Luật pháp quốc tế và chủ quyền Trường Sa của Việt Nam

Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều nghiên cứu, sách, báo, trong và ngoài nước, nói về Hoàng Sa-Trường Sa và tranh chấp Biển Đông. Nghiên cứu của người viết và của một số tác giả khác cho thấy, dưới góc độ luật pháp quốc tế, chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam vững chắc so với của Trung Quốc. Tuy nhiên, chứng cứ chủ quyền Trường Sa của Việt Nam vẫn cần được tiếp tục củng cố thêm.

Hình ảnh có thể có: đại dương, bầu trời, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Mục đích của bài này là nhằm nghiên cứu sự hành xử chủ quyền ở Trường Sa của những nước liên hệ trong thế kỷ 17-20, và qua đó, củng cố chứng cứ chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa.

1. Bối cảnh:

Trường Sa là quần thể bao gồm hơn 100 đảo, đá và rạn san hô, ở toạ độ 6°12′ ~ 12°00′ vĩ Bắc và 111°30′ ~ 117°20′ kinh Đông (cách Cam Ranh khoảng 250 hải lý về phía Đông Nam), với tổng số diện tích đất chưa đầy 5Km2, trải rộng trong khu vực gần 410.000 km2.

Ngày 14.3.1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt Gạc Ma và một số đá khác ở Trường Sa, khiến 64 chiến sĩ hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Trường Sa hiện thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Đài Loan.

2. Chứng cứ chủ quyền Trường Sa trước năm 1800:
“Phủ biên tạp lục” do Lê Quý Đôn soạn năm 1776 có đoạn sau:

“…Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa, lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần Bắc Hải.

…Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy.

…Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được.”

Tai nạn đắm tàu của Công ty Hà Lan-Đông Ấn năm 1633 đặt thời điểm thành lập đội Hoàng Sa muộn nhất là vào thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1615-1635). Đội Bắc Hải được thành lập sau, hoạt động dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa.

Con số “130” ở câu “ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn” trong “Phủ biên tạp lục” gần sát với tổng số đảo, đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa ngày nay.

3. Chứng cứ chủ quyền Trường Sa sau năm 1800:

“Đại Nam thực lục tiền biên”, “Đại Nam thực lục chính biên”, khởi soạn từ năm 1821, “Đại Nam nhất thống chí”, khởi soạn từ năm 1865, nói về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải từ thời chúa Nguyễn đến thời vua Minh Mạng (1820-1841).

Bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, hoàn thành cuối thời vua Minh Mạng, có hai điểm đáng ghi nhận:
1. “Đại Nam nhất thống toàn đồ” ghi rõ tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong nhóm đảo.

2. Hình dạng và vị trí của Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” tương tự với nhóm đảo Paracel trong bản đồ phương Tây vẽ hàng thế kỷ trước.

Tài liệu cổ Việt Nam nói về hoạt động của đội Hoàng Sa và Bắc Hải trong thế kỷ 17-19, tài liệu cổ phương Tây đề cập đến sự hành xử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa (Paracel) trong cùng giai đoạn.

Không có tài liệu cổ phương Tây đề cập đến sự hành xử chủ quyền của Trung Hoa ở Hoàng Sa hay sự hành xử chủ quyền của một nước nào ở Trường Sa.
Ngày 29/3/1843, thuyền trưởng người Anh Richard Spratly phát hiện đảo Trường Sa và Đá Lát (Ladd Reef). Phát hiện này công bố trên “Tạp chí Hàng hải” (the Nautical Magazine) trong cùng năm. Bộ Hải quân Anh đồng ý đặt tên cho nhóm đảo là Spratly Islands (quần đảo Trường Sa).

Năm 1877, chính quyền Anh ở Borneo chấp thuận đơn xin của hai người Anh và một người Mỹ về việc dựng cờ Anh và khai thác phân chim ở đảo Trường Sa và đảo An Bang (Amboyna Cay). Quyết định này được công bố trên Công báo Anh (Government Gazettes of the Colonies of Hong Kong and the Straits Settlements).

Năm 1884, Hiệp ước Patenôtre cho phép chính quyền Pháp ở Đông Dương đại diện cho Việt Nam trong nhiệm vụbảo vệ chủ quyền và quyền lợi của Việt Nam.
Từ giữa thập niên 1920 đến đầu thập niên 1930, nhiều đoàn khảo sát người Pháp thực hiện nghiên cứu khoa học ở Hoàng Sa-Trường Sa.

Tháng 4 năm 1930: xem Trường Sa là đất vô chủ, Pháp dựng cờ trên đảo Trường Sa. Tháng 9 năm 1930: Pháp chính thức thông báo chủ quyền Trường Sa đến các siêu cường. Tháng 2 năm 1932: Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu Bộ Quốc phòng Pháp chính thức chiếm hữu Trường Sa. Tháng 3 năm 1932: Bộ Quốc phòng thông báo cho Bộ Ngoại giao kế hoạch chiếm hữu đảo tại khu vực không nguy hiểm, có thể tạm thời trú đóng. Tháng 4 năm 1933: Bộ Quốc phòng hoàn thành kế hoạch chiếm hữu ở 6 đảo. Tháng 7 năm 1933: sự chiếm hữu được công bố trên Công báo Pháp (Journal officiel). Tháng 12 năm 1933: thống đốc Nam Kỳ sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

Cách hành xử của Pháp ở Trường Sa theo đúng ba quy định chính trong Công ước Berlin năm 1885: nơi chiếm hữu là đất vô chủ (terra nullius) hay đất bị từ bỏ (terra derelicta), bộ phận chiếm hữu thuộc cơ chế quốc gia, và sự chiếm hữu được thông báo.

Anh công nhận tuyên bố chủ quyền Trường Sa của Pháp. Nhật phản đối nhưng không có hành động cụ thể cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu. Trong khi im lặng trước thông báo chủ quyền Trường Sa của Pháp tháng 9 năm 1930, chính quyền Tưởng Giới Thạch có phản ứng trước hoạt động của Pháp ở Trường Sa năm 1933.

Sau bối rối ban đầu do không rõ vị trí của Trường Sa trên Biển Đông, chính quyền Tưởng cho người vẽ lại bản đồ Trung Hoa bao gồm đảo, đá ở Hoàng Sa và Trường Sa, đặt tên đảo, đá bằng cách dịch từ tên có sẳn trên bản đồ hàng hải phương Tây sang tiếng Hoa. Bản đồ được công bố lần đầu tiên năm 1935, với 28 đảo, đá ở Hoàng Sa, 96 ở Trường Sa, cho tổng số là 124 đảo, đá ở hai quần đảo (gần sát với con số “hơn 130 ngọn” trong “Phủ biên tạp lục”). Công việc này bị gián đoạn khi Nhật xâm chiếm Trung Hoa năm 1937.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, quân đội Tưởng chiếm đóng các đảo phía Đông Hoàng Sa và đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc Trường Sa cuối năm 1946. Pháp phản đối. Chính quyền Tưởng bác bỏ đề nghị của Pháp đưa tranh chấp ra quốc tế giải quyết.

Trong Hội nghị quốc tế ở Cairo năm 1943 và Potsdam năm 1945, Nhật bị bắt buộc phải hoàn trả nhữngvùng đất của Trung Hoa mà Nhật chiếm đóng trong chiến tranh, cụ thể là Formosa, Pescadores, Manchuria. Dù tham dự cả hai hội nghị, Tưởng Giới Thạch không đòi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.

Tháng 10 năm 1950, lễ bàn giao quyền kiểm soát Hoàng Sa giữa Pháp và Việt Nam xảy ra. Tổng trấn Trung phần Việt Nam Phan Văn Giáo chủ trì lễ bàn giao. Không có lễ bàn giao quyền kiểm soát Trường Sa giữa Pháp và Việt Nam vì không có chứng cứ quân đội Pháp hiện diện ở Trường Sa vào thời điểm đấy.

4. Trường Sa và sự hành xử chủ quyền của Anh:

Trước hoạt động của Pháp ở quần đảo Trường Sa năm 1930, do sự hành xử chủ quyền Trường Sa của Anh từ 53 năm trước, đã có trao đổi sôi nổi trong nội bộ chính quyền Anh giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Hải quân, Bộ Thuộc địa, và giữa Bộ Ngoại giao hai nước Anh và Pháp.

Thư của Bộ Hải quân Anh gửi Bộ Ngoại giao Anh ngày 8.5.1930 lập luận Anh cần giữ Trường Sa vì vị trí chiến lược của Trường Sa.

Giác thư ngoại giao (Memorandum) ngày 28.3.1931 của Bộ Ngoại giao Pháp gửi Toà Đại sứ Anh nêu hai điểm quan trọng trong hoạt động của Pháp ở Trường Sa:

1. Chính thức chiếm hữu các đảo, đá trong khu vực nằm giữa vĩ độ 7° đến 12° Bắc và phía tây của khu vực tam giác thuộc chủ quyền của Mỹ theo Điều 3 của Hiệp ước Paris giữa Mỹ và Philippines ngày 10 tháng 12 năm 1898,

2. sáp nhập Trường Sa vào Nam Kỳ.

Thư của Bộ Quốc phòng Pháp gửi Bộ Ngoại giao Pháp ngày 30.3.1932 xác nhận ý định chiếm hữu toàn bộ quần đảo Trường Sa [không giới hạn ở 6 đảo-nv.].

Thư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh gửi Bộ Ngoại giao Anh ngày 29.7.1932 cho biết là trong hơn 50 năm, từ 1877-1930, Anh không hành xử chủ quyền Trường Sa đúng đắn,bao gồm chiếm hữu và sáp nhập,trong thời gian cần thiết, để được Toà án Quốc tế cho phán xét thuận lợi, nếu tranh chấp với Pháp đưa ra giải quyết ở Toà án Quốc tế.

Thư của cố vấn pháp luật Bộ Ngoại giao Anh ngày 25.3.1938 thừa nhận nỗ lực hành xử chủ quyền của Anh ở Trường Sa chấm dứt.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thư của Bộ Ngoại giao Anh trả lời Úc ngày 24.10.1950 có đoạn, “chúng tôi không phản đối quyền sở hữu Trường Sa của Pháp nhưng chúng tôi không muốn quyền sở hữu Trường Sa giao cho Nhật, Philippines, Đài Loan hay Trung Quốc”.

Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Việt Nam. Nhữngnước tham dự hội nghị không phản đối tuyên bố của Việt Nam. Quốc gia Việt Nam, cùng 47 nước khác, bao gồm Pháp, Anh, Nhật, Mỹ, v.v. ký Hiệp ước Hoà bình. Ba nước không ký là Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc. Theo Hiệp ước, Nhật từ bỏ mọi quyền và yêu sách chủ quyền của Nhật ở Hoàng Sa-Trường Sa. 

5. Kết luận:

Nghiên cứu của người viết trong hơn 10 năm nay về Hoàng Sa-Trường Sa và tranh chấp Biển Đông, dưới góc độ luật pháp quốc tế, dẫn đến các kết luận sau:

1. Sự kiện triều đình nhà Nguyễn hay chính quyền Pháp ở Đông Dương không thường xuyên hay tích cực hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong một thời gian không cấu thành yếu tố Hoàng Sa, một phần hay toàn phần, bị Việt Nam từ bỏ chủ quyền.

2. Trong giai đoạn 1954-1976, có hai quốc gia Việt Nam cùng hiện hữu. Cộng đồng thế giới nói chung, Trung Quốc, Liên Xô, và Mỹ nói riêng, công nhận thực tế này. Việt Nam Cộng hoà và Cộng hoà Miền Nam Việt Nam lần lượt hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa cho đến khi Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời.

3. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa.

4. Tài liệu cổ cho thấy bằng chứng chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa không vững chắc như ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý đưa ra trong bài, đặc biệt tài liệu từ kho Lưu trữ Quốc gia Anh, giúp hoàn thiện chủ quyềnTrường Sa của Việt Nam.

5. Trong tranh chấp, khi một nước không hành xử chủ quyền đúng đắn trong thời gian cần thiết, Toà án Quốc tế loại bỏ thuận lợi ban đầu của nước đấy về chủ quyền.

THÁI VĂN CẦU
(Red)


Nhận xét