Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực công tác chuẩn bị cho ngày hội của toàn dân - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (bầu cử), thì các đối tượng phản động, cơ hội, những thành phần “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (các đối tượng) lợi dụng mạng xã hội, không ngừng đăng tải những thông tin, bài viết sai lệch, quy chụp, bịa đặt và xuyên tạc bản chất vấn đề, hòng “bẻ lái dư luận” theo hướng tiêu cực, phá hoại công tác bầu cử ở Việt Nam.
CHỐNG PHÁ DƯỚI CHIÊU BÀI DÂN CHỦ
Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là dùng luận điệu lấp dưới chiêu bài dân chủ - nhân danh đòi dân chủ trong bầu cử để gây chia rẽ lòng dân. Chúng quy kết rằng “bầu cử Quốc hội chỉ là màn kịch dân chủ do Đảng đạo diễn”; rằng “đó chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng để Đảng độc diễn sự độc quyền lãnh đạo”; rằng “không thể có dân chủ khi Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử”, “Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là không đúng quy định của pháp luật; là ngăn cản quyền bầu cử, ứng cử của công dân”... (!).
“Lập luận” về dân chủ trong bầu cử mà các đối tượng đưa ra là: muốn dân chủ thực sự, Đảng phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương; phải xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại và thay bằng bầu cử theo phương thức của các nước tư bản. Vì thế, Đảng không được tham gia vào công tác bầu cử, lại càng không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử (!).
Những giọng điệu xuyên tạc như trên đã cố tình bỏ qua hoặc không hiểu Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Theo Hiến pháp Việt Nam, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử, tham gia vào công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, là không vi hiến.
Bên cạnh giọng điệu “ngụy dân chủ”, một trong những chiêu trò khác mà các “nhà dân chủ xôi thịt” vẫn “miệt mài” lợi dụng hòng phá hoại công tác bầu cử là hô hào “tự ứng cử”. Đó là những “nhà dân chủ”, “đấu tranh cho dân chủ” hay các đối tượng “hiên ngang tự ứng cử” - những thành phần bất hảo chưa có một mảy may công trạng gì đóng góp cho nhân dân, cho Tổ quốc nhưng vẫn hão huyền, lố bịch khi “kêu gào” lên rằng nếu trúng cử sẽ “biến Quốc hội trở thành diễn đàn hoạt động độc lập với Đảng, Nhà nước”. Thực chất của những “tuyên bố hão huyền” ấy vẫn là mục tiêu chống phá Đảng, gây rối hoạt động của Nhà nước nói chung và của các cơ quan dân cử nói riêng.
Có những người, khi hiệp thương bị loại vì không đủ điều kiện như Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định, thì họ “lu loa” rằng Đảng Cộng sản cố tình cản trở người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội; chính quyền phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; tổ chức bầu cử không dân chủ, thiếu minh bạch và đòi phải để cho các ứng cử viên tự do tranh cử dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần hiệp thương…(!?).
Chúng ta đều hiểu, dã tâm của các đối tượng và những thế lực phản động vẫn là nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong công tác bầu cử bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Vì thế, khi “tự ứng cử” không thành công thì họ quay ra thực hiện màn “ăn vạ” đòi phải thay đổi những quy định về đề cử, ứng cử, về lập danh sách ứng viên, về hiệp thương và “đỉnh điểm” là kêu gọi tẩy chay bầu cử với lý do “không biết không bầu”…
Thực tế, trong mỗi kỳ bầu cử Quốc hội, kể từ kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946 cho đến khóa XV (ngày 23/5/2021), vấn đề tự ứng cử, việc hô hào các nhóm dân chủ ký tên ảo để tung tin/tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ cuội” tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhằm gây rối, phá hoại cuộc bầu cử đã không còn xa lạ. Bởi, đây không phải là lần đầu, đợt đầu các đối tượng chống phá tiến hành chiêu trò “tự ứng cử” để chống đối/phá rối công tác bầu cử.Khi “lập luận” rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội mà do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì đó là “Đảng cử” nên không thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vì thế bầu cử không có nghĩa lý gì nên không cần đi bỏ phiếu; bầu cử tại Việt Nam không có tự do, dân chủ vì phải hiệp thương, trong khi đó, bầu cử Quốc hội khóa I không hiệp thương vẫn thành công, cho nên phải thay đổi chế độ bầu cử tại Việt Nam, phải bãi bỏ hiệp thương... Những đối tượng đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu những điều họ cho là “không dân chủ” lại chính là nhằm thực hiện cho được sự dân chủ thực sự trong bầu cử; những đòi hỏi vô lý của một số người thiếu hiểu biết đã vô tình “tiếp tay” cho mục tiêu thâm độc: phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại cuộc bầu cử.
Thực tế, bầu cử ở Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Xuyên suốt 15 kỳ bầu cử Quốc hội, không ít người ngoài Đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội được nhân dân tín nhiệm, bỏ phiếu và trở thành đại biểu Quốc hội. Song, cũng không ít người từ trong hồ sơ lý lịch đã không đủ các điều kiện của một đại biểu Quốc hội và đã bị loại qua các vòng hiệp thương. Tuy nhiên, không cam tâm trước mong muốn của mình bị thất bại, lập tức họ cùng “dàn đồng ca” bất mãn, phản động lại “lu loa” rằng: Người tự ứng cử mà không phải do Đảng cử thì không có cơ hội; chỉ có những người “theo phe” Đảng mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng cố tình gây khó và cản trở người ngoài Đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng đã xếp ghế nhân sự trong Quốc hội; bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các phe nhóm của Đảng an bài, phân chia từ Hội nghị Trung ương 2 rồi… Đây là sự xuyên tạc trắng trợn công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự của Đảng nói riêng.
PHỦ NHẬN TÍNH DÂN CHỦ
Một trong những vấn đề mà các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước hùa theo các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài thường xuyên công kích trên mạng xã hội chính là xuyên tạc sự thật, phủ nhận tính dân chủ của sự kiện bầu cử ngày 23/5/2021.
Không chỉ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; không chỉ hô hào một làn sóng đòi “tự ứng cử”, một điểm nữa mà các đối tượng thường nhắc đến và “xoáy vào” là, để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất/cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thì cần phải cân bằng quyền lực trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng; việc quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng như hiện tại là quá ít (!).
Có thể thấy, vấn đề số lượng, cơ cấu đại biểu, số lượng đại biểu là người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội đã bị các đối tượng cơ hội chính trị mượn cớ để xuyên tạc hòng làm biến tướng bản chất vấn đề. Đồng thời, chiêu trò “tự ứng cử” đại biểu Quốc hội mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện và thực hiện không được thành công như chủ đích cho thấy sự thật là: một mặt, họ muốn phá hoại công tác bầu cử, chia rẽ và gây rối lòng dân; mặt khác, thông qua đó, họ muốn đánh bóng tên tuổi của mình để “làm hàng” nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân.
Thực tế trải qua các cuộc bầu cử ở Việt Nam, có thể khẳng định một số vấn đề cơ bản sau:
Trước hết, cần phải khẳng định rõ rằng, Điều 69 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ở Việt Nam, người dân không có quyền công dân. Ngay cả quyền tối thiểu nhất của một con người là quyền được sống cũng bị chà đạp chứ không nói đến quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc và những quyền con người cơ bản khác. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã được khẳng định và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, bảo đảm sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc; đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; hoạt động trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện trọng đại, là một ngày hội của toàn dân. Đó thực sự là một ngày mà mỗi người dân Việt Nam/mỗi công dân Việt Nam được thụ hưởng giá trị hiện thực của độc lập, tự do, được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình” và “sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”(2) trên tinh thần “những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu… không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy”(3) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Ở Việt Nam, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân luôn được tổ chức công khai, minh bạch, đúng Hiến pháp, pháp luật; trong đó, mọi người dân đều được thực hiện quyền công dân, được tự do tham gia bầu cử, bình đẳng trong việc sử dụng phiếu bầu. Ðây là một trong các quyền cơ bản về chính trị của công dân, được ghi rõ trong: Điều 1/Nguyên tắc bầu cử; Điều 2/Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử; Điều 3/Tiêu chuẩn của người ứng cử và Điều 4/Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử cụ thể… của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Công tác bầu cử ở Việt Nam theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín chính là thể bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các nguyên tắc đó không chỉ khẳng định sự tham gia bầu cử rộng rãi, công khai của mọi tầng lớp nhân dân; khẳng định mỗi người ứng cử đều có quyền hạn và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong quá trình ứng cử, vận động bầu cử; khẳng định mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị của mỗi phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo… mà còn cho thấy mỗi công dân/mỗi cử tri đều được trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình qua lá phiếu/tự cầm lá phiếu của mình bỏ vào hòm phiếu để trực tiếp bầu ra đại biểu của mình không qua một cấp đại diện cử tri nào, loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với cử tri. Các nguyên tắc này là minh chứng sinh động phản bác lại các luận điệu xuyên tạc kiểu: “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”, “Bầu cử chỉ là màn kịch dân chủ do Đảng đạo diễn”, “nhân sự của Quốc hội là sự sắp xếp, thương lượng, thỏa hiệp giữa các phe cánh”, “bầu cử chỉ là hình thức còn kết quả đã có sẵn từ Hội nghị Trung ương 2”, “nhân sự Quốc hội là quyết định thuần túy theo tính toán của Đảng Cộng sản”…
Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng, các thế lực thù địch; đồng thời, hiểu đúng, làm đúng theo Hiến pháp, pháp luật và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, góp phần làm cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 thực sự trở thành ngày hội dân chủ của toàn dân!./.
TS. Trần Thị Bình
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nhận xét
Đăng nhận xét