CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH “PHÁ VÂY" NGOẠI GIAO

 Ông Bùi Việt Sơn, con trai nhà ngoại giao Bùi Lâm (1905-1974), mở đầu câu chuyện với chúng tôi về năm đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Những thông điệp ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đi quốc tế đều rơi vào im lặng.

Không có hồi âm

Hoa Kỳ, quốc gia đã cử Đội Con Nai trong cơ quan tình báo chiến lược OSS (tiền thân của CIA) giúp Việt Minh từ trên chiến khu Cao Bắc Lạng (7-1945), lúc này chính thiếu tá tình báo Patti lại đưa Sainteny về Hà Nội, đồng thời có một nhóm người Pháp trà trộn vào Đội Con Nai xâm nhập chiến khu. Bị phát hiện, họ buộc phải rời khỏi vùng đất căn cứ địa. Trong lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 7 bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ là Truman nhưng đều không có phản hồi.
Ngay bức thư đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Tổng thống Truman, phản ánh những hành động của quân đội Anh ở Nam Bộ (9-1945) là cấm báo chí, cung cấp vũ khí, đạn dược cho dân chúng Pháp, tước vũ khí của cảnh sát Việt Nam. Đó là vi phạm vào chủ quyền của một quốc gia độc lập.
Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đề nghị với người đứng đầu Nhà nước Hoa Kỳ: “Yêu cầu Ngài can thiệp với các nhà chức trách Anh bãi bỏ các biện pháp nói trên” và “Chúng tôi sẽ rất biết ơn Ngài thuyết phục người Anh đứng vững trên cơ sở các nguyên tắc tự quyết do Hiến chương Đại Tây Dương đề ra”.
Bức thư thứ 7, cũng là bức thư cuối cùng gửi Tổng thống Hoa Kỳ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tại Hà Nội ngày 16-2-1946 đã nêu việc Philippines được độc lập. “Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
Tất cả đều không có hồi âm.
Hoa Kỳ không phải quốc gia cá biệt. Với Liên Xô cũng vậy. Thông điệp đầu tiên Moskva nhận được qua Paris vào ngày 22-9-1945. Đó là thông điệp khẩn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến Nguyên soái Stalin thông báo Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập. Cùng lúc đó, hệ thống đê điều bị vỡ, một nửa miền Bắc bị lụt lội. Tổn thất to lớn. Nhân dân chết đói. Chính phủ Việt Nam kêu gọi Chính phủ Liên Xô một sự giúp đỡ có thể. Song Stalin không trả lời bức thông điệp khẩn này của Hồ Chí Minh.
Ngay cả với bức điện chính thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký vào ngày 21-10-1945 gửi Nguyên soái Stalin “mong muốn cộng tác với Liên Hiệp Quốc để tạo một nền hòa bình lâu dài trên thế giới” cũng nhận bút phê của Kozyrev đề nghị “không trả lời”. Và văn bản này được đưa vào lưu trữ.
Những thông điệp ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đi quốc tế khi ấy đều rơi vào im lặng.
Lập Tổ Tham nghị
Trong khi đó, ở trong nước bộn bề khó khăn. Tình hình ấy được Chủ tịch Chính phủ tóm tắt trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ như sau: “Ta cầm quyền trong lúc khó khăn: có người Tàu, người Tây, người Nhật, lại thêm nạn đói, các Bộ thiếu liên lạc, Chính phủ thiếu kế hoạch chung”.
Không chịu ngồi im. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước đã lập một tổ công tác đối ngoại đầu tiên gồm 5 thành viên: Ông Bùi Lâm, ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Văn Lưu, ông Tạ Quang Bửu và ông Nguyễn Đức Thụy. Tổ công tác được thành lập trong phòng làm việc của Hồ Chủ tịch tại Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ).
Nhiệm vụ đối ngoại được phân công cho từng người, ông Nguyễn Đức Thụy trong một tài liệu gửi Phòng Truyền thống Bộ Ngoại giao, cho biết như sau: Ông Bùi Lâm phụ trách công tác đối ngoại với Pháp, kể cả đối với những đảng viên đảng Xã hội Pháp tại Việt Nam; ông Tạ Quang Bửu phụ trách công tác đối ngoại với Anh và Hoa Kỳ; ông Nguyễn Văn Lưu phụ trách công tác tổng hợp của Bộ Ngoại giao; ông Trần Đình Long phụ trách công tác đối với công việc xảy ra ở các địa phương; ông Nguyễn Đức Thụy phụ trách công tác đối ngoại với quân Tưởng Giới Thạch và Hoa kiều. Hồi ký của ông Tạ Quang Bửu cho biết, mấy ông Tham nghị lâu lâu họp bàn với nhau, do ông Bùi Lâm điều khiển.
Nhà viết kịch Học Phi có viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp: Trong số anh em trí thức ở Hà Nội lúc đó, có ai giỏi tiếng Anh không? Chính phủ đang cần một người giao thiệp với phái bộ Mỹ. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cho biết, có ông Tạ Quang Bửu, một nhà toán học nổi tiếng, đã từng học trường Oxford bên Anh.
Khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Tạ Quang Bửu lấy làm vinh dự, song ông cũng trả lời, ông chỉ quen làm khoa học, không biết làm chính trị. Hồ Chủ tịch nói: “Chú là nhà toán học, nhà vật lý học, lại là người thông thạo tiếng Anh, cái vốn tiếng Anh của chú lúc này quý lắm”. Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị ông Bửu tham gia Tổ Tham nghị.
“Chức Tham nghị, ông Nguyễn Đức Thụy giải thích theo lời Hồ Chủ tịch, là chức rất phổ biến trong bộ máy chính quyền của Tưởng. Coi nó to cũng được, nhỏ cũng được, rất quan trọng cũng được, chẳng quan trọng gì cũng được”.
“Phá vây” về ngoại giao
Trong khi đó, những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng hoạt động ráo riết ở Hà Nội suốt ngày gây sự với cán bộ của chính quyền mới. Thậm chí, ông Tham nghị Trần Đình Long còn bị Việt Nam Quốc dân đảng bắt cóc rồi đem đi thủ tiêu cuối tháng 11-1945. Ông Nguyễn Đức Thụy bị ô tô nhà binh Pháp đâm trong lúc đi giao thiệp để tiếp quản pháo đài Láng. Thương tật theo ông đến cuối đời. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh, như tài liệu của ông Nguyễn Đức Thụy viết lại, có lần cũng bị Việt Nam Quốc dân đảng bắn vào lốp xe ô tô khi đang chạy từ Phủ Toàn quyền cũ, nơi Lư Hán đóng, về Bắc Bộ phủ.
Phải đương đầu với “thù trong giặc ngoài”, trong khi thế và lực còn non yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tránh mọi cuộc xung đột. Người căn dặn những cán bộ thân cận: “Lúc này ngoại giao phải là “ngoại giao Câu Tiễn” chịu đựng, đừng sơ hở để chúng có cớ gây chuyện với ta. Chúng ta nên chủ trương đoàn kết dân tộc, đảng phái...”. Nhưng, trước sự khiêu khích trắng trợn của các đảng phái phản động, một số thành viên trong Ban Bảo vệ không chịu nổi, họ cử ông Bùi Lâm vào xin phép Hồ Chủ tịch cho đánh một trận để các đảng phái đối lập bỏ thói ngông cuồng.
Ông Bùi Lâm vào Bắc Bộ phủ trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc. Tạm ngừng tay đánh máy, Hồ Chủ tịch mời người bạn thủy thủ từ những năm 1920 ở bên Pháp ngồi uống trà. Thong thả, Hồ Chủ tịch lắng nghe ông Bùi Lâm kể với giọng bực tức về những hành động khiêu khích của các đảng phái và đề nghị cho phép đánh một trận. Lúc này, “anh Quốc” (tên ông Bùi Lâm vẫn thường gọi Nguyễn Ái Quốc từ bên Pháp) hỏi ông Tham nghị ngoại giao xem trong chén trà đang uống có gì? Ông Bùi Lâm đáp: “Thưa, có nước trà và có tí cặn trà”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thư thái nói: “Trong một chén nước con mà chú uống, còn có tí cặn, thì ở hồ, ở sông, ở biển thiếu gì thuồng luồng, ba ba, cá sấu, cá mập! Cần có quyết tâm sắt đá và phải bền gan vững chí, đồng thời phải bình tĩnh và sáng suốt thì dần dần có thể trừ được mọi loài ác vật dưới biển, trên cạn. Thắng lợi cuối cùng sẽ về chúng ta”.
Theo tư liệu của ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có tri thức văn hóa Đông - Tây rất rộng, Hán học uyên thâm nên dễ chinh phục được tướng lĩnh của Tưởng. Chỉ một vài lần tiếp xúc là họ rất kính trọng.
Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tướng Lư Hán tại trụ sở cũ của Phủ Toàn quyền Đông Dương (hiện nay là Phủ Chủ tịch), Lư Hán cho một viên quan tùy tùng ra đón. Để Chủ tịch nước ngồi chờ ở phòng khách rồi Lư Hán mới ra chào hỏi. Nhưng, sau khi nói chuyện xong, Lư Hán đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tận cổng đợi Bác lên xe rồi mới vào. Những lần sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, Lư Hán đều ra đón tại cổng và tiễn tại cổng, tỏ ra hết sức tôn trọng Bác.
Đầu tiên, ông Nguyễn Đức Thụy cho biết, họ xưng hô là “Hồ Chí Minh tiên sinh” nhưng dần dần mọi người khi nói chuyện đều xưng hô là “Hồ Chủ tịch”. Bác cười và nhận xét: “Trong công văn giấy tờ thì họ vẫn viết là kính gửi ông Hồ Chí Minh, nhưng trong khi nói chuyện thì họ lại gọi Bác là Hồ Chủ tịch. Thế là họ đã phải công nhận ta trên thực tế”.
Không khoanh tay để hoàn cảnh làm khó dễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm ra những giải pháp để thoát khỏi tình thế bị o ép. Thiếu tướng Tạ Quang Chính, con trai nhà ngoại giao Tạ Quang Bửu (1910-1986), đã kể lại câu chuyện “phá vây” về ngoại giao của Hồ Chủ tịch.
Đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn ông Tạ Quang Bửu phát tin lễ tuyên ngôn độc lập và tuyên bố thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra thế giới. Những phương tiện phát sóng của Chính phủ khi đó rất khó khăn và hiệu quả thấp. Lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 từ Hà Nội còn không phát được sóng vào tới Sài Gòn.
“Bác Hồ dặn cha tôi rằng, chú cứ phát đi. Tai vách mạch rừng, thế nào tin tức cũng đến các nước. Họ sẽ nhận được”, Thiếu tướng Tạ Quang Chính chia sẻ.
Quả nhiên, một số quốc gia nhận được thông tin, đã gửi điện chúc mừng nền độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công cuộc “phá vây” về ngoại giao được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện từng bước.

Nhận xét