Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt, cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, có tâm huyết, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung luôn được Đảng ta xác định là nguồn lực cần được khuyến khích và bảo vệ, nhằm tạo động lực phát triển trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ; tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung luôn được Đảng ta xác định là nguồn lực cần được khuyến khích phát triển và bảo vệ (Trong ảnh: Hội nghị cán bộ toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, ổn định kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác, ngày 23-4-2020)_Ảnh: TTXVN

Đòi hỏi khách quan của việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo trong nhân dân; đồng thời, động viên, khích lệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để tạo sức mạnh lớn, góp phần vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, khi thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, khó khăn, thách thức luôn đan xen, bên cạnh việc khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cần kịp thời xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ, xuất phát từ các yêu cầu sau:

Thứ nhất, khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhằm giải quyết tình trạng trì trệ, những vấn đề lúng túng khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn.

Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là việc cán bộ mạnh dạn đề xuất ý tưởng, quyết đoán trong hành động; dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn để bứt phá, giải quyết những vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đây là những việc mới, khó, nhiều trường hợp rất phức tạp, nhạy cảm. Trong một số trường hợp, cán bộ phải giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc phải đột phá vào một số nội dung mà chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đề cập, điều chỉnh cụ thể, những nội dung chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng còn chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện chứa đựng nhiều rủi ro, dễ dẫn đến sai sót, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đòi hỏi cán bộ phải có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Trong khi đó, chúng ta lại chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhất là đối với việc giải quyết những vấn đề lớn, khó, phức tạp. Trên thực tế, không ít cán bộ có tư duy mới, có động cơ đúng đắn, dám đột phá nhưng không được khuyến khích, bảo vệ, thậm chí còn bị cô lập, vô hiệu hóa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ có tài năng, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm bị nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo và dẫn tới hệ lụy là xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; làm cho một số ngành, lĩnh vực, địa phương trì trệ, có nhiều vụ, việc tồn đọng kéo dài. Do đó, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là giải pháp quan trọng để góp phần xóa bỏ tình trạng trì trệ, ách tắc trong thực thi công vụ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cũng là hình thức khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo.

Đảng ta luôn xác định, đổi mới, sáng tạo là động lực của phát triển. Những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, có tâm huyết, trách nhiệm là nguồn lực quý cần được khuyến khích và bảo vệ. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, phát triển và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư càng đặt ra yêu cầu và đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, đổi mới, sáng tạo vẫn “chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế  - xã hội”(1), chưa tạo ra đột phá lớn; số văn bằng phát minh, sáng chế của Việt Nam còn thấp so với thế giới, chỉ số đổi mới, sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng trong năm 2019(2), chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam xếp thứ 67 trên 141 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng trong năm 2019(3), trong khi người Việt Nam luôn đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế(4). Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình hình trên là do chúng ta chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đội ngũ cán bộ phát huy tối đa sức sáng tạo, tiềm năng và khả năng cống hiến cho đất nước.

Thực tế cho thấy, cán bộ sáng tạo, đột phá thường thuộc về thiểu số, có tư duy vượt trước so với nhận thức của số đông. Phải đến khi những chủ trương, chính sách duy ý chí của tập thể bị thất bại trong thực tiễn thì người ta mới phản tỉnh về giá trị của những con người có tư duy đột phá. Lúc bị trả giá thường đã quá muộn; tạo nên lực cản lớn cho sự phát triển của đất nước, địa phương, đơn vị; đẩy những người có tư duy đột phá vào trạng thái “cô đơn chính trị” hoặc trở thành nạn nhân của sự thay đổi, gây lãng phí tài sản quý giá nhất của tổ chức. Đã từng có không ít cán bộ có tư duy đột phá nhưng lại phải chịu “búa rìu” của tập thể, chịu áp lực chỉ trích, thậm chí phải trả giá cho sinh mệnh chính trị của chính mình do không có cơ chế bảo vệ; các ý tưởng đột phá nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có sự nhìn nhận và đánh giá đúng mức, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ để không làm thui chột những sáng kiến, không làm nhụt ý chí của những cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm, dũng cảm đương đầu với thách thức đổi mới, dám mạnh dạn và cương quyết hành động chỉ để hướng tới một mục đích duy nhất là đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.

Cần thu hút và trọng dụng những sinh viên xuất sắc vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước - đây là nguồn cán bộ chất lượng trong tương lai (Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020)_Ảnh: TTXVN

Xét đến cùng, cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một phương thức khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực cho Đảng và đất nước; phát huy nguồn lực trí tuệ giúp tập thể phát triển lớn mạnh. Một khi không khuyến khích được cái mới, tạo điều kiện cho tư duy đột phá là sẽ đồng nghĩa với việc tạo môi trường cho cái bảo thủ, lạc hậu, trì trệ chiếm ưu thế, cản trở sự phát triển. Cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ còn đáp ứng yêu cầu tự thân muốn cống hiến, khẳng định mình của cán bộ; tạo không gian đổi mới, sáng tạo để họ có thể giải phóng các tiềm năng, phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của mình vì lợi ích chung. Kinh nghiệm của một số nước phát triển trên thế giới cho thấy, chính sách khuyến khích, bảo vệ người có năng lực, dám nghĩ, dám làm là cơ sở vững chắc để đội ngũ cán bộ an tâm phấn đấu, phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ của mình vào hoạt động của tổ chức.

Thứ ba, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là cần thiết nhằm tạo phong trào khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đổi mới, sáng tạo giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển, nhất là trong tăng trưởng kinh tế. Lý luận và thực tiễn thời gian qua đều cho thấy, các nước sẽ đi theo nhiều quỹ đạo phát triển khác nhau, tùy thuộc vào khả năng nắm bắt nền tảng tri thức, từ đó tạo ra những ý tưởng đột phá, sáng tạo. Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, thời cơ và thách thức đan xen; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội phát triển; tuy nhiên, nếu không bắt nhịp được với xu thế đó, nguy cơ bị tụt hậu xa hơn hoàn toàn có thể xảy ra. Tình hình đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn tự đổi mới, không ngừng rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn. Xét đến cùng, tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, nhưng sức sáng tạo của con người gần như là vô hạn, phụ thuộc vào năng lực trí tuệ, tinh thần sáng tạo, đổi mới của mỗi người, đặc biệt quan trọng là xây dựng được cơ chế, tạo lập môi trường kích thích nguồn cảm hứng, năng lực sáng tạo đó; đồng thời, có cơ chế bảo vệ những thành quả của sáng tạo, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi giải quyết những vấn đề lớn, khó, phức tạp. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để hình thành phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực phát triển kinh tế. Khởi nghiệp phải gắn với đổi mới, sáng tạo, gắn với kết quả của các nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào các phương án sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới, sáng tạo chính là bảo vệ họ trước nguy cơ thất bại, trước những tình huống bất lợi; thông qua đó, khuyến khích, tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thứ tư, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung góp phần triệt tiêu cái xấu, bảo thủ, trì trệ để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Một tổ chức, cơ quan, đơn vị gồm các chủ thể có quan hệ ràng buộc lẫn nhau: một bên là thiết chế đại diện có trách nhiệm đưa ra các quyết định lãnh đạo, quản lý; một bên là thành viên của tổ chức có quyền dân chủ trong nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến về những vấn đề do các cấp lãnh đạo đưa ra với mong muốn quyết định đó trở nên phù hợp hơn, khả thi hơn và đem lại lợi ích chung cho tổ chức. Hoạt động phản biện này rất quan trọng để mỗi tổ chức, cơ quan hoạt động hiệu quả, xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với con đường phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, một mặt, vì chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm; mặt khác, do tâm lý nể nang, sợ va chạm, nên nhiều cán bộ ngại góp ý, phê bình người khác, nhất là đối với người lãnh đạo, quản lý. Hệ lụy của việc ngại góp ý, phê bình đối với người lãnh đạo, quản lý dẫn đến cơ quan đó mất dân chủ, dung túng cho cái sai, tiêu cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tại nhiều cơ quan, đơn vị còn tồn tại tình trạng thờ ơ, im lặng, khen nhiều hơn chê, chỉ nhấn mạnh ưu điểm, còn nếu có khuyết điểm thì dễ dàng bị cho qua một cách nhanh chóng, không có sự mổ xẻ, phân tích nghiêm túc để rút ra bài học kinh nghiệm. Chính vì vậy, nhiều lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị không nhận thấy những hạn chế, khuyết điểm của mình trong công tác quản lý, điều hành, làm cho khuyết điểm sau chồng lên khuyết điểm trước dẫn đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra và tình trạng này rất khó được khắc phục. Trong thực tiễn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, đảng viên ngại góp ý, phê bình hoạt động của tổ chức, cũng như góp ý cho các quyết định của người lãnh đạo, quản lý, như sợ trù dập, ngại va chạm, sợ ảnh hưởng đến sự cầu tiến của bản thân nên chỉ góp ý những việc chung chung, còn đối với những vấn đề góp ý cho cấp lãnh đạo thì né tránh - đó là biểu hiện của sự cầu toàn, không có dũng khí và ý chí xây dựng tập thể. Tuy nhiên, tựu trung lại, những nguyên nhân trên cũng xuất phát từ việc chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế đủ mạnh, đủ chặt chẽ để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tổ chức. Nếu có cơ chế khuyến khích và bảo vệ, một người cán bộ có bản lĩnh sẽ dám đứng lên góp ý về những hạn chế, chỉ trích những sai phạm, yếu kém của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Do vậy, dưới góc độ này, cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ còn được xem là một phương thức hữu hiệu giúp cho người cán bộ đó bộc lộ năng lực, phẩm chất bằng những tham góp sáng tạo, đột phá. Đây chính là một kênh rất quan trọng để phát hiện và sử dụng người tài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước.

Một số vấn đề cần lưu ý trong việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Gần 40 năm công tác, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Văn Thắng, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Nam Định đã có hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học và nhiều sáng kiến phục vụ công tác khám, chữa bệnh, 6 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng "Lao động sáng tạo"_Ảnh: TTXVN

Để xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân nhằm hạn chế khả năng cổ xúy cho việc đi ngược với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, không triệt tiêu, hạn chế sự sáng tạo, đổi mới của cán bộ nếu đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần phân biệt được người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với người liều lĩnh, phiêu lưu; phân định được ý tưởng đổi mới, sáng tạo với những ý tưởng viển vông, không thực tế để có cách phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu. Khi cán bộ, đảng viên có ý tưởng mới mẻ, đột phá thì cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần nghiêm túc xem xét tính khả thi, nội dung, tính chất, quy mô của ý tưởng để yêu cầu cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch hoặc đề án phù hợp; sau đó, thảo luận, bàn bạc dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, trưng cầu ý kiến chuyên gia và các đối tượng bị tác động; đánh giá, thẩm định kế hoạch và quyết định cho cán bộ, đảng viên triển khai hoặc không triển khai. Ngược lại, cán bộ, đảng viên có ý tưởng đổi mới, sáng tạo nhất thiết phải báo cáo và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền trước khi triển khai. Không nên thiên về một phía mà phải hết sức hài hòa, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định cho phù hợp. Nguyên tắc là cán bộ, đảng viên có ý tưởng đổi mới, sáng tạo phải báo cáo cấp ủy xin chủ trương về ý tưởng của mình; đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải đơn giản hóa quy trình cho chủ trương, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi để tạo môi trường, không gian tối đa cho đổi mới, sáng tạo.

Ba là, việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải thực hiện trong suốt quá trình, trước, trong và sau đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là bảo vệ những trường hợp xảy ra rủi ro, sai sót, để họ không nhụt chí, dám dấn thân vào việc triển khai các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Nội dung bảo vệ cán bộ phải được thiết kế theo phương châm: Cách bảo vệ cán bộ, đảng viên tốt nhất, hiệu quả nhất là chủ động ngăn ngừa rủi ro, sai sót ngay từ khi cán bộ mới xây dựng kế hoạch dám làm, dám đột phá. Yêu cầu đặt ra là phải vừa xây dựng được quy trình bảo vệ cán bộ hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa không làm mất quyền dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là việc rất khó khăn, đòi hỏi sự tham gia quyết liệt và trách nhiệm cao của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu có ý nghĩa quyết định tới phong trào đổi mới, sáng tạo. Nếu cấp ủy, người đứng đầu có quan điểm tiến thủ, ủng hộ cái mới, cái đúng, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì sẽ thúc đẩy phong trào đổi mới, sáng tạo của địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển. Ngược lại, nếu cấp ủy, người đứng đầu có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ mắc sai lầm, khuyết điểm sẽ dẫn tới thoái thác trách nhiệm hoặc không tạo điều kiện cho cán bộ cấp dưới phát huy những sáng kiến, đột phá của mình, kìm hãm đổi mới, sáng tạo. Vì thế, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải gắn liền với xây dựng trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu.

Năm là, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải dựa trên các tiêu chí, điều kiện, quy trình cụ thể, rõ ràng để phân biệt giữa hành vi đột phá, quyết đoán vì lợi ích chung nhưng mắc sai lầm, khuyết điểm với những sai lầm, khuyết điểm tương tự nhưng vì lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thời gian và không gian, nguồn cảm hứng sáng tạo, đặc biệt là chế độ, chính sách thỏa đáng để cán bộ, đảng viên thật sự có tâm huyết, hứng thú với công việc mà mình đang theo đuổi, giải phóng tinh thần, đổi mới tư duy, phát huy tính sáng tạo và xóa bỏ những lối suy nghĩ giáo điều, giản đơn, xơ cứng, rập khuôn, máy móc, chỉ đi theo lối mòn./.

PGS, TS. DƯƠNG MỘNG HUYỀN* - NHÓM TÁC GIẢ**
* Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương

Nhận xét