PHÓ THỦ TƯỚNG TRẺ NHẤT VIỆT NAM VÀ ANH HÙNG CHỐNG GIẶC THỜI BÌNH VŨ ĐỨC ĐAM

Nhắc tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam người ta liên tưởng đến ngay một vị lãnh đạo có đôi mắt sáng, trẻ trung, cởi mở pha chút hóm hỉnh. Đặc biệt, khi tiếp xúc với ông rất nhiều người đều cảm nhận được sự thân thiện, chất phát đến lạ kỳ. Có lẽ do bước ra từ làng quê nên đã hun đúc nên một vị chính khách gần gũi đến như vậy.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo tỉnh Hải Dương. Giống như nhiều gia đình khác thời đó, lẽ ra ông không có điều kiện học cao và phải cùng gia đình làm ruộng. Nhưng có thể gọi là may mắn bởi cha mẹ ông tuy là nông dân nhưng lại coi việc học của các con là quan trọng nhất nên đã tần tảo nuôi anh chị em ông ăn học. Sự hy sinh ấy cao cả đến mức, khi cha ông mất cũng không cho người nhà báo tin để ông yên tâm học bên Bỉ. Chính nền tảng gia đình như vậy, đã gây dựng nên một vị Phó thủ tướng trẻ nhất Việt Nam nhưng vẫn không ngừng học hỏi và luôn cổ vũ tạo điều kiện cho mọi người xung quanh học tập, nâng cao trình độ. Đặc biệt, sự học của ông không chỉ gói gọn trong trường lớp mà còn qua thực tế, qua những người xung quanh. Ít ai biết rằng, khi đã làm Vụ trưởng trẻ nhất ở văn phòng chính phủ (VPCP) ở cái tuổi mới hơn 30 nhưng thi thoảng ông vẫn làm nhân viên phục vụ cho một khách sạn lớn ở Hà Nội để nâng cao vốn tiếng Anh của mình. Thế nên, trong những lần hội kiến với khách nước ngoài nếu tinh ý người dân sẽ nhận ra, ông rất hiếm đeo tai nghe phiên dịch. Cho đến nay, không phải cán bộ trẻ nào cũng hội đủ kiến thức về kinh tế, khoa học kĩ thuật và ngoại ngữ như ông thời bấy giờ.

Nhắc đến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì không thể không kể đến giai thoại khi còn là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, ông đã được xướng tên trong lễ trao giải thưởng Sao Khuê về công nghệ thông tin. Trái ngọt đó có được không chỉ nhờ những đóng góp tích cực của ông cho sự phát triển Internet tại Việt Nam, cho người có sáng kiến đón dòng đầu tư của Intel, Foxcom, Microsoft về với Việt Nam mà cho cả người có công đưa công nghệ thông tin “đơm hoa” trong hệ thống chính trị – hành chính, vốn lâu nay vẫn được biết đến như là thành trì bảo thủ của giấy tờ, thủ tục nhiêu khê. Với trình độ chuyên môn thuần thục cộng với tư tưởng đổi mới, khi còn công tác ở Quảng Ninh, ông đã xây dựng hình ảnh về một “lãnh đạo không bàn giấy”. Và dưới sự chỉ đạo của ông, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức họp trực tuyến đến tất cả các huyện, xã và mọi việc điều hành quản lý công việc phần lớn cũng đã được thực hiện bằng công nghệ thông tin. Năm 2010 khi “chính phủ điện tử” vẫn là thứ mơ hồ ở Việt Nam thì Quảng Ninh đã xây dựng được mạng nội bộ với 100% máy tính kết nối Internet. Điều này đã giúp rút ngắn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho ngân sách nhà nước và cả người dân. Hồ sơ của giải thưởng Sao Khuê ghi nhận trong giai đoạn đó, ông Vũ Đức Đam đã “chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện và thiết thực nhất”. Chính những ứng dụng công nghệ đã giúp ông có nhiều thời gian hơn để chỉ đạo, đưa ra những quyết sách cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh. Và những trải nghiệm từ quá trình làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng là một điểm nhấn quan trọng trên hành trình thăng tiến của ông.

Một điều thú vị khi nhắc đến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đó là sự yêu mến đặc biệt của giới báo chí dành cho ông. Điều này được thể hiện nhiều hơn khi ông công tác ở Văn phòng Chính phủ. Liên tục trong hai năm, các cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đều đã được ông điều hành khá “trơn tru”, trả lời chừng mực, đầy đủ và ngắn gọn nhất những câu hỏi của phóng viên. Và có lẽ, trong các vị bộ trưởng cùng thời đương chức thì ông là người bị báo giới hỏi xoáy nhiều nhất. Nhưng điều khiến phóng viên phục vị nhất là sau khi nhận các câu hỏi và thông tin của nhà báo không chỉ có trả lời mà ông còn hành động để khắc phục giải quyết tình hình. Như hồi Đề án 322 hết kinh phí khiến nhiều ứng viên chậm du học khi nhận được phản ánh của Chất lượng Việt Nam, ông đã nhanh chóng trình Thủ tướng cấp thêm kinh phí để cho tài năng của đất nước được ra nước ngoài học tập. Hay về vấn đề sữa cho trẻ em bị ngụy trang thành thực phẩm chức năng và đội giá cao, ngay sau khi đi công tác về ông đã truyền ý kiến chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ y tế phải ban hành danh mục sữa trước ngày 05/10…

Không chỉ khiến giới phóng viên nể phục mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội phải gật đồng tán thành về những câu trả lời trơn tru, rành mạch, rõ ràng đầy thuyết phục trên nghị trường. Như đối với câu hỏi đầy chất vấn “Việt Nam không có triết lý giáo dục”, người trẻ nhất nội các trả lời rằng nếu lên google gõ thì ra 1triệu 3 kết quả tìm kiếm về triết lý giáo dục Việt Nam tuy nhiên nó không có những câu trích dẫn kinh điển. Mặc dù vậy, nhưng nó vẫn nằm ở trong việc xây dựng đất nước, ở trong việc xây dựng con người mà ộng cha ta đã truyền lại từ xưa và chính trong đề án phê duyệt sách giáo khoa mới cũng có cập nhật điều đó. Hay câu hỏi, “làm thế nào để bài trừ nạn mê tín dị đoan” thì Phó thủ tướng trả lời rành mạch rằng nguyên nhân xuất phát là do sự thiếu hiểu biết theo sự phát triển của thời đại, chính vì vậy cần nâng cao dân trí và trọng trách này phải do những nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu lịch sử đảm nhận…

Với những kết quả đã nhìn thấy được, có lẽ chúng ta đã phần nào hiểu được nguyên nhân vì sao ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó thủ tướng ở tuổi 50, một “kỷ lục” mới về độ tuổi của chính khách hiện nay. Có người nói “thời thế tạo anh hùng” và rằng sinh ra hay ngồi vào vị trí ấy vào cái thời điểm nó thế thì tự khắc nó thế… Chẳng phải! Phải có bột mới gột nên hồ. Nếu như ông Vũ Đức Đam không chịu khó học tập thì làm sao một cậu bé chỉ tốt nghiệp trường làng lại được nhà nước cử sang Bỉ du học. Nếu như ông không tận dụng 6 năm bên nước bạn để không ngừng nâng cao chuyên môn về ngành bưu chính viễn thông cũng như trau dồi vốn ngoại ngữ của mình thì làm sao được trọng dụng. Nếu như ông chỉ biết mỗi công nghệ mà không trang bị cho mình những kiến thức về kinh tế, xã hội và ghi dấu ấn đậm nét của mỗi vị trí công tác thì làm sao liên tục được thăng tiến, chuyển qua nhiều vị trí. Nên nhớ rằng, thời điểm ông sang Bỉ học cùng với 40 người, thế nhưng chỉ có một vị Phó thủ tướng – Vũ Đức Đam trẻ tuổi nhất ngày hôm nay.

Với lối làm việc chỉnh chu nhưng không cứng nhắc, lắng nghe và giải đáp, hiểu biết nhưng không ngừng học hỏi, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã gầy dựng thêm được uy tín và sự tin tưởng trong mắt lãnh đạo. Có lẽ chính vì thế mà ngày 22/11/2019, Bộ Chính trị đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm thêm chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Khi tiếp nhận thông tin này, dư luận cũng có ít nhiều xôn xao bởi đây là lần đầu tiên người tiếp quản Bộ Y tế lại chẳng phải xuất thân từ ngành y. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 là phép thử rõ nét cho điều ấy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách Bộ Y tế được 245 ngày thì quá ¾ thời gian ông phải đứng đầu chỉ đạo, lăn xả trong cuộc chiến chống dịch bệnh này trên cương vị Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Theo Phó thủ tướng, Việt Nam đã làm sớm hơn và cao hơn một bước, như khi WHO đưa ra mức “lây nhiễm hạn chế” thì ta đưa ra mức “lây nhiễm”. Ban đầu cũng có người nghi ngờ, tranh luận lại, nhưng các giải pháp đưa ra đến nay đã chứng minh rất đúng, rất sớm, hiệu quả cao nhất vì chi phí tổng chống dịch là thấp. Để ngày hôm nay kết quả như mọi người đã thấy, khi thế giới hơn 11 triệu ca nhiễm bệnh, hơn nửa triệu người tử vong thì Việt Nam hơn 4 tháng qua không có một ca lây nhiễm cộng đồng và tử vong nào. Không cần nói nhiều những lời hoa mỹ về chiến công của Phó Thủ tướng trong cương vị này bởi kết quả đã chứng minh mọi thứ. Và chính người dân đã gọi ông là anh hùng chống giặc thời bình.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” trong những ngày tháng đương đầu với dịch Covid cuối cùng đã tìm thấy một người có thể thay ông quản lý Bộ Y tế đó là Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ngày hôm nay đôi vai ông đã nhẹ bớt, nhưng những chiến công của ông trong cuộc chiến này còn vang danh mãi. Đáng qúy hơn cả, khi người ta xướng tên ông thì vị Phó Thủ tướng vẫn khiêm nhường cảm ơn sự chung tay góp sức của cả nước để chiến thắng đại dịch này. “Tất cả cuộc sống người Việt Nam ta hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước, có được thành công là sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cả hệ thống, có lực lượng thầy thuốc, công an nhân dân, có nhân dân Việt Nam” – Phó thủ tướng chia sẻ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam quan niệm trong mỗi con người, bên dưới những toan lo cuộc sống, tận nơi sâu thẳm đều có một khát khao rất đỗi sáng trong là được cống hiến cho cộng đồng, cho quê hương, cho tổ quốc… Ông cũng từng chia sẻ rằng mỗi người đều có giá trị của mình. Giá trị đó không đơn thuần đo đếm hay tỉ lệ với sự nổi tiếng, tài sản hay địa vị. Và ngày hôm nay, mọi người đã được chứng kiến giá tri của một vị chính khách được xây dựng bằng tượng đài trong lòng người dân.

BBT Cánh Cò

Nhận xét