hàn Quốc, nên cô ấy sẽ không rành về lịch sử Việt Nam, không hiểu về thuần phong mỹ tục của nước ta, nên chúng ta không thể lên tiếng trách cứ. Vậy thì xin hỏi, ekip sản xuất chương trình họ là người nước nào? Đạo diễn chương trình là ai? Đội ngũ Ban giám khảo là người ở đâu? Nếu chỉ riêng cô ca sĩ Hàn Quốc đến việc phát âm tiếng Việt còn chưa sõi thì không ai lên tiếng chỉ trích, trách cứ làm gì, nhưng cả một ekip, già có trẻ có, người có trình độ càng có thì tại sao lại cho phép một tác phẩm nghệ thuật nửa tây, nủa ta, tái hiện về lịch sử hào hùng dân tộc xuất hiện trên một nền nhạc lai căng, pha tạp cùng những vũ công ăn mặc hở hang, khoe da, khoe thịt trên sân khấu như vây. Người viết cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, chúng ta đừng lấy lý do là người nước ngoài để bao biện cho những cái sai của chúng ta. Học tập và sinh sống ở đâu thù cũng đều phải tuân thủ phong tục, tập quán ở nơi đó. Liệu rằng, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc họ có cho ca sĩ hải ngoại xúc phạm đến văn hóa, đến lịch sử của nước họ như vậy không? Là do họ không sẵn sàng đổi mới hay tại chúng ta quá dễ dãi?
Lịch sử dân tộc là những điều thiêng liêng cần phải gìn giữ và bảo tồn và phát triển. Mỗi chúng ta đều được phép làm cho lịch sử trở nên hấp dẫn, thú vị đến gần với các thế hệ sau nhưng chúng ta không thể chấp nhận những tác phẩm nghệ thuật lai căng, biến tấu vậy.
Hưng Dũng
Nhận xét
Đăng nhận xét