A.Yakovlev, Trưởng ban Tuyên huấn Đảng Cộng sản Liên Xô, sau này hiện nguyên hình là kẻ chống chủ nghĩa xã hội, chống Chủ nghĩa Mác-Lênin từng tuyên bố: Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm lịch sử”.
Chính tuyên bố này và những hành động phá hoại của A.Yakovlev là một trong những vũ khí tư tưởng trong chiến lược làm tan rã Liên Xô theo kịch bản của phương Tây. Những người theo "thuyết âm mưu" như A.Yakovlev thông qua lật sử Cách mạng Tháng Mười hòng phủ nhận các giá trị, thành quả của cuộc cách mạng, tiến tới xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bài học lịch sử đó đến nay vẫn nhãn tiền và luôn thời sự...
Đằng sau âm mưu và sự chống phá của những kẻ lật sử
Cách đây 103 năm, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra làm “rung chuyển thế giới”. Kể từ đó, loài người trải qua biết bao biến cố, thăng trầm nhưng giá trị bất diệt, vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười vẫn ngày càng được khẳng định. Vậy nhưng, mỗi khi đến ngày kỷ niệm cuộc cách mạng ấy, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn lại dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn hòng bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Chúng không coi Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng thực sự mà là “vụ cướp chính quyền”, “cuộc cách mạng mạo danh”, “là sự chệch hướng lịch sử”... Trần Quốc Quân, một kẻ trở cờ, viết bài đăng trên BBC, coi “Cách mạng Tháng 10 thực chất là một cuộc bẻ ghi đường tàu, khiến một phần nhân loại rẽ sang đường vòng”. Từ việc coi Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm lịch sử” chúng phủ nhận những giá trị nhân văn, tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu với sự thất bại của Chủ nghĩa Mác-Lênin và rêu rao cuộc cách mạng đó là “đẻ non”, “đã chết” và chủ nghĩa xã hội đã đến “hồi kết thúc”...
Như vậy, bản chất sự xuyên tạc của những kẻ lật sử ấy không chỉ nhắm vào xuyên tạc một sự kiện lịch sử cụ thể, mà sâu xa hơn là qua đó phủ nhận học thuyết Mác-Lênin, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa, hướng lái các quốc gia, dân tộc đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Thực tiễn cách mạng thế giới đã cho chúng ta thấy hậu quả nghiêm trọng của âm mưu và sự chống phá đó.
Quay trở lại những biến cố lịch sử ở Liên bang Xô viết cuối thập niên 1980 với vai trò của A.Yakovlev, Trưởng ban Tuyên huấn Đảng Cộng sản Liên Xô. Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng thì chính tuyên bố Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm lịch sử” và những hành động phá hoại của kẻ lật sử A.Yakovlev là một trong những vũ khí tư tưởng trong chiến lược làm tan rã Liên Xô theo âm mưu, kịch bản của phương Tây. Trong những năm cải tổ ở Liên Xô, A.Yakovlev hiện nguyên hình là kẻ chống chủ nghĩa xã hội, chống Chủ nghĩa Mác-Lênin. Theo lập luận của A.Yakovlev, vì Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch sử” nên cần phải xóa bỏ mọi sản phẩm ra đời từ “sai lầm” đó, bao gồm tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước Liên Xô, hệ thống xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Liên Xô và toàn bộ lịch sử Liên Xô kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó có lịch sử cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Báo Nước Nga Xô Viết số ra ngày 07/5/1991 đăng bức thư ngỏ của Gennady Zyuganov (về sau là Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga) gửi A.Yakovlev với tiêu đề “Kiến trúc sư trưởng bên đống đổ nát”. Sau khi bức thư này được công bố, báo chí Nga gọi A.Yakovlev là “kiến trúc trưởng công cuộc cải tổ” dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô. Gần đây, ở Nga xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khẳng định tập đoàn lãnh đạo Liên Xô do M.S.Gorbachev và A.Yakovlev đứng đầu là những kẻ phản bội lý tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, phản bội Liên Xô.
Giá trị bất diệt và vĩ đại của cuộc cách mạng
Cách mạng Tháng Mười như một cơn địa chấn của thế kỷ 20, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới đối với nước Nga mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân các nước, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ cũ, xây dựng chế độ mới tốt đẹp hơn.
Thực tế, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và tiếp đó là thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội từ một nước đã phát triển thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đầy sức sống và hùng mạnh, đã có vai trò to lớn và từng có tính chất quyết định đến vận mệnh và sự phát triển của thế giới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô đã có những giai đoạn phát triển rực rỡ, đã đoàn kết các dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp, bình đẳng, công bằng, mang lại hạnh phúc cho đông đảo nhân dân lao động. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và sự giúp đỡ, tác động của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến những năm 70 của thế kỷ 20, hàng loạt các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc đã đứng lên giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân.
Cho nên có thể nói, Cách mạng Tháng Mười Nga mang tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn, tính thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Đúng như lãnh tụ vĩ đại Lênin từng khẳng định trong tác phẩm “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản”, năm 1920: “Ngày nay, chúng ta đã có trước mắt một kinh nghiệm quốc tế phong phú chứng thực hiển nhiên rằng một số đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng của ta không phải có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt dân tộc, ý nghĩa riêng biệt cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân cách đây chưa lâu, bà Natalia Shafinskaia, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cũng cho rằng: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười là sự kiện đầy ý nghĩa của thế kỷ 20 và có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử của toàn nhân loại. Qua cuộc cách mạng đó, Nga, sau là Liên Xô đã tìm ra được con đường phát triển của mình, đồng thời là tấm gương cho nhiều nước noi theo, đi theo, trở thành hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều thập kỷ, hệ thống do Liên Xô đứng đầu đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử của nhân loại”.
Đánh giá về giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
"Ngọn đuốc" vạch thời đại và trách nhiệm của chúng ta
Từ sau cuộc cách mạng làm “rung chuyển thế giới”, nhân loại đã trải qua hơn 100 năm đầy biến động, thăng trầm. Trong đó, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 là tổn thất vô cùng lớn. Nhưng đó là sự sụp đổ của mô hình cụ thể, chứ không phải sụp đổ hay cáo chung của Chủ nghĩa Mác-Lênin, của chủ nghĩa xã hội như các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao, xuyên tạc.
Cách mạng thế giới đã và đang trải qua giai đoạn khủng hoảng, khó khăn nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra và tính tất yếu thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là không thể đảo ngược. Lý tưởng cao đẹp của cuộc cách mạng vĩ đại này vẫn đang được chứng minh sinh động ở các quốc gia, dân tộc lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dù còn nhiều sóng gió, thử thách nhưng con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra vẫn là “ngọn đuốc” vạch thời đại, là mục tiêu, lý tưởng, là tương lai tốt đẹp mà các dân tộc hướng tới. Như Đảng ta đã khẳng định: "Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội".
Những luận điệu bóp méo, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc giá trị của cuộc cách mạng vĩ đại với mưu đồ đen tối, không thể dễ dàng làm lung lạc dư luận, càng không bao giờ làm đảo lộn xu hướng phát triển tất yếu của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Quay lưng lại quá khứ và bôi nhọ các giá trị truyền thống cũng chính là hành động phá hoại tương lai.
Một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra là: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nâng cao trách nhiệm, cảnh giác, hết sức tỉnh táo để phát hiện, ngăn chặn những luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử nói chung trong đó có sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Nhận xét
Đăng nhận xét