SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Chiều ngày 29/9/2020, Phiên họp toàn thể lần thứ 18, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong điều hành nội dung thảo luận.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy tăng 13 điều so với Luật hiện hành.

Mở đầu Phiên họp, thay mặt Ban soạn thảo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới

Về nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế; việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quá trình xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Cơ quan chủ trì đã bám sát 03 chính sách được Chính phủ thông qua.Trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008,dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.


Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có;xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện. Khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật;biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện. Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, không quy định Chương "Khen thưởng và xử lý vi phạm"...

Quan điểm xây dựng luật cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đa số các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, tại các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị vẫn là công tác phòng chống ma túy đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần).

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận khẳng định sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng…. đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.


Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh.

Để luật mang tính khả thi, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các hình thức xử phạt, áp dụng cưỡng chế cai nghiện bắt buộc còn nhẹ, thiếu sự răn đe. Bởi hầu như không có người nghiện nào tự nguyện vào cơ sở cai nghiện, đó là chưa kể vào cơ sở cai nghiện có đạt được hiệu quả hay không. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại quan điểm xây dựng luật theo hướng phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Góp ý về trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống ma túy, nhiều đại biểu đề nghị việc sửa đổi luật cần quan tâm đến trách nhiệm của xã hội, vai trò của gia đình trong tham gia phòng chống tệ nạn ma túy, hỗ trợ cơ quan chức năng cung cấp thông tin về tội phạm ma túy và người nghiện ma túy. Đặc biệt, cần quy rõ trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống ma túy.

Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu tại Phiên họp, thay mặt Ban soạn thảo, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công An chia sẻ tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng. Hình thức các chất ma túy ngày càng phong phú, từ thuốc phiện, heroin và nay là ma túy tổng hợp và các tiền chất gây nghiện khiến cho lực lượng chức năng rất khó kiểm soát và ngăn chặn, chưa kể nhiều chất gây nghiện đang được sử dụng phổ biến tại các nhà hàng, quán bar, vũ trường. Vì vậy, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các tiền chất có thể sử dụng làm chất gây nghiện, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn tệ nạn ma túy.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nhấn mạnh, hiện nay đối tượng nghiện ma túy rất đa dạng và có xu hướng trẻ hóa, đây là vấn đề rất đáng lo ngại, đặc biệt nhiều quy định trong Dự thảo Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, ma túy là nguồn của tội phạm và tội phạm ma túy là nguồn của các loại tội phạm khác do vậy ngăn chặn tệ nạn ma túy là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Nếu giải quyết được được tệ nạn ma túy sẽ giảm cơ bản tình trạng tội phạm hiện nay, bởi theo thống kê tại các trại giam ở khu vực miền Bắc có tới 70% phạm nhân phạm tội liên quan đến ma túy.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng tiếp thu ý kiến các đại biểu góp ý tại Phiên họp liên quan đến hồ sơ dự án luật, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, phối hợp, quy định liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý người cai nghiện từ 12-18 tuổi, chính sách của nhà nước về cai nghiện ma túy…


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận nội dung thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, kết thúc phiên thảo luận có 9 ý kiến phát biểu góp ý về sự cần thiết ban hành; phạm vi điều chỉnh; công tác quản lý người cai nghiện từ 12-18 tuổi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội trong công tác phòng chống ma túy; cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp phòng chống ma túy… đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý tại Phiên họp, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chủ trì Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) lần thứ 3 nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Hội nghị đã ban hành nghị quyết về vấn đề này, trong đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Và việc Việt Nam sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy khẳng định cam kết của Việt Nam trong công tác phòng, biến lời nói thành hành động, hướng tới ASEAN không ma túy./.

Lan Hương - Minh Hùng

Nhận xét