Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của ngành CNQP ngày nay) với hai nhiệm vụ: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí. Đồng chí Vũ Anh được giao nhiệm vụ phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân làm Chánh phòng Quân giới. Trong những ngày đầu, Phòng Quân giới gồm các bộ phận: sưu tầm, mua sắm, phân phối vũ khí; lập các bản vẽ kỹ thuật vũ khí; văn phòng.
Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có Chế tạo Quân giới Cục (tức Phòng Quân giới thành Cục Quân giới) do đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân làm Phó Cục trưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển của ngành Quân giới.
Tháng 12/1946, ngành Quân giới gấp rút tổ chức cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn, gồm hàng nghìn chủng loại máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu... từ các thành phố, vùng đồng bằng về nông thôn và lên Chiến khu Việt Bắc để sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho quân và dân ta đánh giặc.
Đầu năm 1947, cơ quan Cục Quân giới bắt đầu được kiện toàn, hình thành các nha trực thuộc đảm nhiệm từng lĩnh vực công tác:
- Nha Nghiên cứu kỹ thuật do đồng chí Cục trưởng Trần Đại Nghĩa kiêm giám đốc, đồng chí Hoàng Đình Phu là Phó giám đốc, có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế thử các vũ khí mới, đồng thời thí nghiệm nhằm phát huy, cải tiến tính năng, tác dụng, nâng cao chất lượng các vũ khí đã đưa vào sản xuất. Nha còn có nhiệm vụ nghiên cứu vật liệu thay thế và trực tiếp quản lý xưởng mẫu.
- Nha Giám đốc các xưởng quân giới do đồng chí Nguyễn Duy Thái làm giám đốc, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng các binh công xưởng theo phương hướng mà Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy đã chỉ ra; đồng thời chỉ đạo sản xuất, cải tiến kỹ thuật ở các xưởng, thiết kế, vẽ kiểu một số loại vũ khí, chủ yếu là vũ khí căn bản, như: mìn, lựu đạn, súng và lựu phóng, súng và đạn súng cối...
- Nha Mậu dịch do đồng chí Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Xuân kiêm giám đốc, đồng chí Nguyễn Quang là Phó giám đốc, có nhiệm vụ mua sắm các loại hóa chất, thuốc nổ, các nguyên vật liệu khác cần thiết cho việc sản xuất vũ khí...
Ngày 2/9/1948, ngành Quân giới tổ chức hội nghị chuyên môn đầu tiên, nhằm thống nhất một bước các mẫu vũ khí, công nghệ chế tạo và một số tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn trong sản xuất vũ khí; đồng thời cũng thống nhất một bước về tổ chức và quản lý sản xuất.
Đầu năm 1949, Phòng Quân giới Nam bộ được thành lập với sự tăng cường nhân lực của Cục Quân giới để quản lý, chỉ đạo ty Quân giới các khu 7, 8, 9. Đây là một mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của Quân giới Nam bộ, góp phần thống nhất về tổ chức sản xuất vũ khí tại chỗ kịp thời phục vụ chiến trường.
Ngày 10/9/1974, thực hiện Nghị quyết số 39/QUTW ngày 5/4/1974 của Quân ủy Trung ương, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 221/CP thành lập Tổng cục Kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, với nhiệm vụ chỉ đạo công tác quản lý, bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự và trực tiếp quản lý các xí nghiệp quốc phòng.
Ngày 3/3/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký Nghị định số 22/HĐBT thành lập Tống cục CNQP và Kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng trên cơ sở hợp nhất và sắp xếp lại cơ quan Tổng cục Kinh tế với cơ quan quản lý các xí nghiệp sản xuất quốc phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất quốc phòng và kinh tế của Quân đội.
Ngày 16/8/1989, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 226/QĐ-QP, công nhận ngày 15/9 hằng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Phòng Quân giới) là ngày truyền thống của Tổng cục CNQP và Kinh tế.
Ngày 20/7/1993, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW (khóa VII), về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2000. Thực hiện Nghị quyết, đến những năm đầu thế kỷ 21, ngành CNQP đã có bước tiến quan trọng trong sản xuất quốc phòng và kinh tế. Các sản phẩm vũ khí trong chương trình vũ khí bộ binh, như: cối 100mm, ĐKZ82, súng máy phòng không 12,7mm, súng đại liên, trọng liên, phóng lựu... trang bị cho sư đoàn bộ binh đã được hoàn thành.
Ngày 24/12/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/1998/QĐ-TTg thành lập và thay đổi một số tổ chức trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó, có nội dung: ‘‘Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế thôi nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về kinh tế, động viên công nghiệp và đổi tên thành Tổng cục Công nghiệp quốc phòng”.
Ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa IX) về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2010 với mục tiêu xây dựng và phát triển CNQP thành bộ phận cấu thành quan trọng của tiềm lực quốc phòng - an ninh quốc gia, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại; có năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến hiện đại hóa các loại VKTBKT với tính năng chiến thuật, kỹ thuật và chất lượng cao. Đồng thời, tạo thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày 26/1/2008, Pháp lệnh CNQP số 02/2008/UBTVQH12 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XII) thông qua và Chủ tịch nước công bố ngày 5/2/2008. Pháp lệnh thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo, định hướng đối với nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển tiềm lực CNQP của đất nước; đặt nền móng cơ bản cho việc hình thành và từng bước đồng bộ hệ thống các văn bản pháp quy, xác định các khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi mặt hoạt động của một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù của quốc gia có nhiệm vụ trực tiếp tham gia bảo đảm VKTBKT cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét