Những câu chuyện thú vị trên mặt trận ngoại giao về giai đoạn Việt Nam "kẹt" trong bối cảnh quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc căng thẳng được Trung ương Đảng và Bác Hồ xử lý để vừa giữ được mối quan hệ với cả hai nước lớn, vừa giữ vững độc lập chủ quyền, kháng chiến thành công và tiến tới ngày thống nhất đất nước 30-4.
Có nhiều mẩu chuyện rất hay về việc Bác Hồ xử lý quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Ví dụ như: Liên Xô đề nghị rất nhiều sáng kiến tốt cho Việt Nam như cầu hàng không, căn cứ Hoa Nam, Liên Xô - Trung Quốc phối hợp hành động giúp Việt Nam… nhưng Trung Quốc không đồng ý, thì Việt Nam cũng không triển khai sáng kiến đó.
Hoặc như Liên Xô muốn đưa cố vấn về mặt phòng không, cố vấn vào Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, muốn đưa cố vấn về tên lửa… nhưng Việt Nam đều không chấp nhận…
Trung Quốc muốn đưa cố vấn sang Việt Nam, muốn đưa bộ đội Trung Quốc vào làm đường ở Việt Nam, chúng ta cũng không chấp nhận mà chỉ chấp nhận Trung Quốc giúp ta ở miền Bắc, làm đường ở miền Bắc.
Quan hệ Việt Nam Trung Quốc giai đoạn đầu của năm 1968 rất căng thẳng, thậm chí Trung Quốc muốn cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, không tiếp nhận những đoàn của ta cử sang trao đổi với phía Trung Quốc. Bác Hồ đã xử lý vô cùng khéo léo: Bác đề nghị Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh dẫn đầu phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sang báo cáo với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Vì phía Trung Quốc luôn giương cao ngọn cờ chống Mỹ, mà đoàn của nhân dân miền Nam sang thông báo về kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì chẳng lẽ lại không nhận. Khi phía Trung Quốc nhận đoàn thì Bác lại cử Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng đoàn. Khi sang Trung Quốc, chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thuyết phục được lãnh đạo Trung Quốc.
Đến 17-11-1968, khi tiếp đoàn Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông có nói họ đã thay đổi quan điểm, từ đó Trung Quốc đã ủng hộ Việt Nam vừa đánh vừa đàm.
Liên quan đến việc Trung Quốc lôi kéo Việt Nam chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô. Điều đó rất rõ, nhưng xử lý thế nào là một vấn đề rất tế nhị. Bác Hồ đã xử lý rất khôn khéo. Nhân sự việc ông Bành Chân, Phó chủ tịch quốc hội, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc thăm Việt Nam, khi tiễn ông Bành Chân, Bác đọc một câu thơ rất hay, ý nói là nếu các bạn Bắc Kinh có hỏi, chúng tôi xin trả lời là lòng chúng tôi vẫn trong như ngọc, nghĩa là không lung lay, không ủng hộ xét lại, chúng tôi vì Chủ nghĩa Mác - Lênin mà thôi.
Đồng thời, Bác thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc là các đồng chí cứ làm việc của các đồng chí, chúng tôi làm việc chúng tôi. Đặc biệt, nhân dịp chúc mừng ngày sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Bác viết câu chúc bằng tiếng Hán, hôm sau Nhân dân nhật báo đăng lên: "Mao Chủ tịch vạn thọ vô cương", chính điều đó đã giải tỏa quan hệ, khúc mắc giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Cách mạng Văn hóa.
Một nghệ thuật nữa của Bác Hồ đã xử lý rất khéo là năm 1964, lúc đó ông Nikita Sergeyevich Khrushchyov, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), tròn 70 tuổi. Trước ngày đó, Đảng ta và các đảng anh em khác đều nhận được bức thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng từ nay ngày sinh chẵn tròn của lãnh đạo cũng không nên chúc mừng nhau. Ý là vì Liên Xô - Trung Quốc mâu thuẫn nhau nên phía Trung Quốc muốn ngăn Đảng ta chúc mừng ông Khrushchyov 70 tuổi. Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương đều lo lắng về việc xử lý như thế nào? Bác bảo các chú cứ yên tâm, Bác sẽ xử lý.
Gần đến sinh nhật ông Khrushchyov, Bác Hồ mời Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam tới ăn cơm. Ly rượu đầu tiên chúc mừng, Bác nói chúc mừng đồng chí Khrushchyov 70 tuổi. Đại sứ báo cáo về ngay. Mấy ngày sau, Bác nhận được điện cảm ơn của ông Khrushchyov. Như vậy, Liên Xô rất hài lòng và Trung Quốc không biết vì Bác dặn không công khai với báo chí.
Nhận xét
Đăng nhận xét