Việt Nam chỉ có thể chiến thắng đại dịch Covid-19 khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng

Trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ ngày 24/9/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng, thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội”. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng.

Hình ảnh có thể có: mọi người đang đứng, bầu trời và ngoài trời

Tính đến sáng ngày 26/9, đã 24 ngày liên tiếp Việt Nam không phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng ở nhiều nơi đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nhiều người dân đã bỏ đeo khẩu trang, thôi rửa tay sát khuẩn, không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, giám sát y tế…

Mọi người còn nhớ rõ, sau khi nhanh chóng khống chế thành công đợt bùng phát thứ nhất và suốt 3 tháng không để xảy ra ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, chính sự lơi lỏng, mất cảnh giác ở một số địa phương đã dẫn đến đợt bùng phát thứ hai ở Việt Nam, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 7. Đợt bùng phát ở Đà Nẵng là lời cảnh báo rất nghiêm khắc đối với tất cả mọi người.

Tại nhiều nước trên thế giới, sau khi dịch bệnh có dấu hiệu chững lại, cũng do chủ quan nên dịch bệnh đã quay lại, bùng phát thành làn sóng mới. Tại thời điểm này, mỗi ngày trên thế giới vẫn ghi nhận khoảng 250 ngàn ca mắc mới, khoảng 5 ngàn người tử vong. Số ca tử vong do đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tiến sát con số 1 triệu người. Theo dự báo, dịch Covid vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh tại nhiều nước trong thời gian tới.

Đến hôm nay có thể nói rằng Việt Nam đã khống chế thành công đợt bùng phát thứ hai và đang tiếp tục là một tấm gương để nhiều nước noi theo, nhưng đó mới chỉ là hai trận đánh, hai chiến dịch chứ chưa phải cả cuộc chiến. Việt Nam xác định sẽ phải chung sống an toàn với đại dịch Covid-19 ít nhất cho đến khi thế giới có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “Mỗi một sự cố xảy ra là một bài học và không được để bài học đó thành vô nghĩa nếu để lặp lại”. Nếu để dịch Covid bùng phát trở lại trên diện rộng thêm một lần nữa, không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Việt Nam có thể sẽ mất rất nhiều, trong đó quan trọng nhất là mất đi những cơ hội đang đến. Hình ảnh quốc gia, lòng tin của người dân trong nước cũng như của cộng đồng quốc tế chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện nay Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm chủ yếu: Đối tượng nhập cảnh trái phép, đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống đại dịch Covid-19 đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý, giám sát các đối tượng nhập cảnh trái phép, các đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu mở trở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Việt Nam đang làm hết sức để bài học từ đợt bùng phát thứ hai không trở nên vô nghĩa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch.

Trong quá khứ, không phải không có những lúc chúng ta để vuột mất cơ hội chỉ vì lãng quên những bài học của chính mình. Nhưng lần này Việt Nam nhất định sẽ không quên./.

Đỗ Nam Trung


Nhận xét