Lực lượng chi viện cho "mặt trận Đà Nẵng - Miền Trung" có hai cánh quân. Cánh quân đầu tiên xuất phát từ Chợ Rẫy - TP. HCM, nơi đây từng điều trị cho những bệnh nhân nhiễm đại dịch đầu tiên tại Việt Nam, cũng là một trong những bệnh viện đầu tiên trên thế giới đưa ra phác đồ điều trị đại dịch Coronavirus trên tạp chí y khoa nổi tiếng nhất thế giới The New England Journal of Medicine (NEJM). Cánh quân thứ hai khởi điểm từ Bạch Mai - TP. Hà Nội, cũng là một địa điểm từng trải qua "cách ly", từng là một "điểm nóng" chống dịch, và dĩ nhiên, cũng đã chiến thắng.
Và cũng tại Chợ Rẫy và Bạch Mai có những y bác sĩ đã tham gia hội chẩn quốc gia nhằm điều trị bệnh nhân phi công người nước ngoài - hay còn gọi là bệnh nhân số 91.
Bệnh viện Trung ương Huế cũng đang tích cực chuẩn bị trở thành một "mặt trận" khác. Nơi này dự kiến sẽ trở thành một "trận địa" chữa trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng nặng, đặc biệt là những người có nhiều bệnh nền, phải chạy thận nhân tạo. Huế cũng đã sẵn sàng chia lửa cùng với Đà Nẵng.
Và một lần nữa, hệ thống hội chẩn quốc gia bao gồm các y bác sĩ giàu chuyên môn tại các bệnh viện lớn lại được "lên sóng" nhằm "tìm sự sống" cho hai bệnh nhân mang số 416 và 418. Việc này đập tan những luận điệu của những người "thọc gậy bánh xe", họ cho rằng hệ thống y tế Việt Nam "chỉ quan tâm đến bệnh nhân nước ngoài" mà "bỏ mặc bệnh nhân trong nước".
Đó, chỉ là một vài ví dụ về những con người "ba mươi điểm", những con người ở trong nhóm đối tượng từng bị hotgirl "trứng rán cần mỡ" chê bai bóng gió rằng" “thà học ngu mà làm ra tiền còn hơn thi 30 điểm không kiếm được đồng nào". Hay như một hotgirl khác cũng thẳng thắn bày tỏ: “Học ngu mà kiếm nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền. Xã hội bây giờ chỉ cần tiền thôi các bạn hiểu hông?”. Rất nhiều người tung hô các quan điểm này, đả kích những ngành nghề "ba mươi điểm" khác, trong đó có ngành Y, thậm chí họ còn chê bai và cho rằng những giáo sư, tiến sĩ ngành Y là "giáo sư, tiến sĩ giấy".
Tiền bạc là một yếu tố rất quan trọng nhưng nó chưa bao giờ là một thước đo để đánh giá một con người. Kinh tế chưa bao giờ được coi như là một thước đo hoàn chỉnh hay duy nhất cho sức mạnh của một quốc gia. Xã hội đúng là rất cần tiền, nhưng không phải chỉ cần tiền. Xã hội cần những con người biết cống hiến, biết hi sinh, biết nỗ lực, chứ không cần những con người chỉ biết sống nhờ đồng tiền, coi đồng tiền là trên hết và coi thường những con người khác.
Trong những giờ phút đại dịch, những con người "ba mươi điểm" đó đang trở thành niềm hy vọng của cả quốc gia. Trong số họ, có rất nhiều người đã nhiều ngày tháng qua không ngơi nghỉ, có nhiều người trực chiến tham gia nhiều giai đoạn đại dịch khác nhau ở Việt Nam. Lợi ích của "ba mươi điểm" không dừng lại chỉ ở vật chất, tiền bạc hay những lợi ích kinh tế thường, đó là bình yên của xã hội, là mạng sống của người dân.
Học giỏi để làm gì? Ba mươi điểm để làm gì?
Ở một giai đoạn nào đó, tiền tài và vật chất không phải là thứ được dùng để làm thước đo đánh giá một con người. Đại dịch đã phơi bày ra rằng xã hội này cần những con người vĩ đại, có tri thức, có lương tâm, chứ không phải chỉ cần tiền. Và những con người đó, tiền tài, danh vọng, lòng biết ơn, sự tin tưởng sẽ tự tìm đến với họ.
Lắm người cứ hùa theo những hotgirl trên mạng, cứ bảo rằng họ nói đúng quá, xã hội này chỉ cần đến tiền, rồi họ cho rằng những người "cầm giấy khen" sẽ làm culi cho những người "không cầm giấy khen". Ở một vài trường hợp thiểu số, điều đó có thể đúng. Nhưng cái cách xã hội vận hành, phát triển, duy trì, đều cần những con người tinh hoa và có trí tuệ.
Ngành Y vốn là một ngành rất đặc thù. Họ - những người "sống" trong ngành Y khá là thường xuyên bị người đời châm chọc, cho rằng họ ăn tiền bệnh nhân. Nhiều y bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh đập, dọa nạt, nhiều người sẵn sàng "chỉ đạo" các y bác sĩ là phải làm thế này, thế kia. Dĩ nhiên, không có bất cứ một lĩnh vực nào chỉ toàn những người con người hoàn hảo, nhưng ngành Y Việt Nam - xứng đáng là để chúng ta tự hào, tin tưởng. Chứ không phải là tung hô những dòng nhảm nhí kiểu như: "Ngu cũng được, có tiền là được".
Mình rất thích cuốn The Power of Habit của Charles Duhigg - một phóng viên của New York Times. Đại ý của cuốn sách này nói về những thói quen tốt, lợi ích của chúng với cá nhân và xã hội. Sau mỗi thói quen tốt, thường sẽ có một phần thưởng và phần thưởng đó sẽ kích thích các thói quen khác, mở ra những động lực tốt trong cuộc sống và ghi nhớ lại cho tương lai.
Những con người "ba mươi điểm" đang mang theo sứ mệnh quốc gia. Họ đại diện cho hàng triệu trái tim Việt Nam hướng về Đà Nẵng, cũng như cả nước đã hướng về Bạch Mai, Chợ Rẫy hay Sơn Lôi, là lương tâm của ngành Y, là trách nhiệm cứu chữa bệnh nhân, là tuyến đầu chống đại dịch, là "tấm khiên phòng vệ" của các nước, góp phần đưa Việt Nam trở lại giai đoạn "bình thường mới" tiếp theo. Những gì họ đã, đang và sẽ làm, cũng như trong The Power of Habit đã đề cập, sẽ để lại rất nhiều động lực tốt cho những việc làm tốt khác của những người khác nữa. Và chúng ta có thể tin tưởng vào một tương lai tốt lành hơn của Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét