Mỗi khi Đảng ta tiến hành đại hội thì tần suất chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ngày càng đậm đặc hơn, diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời gian và không gian khác nhau. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới cũng không ngoại lệ. Các thế lực phản động, cơ hội chính trị gần đây lại giở nhiều chiêu trò tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Chúng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để đẩy mạnh xuyên tạc, dựng chuyện, bịa đặt, tác động mạnh vào tâm lý, nhận thức của công chúng và xã hội. Có một điều, dường như đất nước càng phát triển, càng đổi mới thì những thế lực thù địch, phản động, những kẻ bất mãn với chế độ lại càng cay cú và cực đoan, cho dù trong số họ có không ít người đang được sống, được hưởng thụ thành quả của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới. Chúng hô hào tập hợp lực lượng, kéo bè kéo cánh nhằm phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; tìm kiếm, bới móc và hả hê trước những khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, chính quyền các cấp; tung ra những luận điệu mang nặng tính suy diễn, võ đoán về công tác chuẩn bị tổ chức đại hội của Đảng, về tương lai sau đại hội của các đồng chí trong Bộ Chính trị, nhất là những đồng chí giữ vị trí chủ chốt.
Một ví dụ là, sau Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua, chúng “xếp đặt” các nhân sự “tứ trụ”, nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư... đưa tin cá nhân ông A, ông B, hoặc phe này, phái nọ... Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thừa hiểu rằng, công tác chuẩn bị nhân sự cho mỗi kỳ đại hội là một trong những công việc hết sức quan trọng. Bởi thế nên chúng tập trung xuyên tạc, dựng lên một kịch bản theo “thuyết âm mưu”, như chính mình là người trong cuộc, rằng đồng chí này Bộ Chính trị không đồng ý; đồng chí khác thì chưa qua các chức vụ cơ sở. Và chúng khai thác sâu nhân sự vùng, miền, mục đích cuối cùng là chia rẽ, gây nghi ngờ, làm lung lay lòng tin của nhân dân vào tính minh bạch của việc lựa chọn nhân sự cho Đảng.
Những suy diễn, võ đoán ấy của chúng thường chĩa mũi nhọn vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng bóp méo thành quả của cuộc chiến chống tiêu cực của Đảng. Các thế lực phản động cho rằng, đó thực chất là các cuộc đấu đá phe phái, loại trừ những người không thuộc phe cánh của mình, mặc dù trước những vụ việc tiêu cực xảy ra, Đảng ta đã kiên quyết xử lý, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đối với những cán bộ cấp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúng tập trung bôi nhọ, hạ uy tín. Có những hoạt động của các đồng chí cán bộ lãnh đạo tới các địa phương, tìm hiểu đời sống người dân và những yêu cầu phát triển địa phương để nghiên cứu, hoạch định chính sách thì chúng nói rằng, đó là những chuyến đi khoe khoang thành tích, đánh bóng tên tuổi, gây áp lực để được lựa chọn vào vị trí cao hơn trong đại hội sắp tới.
Các thế lực phản động, cơ hội chính trị thường tung tin giả, kích động, xuyên tạc sự thật như các phe cánh trong Đảng thanh trừng, thỏa hiệp lẫn nhau; trong Đảng không có dân chủ nên trong đại hội tới cần phải xóa bỏ độc đảng, để tiến hành đa đảng... Chúng lợi dụng tâm lý cực đoan, định kiến của một bộ phận nhân dân để hàng ngày tán phát lên mạng nhiều thông tin sai sự thật; bình luận, nhìn nhận vấn đề có thật theo một “kịch bản” có lợi cho mục đích, ý đồ của chúng. Thủ đoạn mà chúng thông tin thường là lợi dụng vào những sự kiện, những diễn biến, những động thái có thật, bằng những kỹ xảo tinh vi của công nghệ thông tin, tạo dựng chuyện bằng cách lắp ghép, trích dẫn, cắt xén các lời phát ngôn, bài viết, hình ảnh, lời bình theo lối suy đoán... làm cho người đọc thiếu kinh nghiệm dễ lầm tưởng, khó phân biệt, nhận diện thật giả, đúng sai.
Từ đó, đánh giá không đúng bản chất sự kiện, nhân vật. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch suy cho cùng là phá hoại sự thành công của đại hội Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Trở lại với những suy diễn, võ đoán có dụng ý chống phá trước thềm Đại hội XIII của Đảng, có thể khẳng định rằng, những dụng ý xấu đó không thể đánh lừa hoặc phân tâm được nhân dân ta. Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta là "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", vì vậy, một cá nhân nào đó muốn làm một việc gì ngoài chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng không thể thực hiện được.
Trong Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc vào ngày 11-5-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng của việc lựa chọn nhân sự: “Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp”. Đó cũng là quyết tâm của toàn Đảng.
Để nhận diện đúng bản chất và đấu tranh với những thông tin xấu, độc trước Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác trước những âm mưu thâm độc, sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động, cơ hội chính trị trước sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Các đơn vị, địa phương đã và đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, thông qua công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội cũng là dịp để tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi Đảng bộ.
Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên cần xác định đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm để tham gia có hiệu quả nhất vào các quyết định của đại hội. Làm được điều đó, chẳng những góp phần quan trọng vào việc thành công của đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và toàn xã hội, mà còn làm cho các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị không có đất để lợi dụng kích động, xuyên tạc, chống phá.
Bảo Châu
Nhận xét
Đăng nhận xét