Lật mặt chiêu trò lợi dụng quyền tự ứng cử

 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015 quy định công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Lợi dụng điều này, một số “nhà dân chủ” được các thế lực thù địch hậu thuẫn tự ra ứng cử nhưng thực chất là phá rối cuộc bầu cử sắp tới.

Chiêu trò lợi dụng quyền tự ứng cử để phá rối đã diễn ra nhiều lần. Ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp năm 2016, không ít “nhà dân chủ” và thành phần cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất tự ra ứng cử. Còn tại kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XV sắp diễn ra, cũng đã có một số kẻ đội lốt “đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền” tự ra ứng cử với mưu đồ phá hoại, hoặc ôm mộng viển vông “thay đổi tiến trình dân chủ ở Việt Nam”, đòi đa nguyên đa đảng, hướng lái Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Sau khi tuyên bố và làm hồ sơ tự ứng cử, những đối tượng này phát động các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên internet, mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi, lấy “số má” trong “giới dân chủ”, thu hút sự quan tâm của dư luận. Các thế lực thù địch, phản động nhân cơ hội phát tán các bài viết, hình ảnh tung hô, ca ngợi, kêu gọi chữ ký ảo ủng hộ; nói xấu Đảng, Nhà nước ta; xuyên tạc tính công khai, minh bạch của cuộc bầu cử; cổ xúy cho làn sóng lợi dụng quyền tự do, dân chủ để phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử...

Tranh cổ động bầu cử của Đỗ Như Điềm

Chúng ta cần nhận diện rõ âm mưu “1 mũi tên trúng 2 đích” của các thế lực thù địch khi sử dụng chiêu trò lợi dụng quyền tự ứng cử. Theo đó, nếu những kẻ đội lốt dân chủ tự ứng cử mà trúng vào Quốc hội hoặc HĐND sẽ tạo ra “ngọn cờ” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm “ngòi nổ” phá hoại ngay từ bên trong các cơ quan dân cử của ta. Ngược lại, nếu tự ứng cử mà không được đưa vào danh sách bầu chính thức, hoặc có trong danh sách nhưng không trúng cử, chúng sẽ quay sang đổ lỗi, vu cáo công tác bầu cử thiếu minh bạch, “phân biệt đối xử người tự ứng cử”. Nguy hiểm hơn, chúng coi đó là “bằng chứng” vi phạm dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, tạo cớ đòi hủy kết quả để bầu cử lại dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế, kêu gọi quốc tế lên tiếng can thiệp vào công việc nội bộ của ta...

Điển hình là ngày 9-3 và 27-3-2021, Công an Ninh Bình và Công an Hà Nội bắt tạm giam Trần Quốc Khánh (sinh 1960, quê ở xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) và Lê Trọng Hùng (sinh 1979, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), cùng về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, lợi dụng việc cả Hùng và Khánh đều đã tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, các thế lực thù địch, phản động lập tức vu cáo chính quyền bắt giữ người “chỉ vì đã tự ứng cử”, rồi xuyên tạc rằng “tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ bị bắt giam”…

Ai cũng biết rằng, quyền ứng cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được hiến định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và được quy định rất rõ trong Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Không ai được cản trở công dân thực hiện những quyền này. Song chúng ta cần phân định rạch ròi giữa người tự ứng cử vì mục đích và động cơ trong sáng với những kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tự ứng cử để phá hoại.

Những người có đủ đức, đủ tài, tự ứng cử với mong muốn phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là rất đáng trân trọng, luôn được Đảng, Nhà nước ta khuyến khích, trọng dụng. Ví như, trong kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XIV năm 2016, có 11 người tự ứng cử vào danh sách bầu cử chính thức trong đó 2 người đã trúng cử. Còn kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XV năm 2021, theo Hội đồng Bầu cử quốc gia, cũng đã có 9 người tự ứng cử vào danh sách bầu cử chính thức. Điều này nói lên một thực tế rằng, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền ứng cử của công dân, không phân biệt đối xử giữa người tự ứng cử với người được đề cử, miễn là các ứng viên đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định.

Cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sớm tại Vùng 2 Hải quân

Thế nhưng, những kẻ đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chỉ để làm “con rối” cho các thế lực thù địch sử dụng chống phá đất nước thì thật đáng lên án. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với những kẻ cơ hội như vậy và nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh. Điều 95, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định rõ, những ai vi phạm pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hơn nữa, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, quyết định các vấn đề của địa phương theo luật định. Những người dù là được đề cử hay tự ứng cử để bầu vào các cơ quan trên thì đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Những tiêu chuẩn này thì các “nhà dân chủ” với “bản lý lịch đen” chống phá Đảng, Nhà nước sẽ không thể nào đáp ứng được. Cho nên chắc chắn họ sẽ không được cử tri nơi cư trú ủng hộ giới thiệu vào danh sách bầu chính thức chứ chưa nói đến chuyện trúng cử.

Thời gian qua, việc lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã được cơ quan chức năng tiến hành chặt chẽ, dân chủ, đúng quy trình, quy định của pháp luật về bầu cử. Đương nhiên cử tri sẽ không bao giờ giới thiệu hoặc bầu cho những người không xứng đáng, nhất là những thành phần cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, cố tình lợi dụng tự do, dân chủ để phá rối, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

      Kao Dân

Nhận xét