Vụ Đồng Tâm: Vị tướng già từng hai lần chỉ huy bộ đội gỡ điểm nóng trong dân nói gì?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 4:

Đây không phải là vụ án hình sự thông thường mà là có dấu hiệu chống phá Nhà nước
Theo dõi diễn biến sự việc ở xã Đồng Tâm suốt thời gian qua, tôi thấy rằng, hơn hai năm vừa qua, chính quyền đã thể hiện sự kiên nhẫn, nhân nhượng rất nhiều lần. Ai sai thì phải giáo dục để sửa, nhưng nếu khi đối tượng vẫn ngoan cố thì phải xử lý theo pháp luật. Vì chính quyền càng nhân nhượng thì kẻ địch đứng đằng sau càng giật dây để nhóm đối tượng càng lấn tới. Nên không thể nhân nhượng nữa mà phải hành động quyết liệt. Đây không chỉ là tội giết người trong vụ án hình sự đơn thuần mà theo tôi còn là tội chống phá chế độ, chống phá Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia và nhân dân. Nhóm đối tượng đã giết hại những cán bộ, chiến sĩ công an đang vì nhân dân phục vụ.
Vụ việc tại xã Đồng Tâm có dấu hiệu cho thấy thế lực thù địch bên ngoài đứng đằng sau để bày mưu kế, bơm tiền, đưa vũ khí cho nhóm chống đối. Đã là mâu thuẫn đối kháng có bàn tay của địch ở đằng sau thì phải kiên quyết trấn áp bằng sức mạnh và mưu lược, chứ không thể theo cách tuyên truyền, thuyết phục thông thường. Vụ này khác hoàn toàn về bản chất so với vụ Đoàn Văn Vươn. Mục đích của thế lực thù địch, của tổ chức khủng bố ở bên ngoài là muốn tạo ra ở xã Đồng Tâm một nhóm phản loạn nhằm chống lại Nhà nước của chúng ta.
Về đất quốc phòng ở Miếu Môn, có người đặt vấn đề: “Tại sao bộ đội không di dời đi, trả lại đất cho dân, vì thiếu gì đất để đóng quân?”. Đây là ý kiến không thể chấp nhận được. Bởi vì, Miếu Môn không chỉ đơn giản là vị trí mà quân đội đến đóng quân, Miếu Môn là một vị trí chiến lược trọng yếu nằm trong kế hoạch phòng thủ lâu dài của quốc gia. Vị trí này đã góp phần bảo đảm cho thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong hiện tại và tương lai, Miếu Môn tiếp tục là vị trí vô cùng trọng yếu. Trong suốt hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước đã giao vị trí đất này cho quân đội để phòng thủ quốc gia, nên quân đội phải làm tốt việc này, không thể di dời đi đâu được và cũng không ai có thể quyết định di dời quân đội khỏi vị trí này. Nhân dân phải được hiểu rõ điều này.
Về cách xử lý tiếp theo, tôi cho rằng, những kẻ đầu sỏ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dùng vũ khí để giết hại các chiến sĩ công an đang thực thi công vụ, chống lại Nhà nước thì phải bị pháp luật trừng trị, không thể tha thứ. Còn đối với nhân dân xã Đồng Tâm thì đại bộ phận đều là tốt, chấp hành chủ trương của Nhà nước. Nên cần khẳng định đây không phải là nhân dân xã Đồng Tâm chống lại chính quyền mà chỉ có một nhóm chống đối. Do đó, chúng ta phải phân loại: Thứ nhất, đối với những kẻ đầu sỏ, hung hãn, càn quấy, giết người dã man thì phải xử lý nghiêm. Thứ hai, những gia đình sử dụng đất quốc phòng sai pháp luật suốt những năm qua nhưng đã chấp nhận di dời thì ta hỗ trợ họ di dời, thực hiện đúng pháp luật. Thứ ba, đối với những người dân không có đất mà tham gia khiếu kiện thì ta nói rõ cho họ biết là họ đã bị địch lừa, họ vừa là tội đồ chống lại Nhà nước, nhưng lại vừa là nạn nhân, ta tạo điều kiện cho họ trở về đội hình của nhân dân. Với những người dân bị lừa này, ta giải thích rõ với họ các vấn đề còn có thắc mắc, giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.
QUANG PHƯƠNG, VIỆT CƯỜNG (ghi)
---------------------------------
Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà, Giám đốc Học viện Tư pháp, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội:
Hành vi của nhóm chống đối có dấu hiệu cấu thành nhiều tội
Theo công bố của các cơ quan chức năng, không ai trong nhóm người chống đối có đất ở, đất canh tác trong diện tích đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm. Hành vi của nhóm người này rõ ràng là trái pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án về 3 tội danh để điều tra, gồm: “Giết người”,
Cùng với đó, nhóm này còn có hành vi liên tục chống đối, kích động chống đối, ngăn cản nhân dân xã Đồng Tâm tới dự các cuộc đối thoại do chính quyền tổ chức, có thể cấu thành các tội phạm khác, như: Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (Điều 163 Bộ luật Hình sự); Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 166 Bộ luật Hình sự); Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167 Bộ luật Hình sự); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật Hình sự).
Qua vụ việc ở Đồng Tâm, mong rằng, khi nhân dân muốn bày tỏ chính kiến, phản biện chính sách, khiếu nại, tố cáo cần tuân thủ, thi hành, sử dụng đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là tuân thủ Điều 7 Luật Tiếp công dân về quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Điều 12 Luật Khiếu nại về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại; Điều 9 Luật Tố cáo về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo.
CHIẾN THẮNG

Nhận xét