Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các đối tượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá. Bản chất, mục đích của chúng không thay đổi nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, vì vậy cần nhận diện để có biện pháp đấu tranh.
Thời gian gần đây, khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đối tượng thù địch, phản động lại tập trung công kích, tuyên truyền chống phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội…
Phủ nhận, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chúng tung ra đủ thứ “lý luận” nhằm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một “học thuyết viển vông, ảo tưởng”, “con đường XHCN mà nhân dân Việt Nam đang đi là trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”; việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin như một cái “thòng lọng ý thức hệ” khiến cho nỗ lực đổi mới chính trị của Đảng không thực hiện được…
Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng còn tăng cường xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh với các thủ đoạn tinh vi, được ẩn sau những luận điệu như đối lập giữa Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Bên cạnh đó, chúng còn đưa ra các luận điệu công kích đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt, cho rằng kinh tế thị trường là kinh tế tư bản chủ nghĩa, không thể có kinh tế thị trường định hướng XHCN, đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là “chắp vá”, “không tưởng”; “kinh tế thị trường và CNXH mâu thuẫn như nước với lửa, không thể dung hòa, không thể nào có định hướng XHCN nếu chấp nhận phát triển kinh tế thị trường…”.
Phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước; duy trì sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là “độc tài”, “độc đoán”, là “bóp nghẹt”, “thủ tiêu” dân chủ, thủ tiêu động lực phát triển đất nước. Từ đó kêu gọi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013, đòi Đảng thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để có “dân chủ” đích thực.
Chúng lặp đi lặp lại các luận điệu cho rằng, trong Đảng có “phe này”, “phái kia”, “phe bảo thủ”, “phe cấp tiến”, phe thân chỗ này, phe thân chỗ kia... Chúng dựng lên những câu chuyện về sức khỏe, bí mật đời tư… của các đồng chí lãnh đạo để xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, uy tín cán bộ, nhất là cán bộ có khả năng là ứng viên cho cấp ủy khóa mới các cấp, những người được quy hoạch, giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Từ đó, gây nhiễu loạn thông tin, gây ra sự hiểu nhầm trong quần chúng nhân dân, làm mất lòng tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tuyên truyền chống phá cương lĩnh của Đảng, dự thảo các văn kiện Đại hội. Chúng soạn thảo thành những tài liệu mạo danh, nặc danh hoặc công khai đề tên tuổi, địa chỉ cụ thể, sau đó tán phát trên Internet, mạng xã hội dưới những hình thức như “Thư ngỏ”, “Thư trao đổi”, “Thư góp ý”, “Kiến nghị”… Nội dung xuyên tạc tình hình đất nước nhằm làm lu mờ những thành quả cách mạng; thổi phồng những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh… của đất nước, rồi quy kết, đổ lỗi nguyên nhân của những hạn chế ấy là do thể chế chính trị, sự yếu kém trong thực hiện vai trò lãnh đạo, từ đó làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Đặc biệt, lợi dụng việc đóng góp ý kiến với các dự thảo văn kiện, chúng còn đưa ra những luận điệu kiểu như: Việt Nam cần “đi tìm chủ thuyết mới” để phát triển vì “Cương lĩnh 2011 trên thực tế đã lỗi thời”; “Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự giác thay đổi Cương lĩnh 2011, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”…
Tuyên truyền xuyên tạc công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng ta.
Trong những năm gần đây, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ do Đảng phát động đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 15/1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Dù công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang đạt được những kết quả rất quan trọng, thế nhưng, các đối tượng thù địch, phản động, những phần tử cơ hội chính trị lại xuyên tạc rằng, “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”, “còn chế độ công hữu, chế độ độc đảng thì không chống được tham nhũng”.
Chúng tự dựng lên danh sách lãnh đạo cấp cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa tới)… như thể mình là người trong cuộc, rồi từ đó thỏa sức phán xét rằng, việc quy hoạch cán bộ của Đảng không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, mà chỉ là phục vụ “lợi ích nhóm”, là bước chuẩn bị cho con em, “vây cánh” tiến thân. Rằng “Đại hội Đảng là hình thức, là một dịp tái cơ cấu cán bộ theo lối phe cánh lợi ích nhóm”.
Chúng cho rằng công tác cán bộ của Đảng là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi đêm”, việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”… Lợi dụng, khoét sâu những bức xúc của nhân dân trước tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… để đưa ra những nhận định, suy diễn chủ quan, phiến diện, một chiều, quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.
Có thể thấy, những luận điệu trên tuy không mới nhưng lại được núp bóng “góp ý”, “kiến nghị” với Đảng, Nhà nước và được tung ra trong thời điểm trước đại hội nên hết sức độc hại, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ, trong nhân dân. Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác, hoặc non kém về nhận thức chính trị có thể lầm tưởng và cho đó là sự góp ý trách nhiệm, tâm huyết, thậm chí bị “dẫn dắt” và tin theo.
Càng gần đến ngày diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đối tượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại càng gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần phải luôn tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, nhận diện đúng và chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vạch trần các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Nhận xét
Đăng nhận xét