“Đi nghĩa vụ là để bảo vệ đất nước, đi nghĩa vụ là một cái gì đấy cực kỳ là vinh hạnh. Rồi khi đi nghĩa vụ quân sự, anh em sẽ được trải qua nhiều thứ, như trồng rau, đi hành quân, hốt phân… Chẳng hiểu các ông bây giờ nghe về cái câu nghĩa vụ quân sự như cái kiểu là “bị” đi nghĩa vụ quân sự. Các bạn đi phục vụ Tổ Quốc mà” - Đó là lời tâm sự của “tộc trưởng” Độ Mixi trên sóng trực tiếp, dĩ nhiên, là những lời đã được cắt bớt một vài đoạn “nhạy cảm”.
Không ít lần trong các buổi trực tiếp, “người có thu nhập vài củ một tháng” này dành nhiều lời khuyên và luôn ủng hộ người hâm mộ của mình đi nghĩa vụ quân sự. Vị “tộc trưởng” này cũng từng bày tỏ thẳng thắn rằng, nếu lượt xem có giảm vì anh em đi nghĩa vụ quân sự thì cũng vẫn vui.
Hay như câu chuyện của ít ngày qua, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tân, năm nay đã 110 tuổi, đón nhận hài cốt của người con trai đầu, anh đã hi sinh trong chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Mẹ Tân đã chờ 51 năm để được gặp lại người con đầu của mình, và mẹ phải chờ thêm một khoảng thời gian nữa để chờ mong tái hợp cùng người con thứ ba - cũng hi sinh trong chiến trận. Và ở độ tuổi của mẹ, không dám chắc là có còn đón được người con thứ ba về nhà hay không.
Cũng trong một buổi phát trực tiếp, Độ Mixi nói về những thước phim của thời cũ, về hình ảnh lớp thanh niên ngày xưa, háo hức, vui mừng vì được nhập ngũ, chiến đấu vì Tổ Quốc với lớp thanh niên ngày nay, sợ hãi chuyện nhập ngũ và kêu ca: “Bố mẹ ơi con bị đi nhập ngũ rồi”. Thực tế, thì câu chuyện thời chiến và thời bình vốn dĩ chẳng thể đem ra so sánh với nhau được, phim ảnh và đời thực cũng khá tách biệt, nhưng nếu lấy ra để nói về trách nhiệm với Tổ Quốc, thì tính thời sự vẫn còn nguyên.
Tại Hàn Quốc, một quốc gia vẫn còn trong thời chiến, nghĩa vụ quân sự là một điều bắt buộc với mọi nam giới trừ các trường hợp đặc biệt. Trong một cuộc khảo sát trên mạng xã hội, người Hàn Quốc tự hào về điều gì? Ba điều dẫn đầu bao gồm: một là từ một quốc gia có nền kinh tế yếu ớt trở thành một cường quốc kinh tế, hai là làn sóng văn hóa K-pop, ba là nghĩa vụ quân sự. Hai điều đầu tiên thì tương đối dễ hiểu, vậy còn yếu tố thứ ba thì sao? Với nam giới Hàn Quốc, nhập ngũ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là cột mốc đánh đấu “sự trưởng thành” thực sự, vừa là niềm tự hào, bất cứ một nam giới Hàn Quốc nào - từ ngôi sao điện ảnh, đến vận động nổi tiếng, đều phải trải qua thời gian huấn luyện quân sự, nếu không sẽ phải chịu định kiến xã hội, bị tước quốc tịch, từ chối tư cách công dân.
Có một thực tế đáng buồn, có một bộ phận lớn người dân, coi nghĩa vụ quân sự là một cái gì đó phiền toái, vớ vẩn, hoặc như là như là thứ gì đó không may mắn, không ít thanh niên ở trong độ tuổi từ 18 đến 27 luôn muốn tránh né và làm mọi cách để trì hoãn việc gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Nhiều gia đình sẵn sàng dùng tiền để “lót” tay cho cán bộ vào mỗi mùa khám tuyển, mục đích là để con em trong gia đình tránh phải mang áo lính trong khoảng 2 năm. Đi nghĩa vụ quân sự trong thời bình, mục đích là bảo vệ Tổ Quốc, rèn luyên bản thân, tu dưỡng đạo đức, một việc làm vừa thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân lại được “hô biến” như là việc nguy hiểm, đen đủi...
Trên mạng xã hội, những clip hướng dẫn cách lách luật khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhận được hàng trăm ngàn lượt view, trong đó, có những cách như uống nước tăng lực rồi thức khuya để làm tăng huyết áp, xăm kín người, làm giả giấy tờ khám sức khỏe, làm giả giấy báo học tập tại các trường học… Đi nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ Quốc mà người ta tránh như tránh hủi, đi nghĩa vụ chứ có phải lao đầu vào chỗ chết đâu mà phải tìm mọi cách để ở nhà cho bằng được?
Nhiều người cho rằng việc sống trong đời quân ngũ hai năm mà chỉ nhận được khoảng gần hai mươi triệu thì “rẻ” quá. Đầu tiên, doanh trại quân đội không phải là công ty, nghĩa vụ quân sự không phải là một “nghề”, lên việc đem tiền hỗ trợ sau khi ra quân với tiền lương là một điều vô lý. Ngoài ra, cần nhớ rằng, các chiến sĩ sau khi ra quân còn được hỗ trợ miễn phí học nghề, nếu các chiến sĩ xin bảo lưu để nhập ngũ sẽ được tạo điều kiện tiếp tục theo học. Bên cạnh đó, hàng tháng, các chiến sĩ vẫn sẽ được trợ cấp nữa cơ mà? Ngoài ra, khi tại ngũ, bố mẹ của các chiến sĩ cũng được hưởng bảo hiểm y tế.
Độ Mixi cũng từng nói vui trong một buổi stream, rằng mỗi người sẽ phải trả bao nhiêu tiền để học chăn nuôi, trồng trọt, học bắn súng, học võ, học nấu ăn? Ai nuôi anh em ăn uống, ngủ nghỉ hàng ngày, hai năm ở trong đó ai nuôi các ông, có ai tính tiền hay hạch toán không? Ai dậy về gấp chăn gấp đệm? Rồi hàng ngày “ăn cơm chính phủ, ngủ có người canh” - dĩ nhiên là nói về các anh em đi bộ đội chứ không phải nói về câu chuyện những anh em mặc áo vạch đen trắng rồi.
“Người ta cho cái gì thì các ông không biết đâu nhưng các ông mất gì thì các ông chi li tính toán từng tý một, có thấy buồn cười không. Nhiều ông được bố mẹ chu cấp cho nên nghĩ 20 triệu và một đống quyền lợi nhận được là nhỏ” - Độ Mixi
Riêng cái chuyện được bắn súng đạn thật thì chẳng có trò chơi nào nào bằng được cả.
Ở trong quân đội có đánh nhau không? Có, nhiều là đằng khác. Doanh trại quân đội cũng là một xã hội thu nhỏ, có nhiều thành phần chui vào đó, việc mâu thuẫn là việc không thể tránh khỏi. Trong môi trường quân ngũ, mình vì mọi người, mọi người vì mình, một việc làm đơn giản của mình cũng có thể khiến cả nhóm phải chịu hậu quả, điều đó nhằm tăng tính đoàn kết và ý thức tập thể của các anh em. Không thiếu những câu chuyện như một người hút thuốc chui thì cả tiểu đội phải xin lỗi đồng chí thuốc, hay quét sân không sạch thì cả nhóm phải khiêng từng chiếc lá đi vứt…
Chứ vào doanh trại, mà còn tư tưởng bố đời, tao là nhất, tao là trùm, tao là anh chị, tao là bề trên, thì ăn đòn tính ra cũng vẫn đáng, ăn đòn cho tỉnh, cho biết điều hơn. Đó là vì sao, nhiều gia đình có con cái ngỗ ngược, sau vài tháng về phép tự dưng trở thành một người khác. Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp hiền như bụt, không biết điếu thuốc hay ly rượu nào, vào đấy thì thành “cái ống khói” hay “thánh nhậu”, nhưng suy cho cùng, đó cũng có thể là một dấu hiệu, không hẳn là cái xấu.
Đã có không ít các trường hợp trốn tránh nghĩa vụ dẫn tới các hình phạt từ hành chính đến tù giam, nghĩa vụ quân sự là một việc làm trách nhiệm và tốt đẹp, làm sao mà lại phải trốn tránh như vậy? Đi nghĩa vụ để bảo vệ Tổ Quốc, có gì mà phải tự ti?
Không đi nghĩa vụ không có nghĩa là không đóng góp được gì cho Tổ Quốc, ngược lại, chăm chỉ làm việc, đóng thuế, đóng tiền cũng là đóng góp rồi? Tại sao không dùng tiền đóng góp thay cho việc đi nghĩa vụ? Dĩ nhiên, không thể thể so sánh việc đi nghĩa vụ mới là đóng góp còn không đi nghĩa vụ thì không có đóng góp gì, mỗi cá nhân đang làm việc cũng là đóng góp cho Tổ Quốc. Nhưng đặt giả sử, phần lớn chúng ta cũng nghĩ như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra? Ai cũng xài tiền để “thế chân”, thì quân đội sẽ có bao nhiêu người lính? Ai cứu nguy bão lũ? Ai ra Trường Sa? Ai ở trên nhà giàn? Ai ở trên biên giới? - Tiền à? Rồi nếu có chiến tranh, lệnh Tổng động viên được ban ra, một đám người chỉ quen cầm súng trên game sẽ biết rằng hóa ra súng đạn ngoài đời là một phạm trù khác hẳn, đối diện với quân thù thì tiền là không đủ.
Tiền có thể làm được nhiều thứ, nhưng không phải là tất cả. Trách nhiệm và nghĩa vụ, máu và mồ hôi, không thể mua được bằng tiền.
Xin mượn tạm câu nói của Độ Mixi để kết bài: “Chẳng hiểu các ông bây giờ nghe về cái câu nghĩa vụ quân sự như cái kiểu là “bị” đi nghĩa vụ quân sự. Các bạn đi phục vụ Tổ Quốc mà”
Nhận xét
Đăng nhận xét