Bữa cơm đêm hôm ấy, chúng tôi cùng ăn chung. Bác Hồ bảo không nên dùng nghi lễ, hãy để tất cả các đĩa thức ăn trên bàn không cần phải đưa từng đĩa một. Bác nói: “Cái gì tôi thích thì tôi lấy, cái gì anh thích thì anh lấy, như ở nhà mình”.
Bác Tukimin có nhiệm vụ xem xét, phục vụ lúc ăn uống cũng được Người kéo vào và bảo ngồi cùng ăn.
Ăn xong, đột nhiên Bác Hồ yêu cầu tôi đưa Người đi dạo phố mà không cần bảo vệ. Tôi được bỏ quân phục và tất cả phù hiệu.
Tất nhiên là tôi ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao người lại tin cậy chúng tôi, những người mà Người chưa hề quen biết đến như thế?
Chúng tôi đưa Bác Hồ đi xem những cái tốt đẹp của thành phố Giacácta, và chúng tôi cũng không thấy thẹn khi đưa Người đi xem những cái chưa tốt, vì tôi nghĩ phải chăng Người là một nhà cách mạng, một chiến sĩ, tất biết rõ việc xây dựng phải khó khăn biết bao nhiêu, tất biết rõ nhân dân và yêu cầu của nhân dân.
Lúc nhìn sông Gilirung, tôi xấu hổ khi thấy nhân dân tắm ở đấy, và giặt quần áo cũng ở đấy. Trong thâm tâm tôi chỉ muốn cho vị khách quý xem những cái tốt đẹp, nhưng lại gặp những sự thật đắng cay.
Hình như Người đoán được điều tôi đang suy nghĩ, Người liền nói: “Thay đổi tình hình và xây dựng quả không thực hiện được trong thời gian ngắn, không thể thay đổi tình hình trong một đêm như làm ảo thuật. Cần phải có tính nhẫn nại cách mạng. Miễn là chúng ta không quên rằng cách mạng không chỉ để giành độc lập chính trị mà còn phải nhằm mục đích và phải thu kết quả cho đời sống nhân dân. Nhân dân phải được ăn nhiều hơn, mặc đẹp hơn, sống hạnh phúc hơn. Nếu không, thì cách mạng không có ích gì”.
Đêm hôm ấy, một đêm đầy sao, tôi nói chuyện với vị lão thành ấy về chiến tranh du kích, về sự dã man của quân thù, quyết tâm và hy sinh của nhân dân, hoài bảo và lý tưởng chung của chúng tôi.
Đêm hôm ấy, ranh giới hai hàng rào ngăn cách đều bị xóa hết đối với tôi. Tôi không còn cảm thấy Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người Việt Nam nữa, mà chỉ như một chiến sĩ giản dị có thể xem như một người Cha, một người chỉ huy và một người bạn, không còn là một người nước ngoài nữa.
Quả là những lý tưởng có thể đạt tới một xã hội công bằng và phồn vinh có thể thắt chặt lòng người này với người khác. Chủng tộc hay dân tộc không quan trọng, điều quan trọng là những lý tưởng. Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao trong những ngày sau đó, Bung Các nô và Bác Hồ lại có mối quan hệ với nhau chặt chẽ, thoải mái và thân thiết đến thế.
Đêm chia tay ở Mê Đăng, tôi và bạn tôi được gọi lại, Người nói: “Tôi cảm ơn tất cả các bạn, vì nhờ tất cả các bạn mà cuộc đi thăm của tôi thành công. Tôi thực sự cảm thấy như giữa anh em trong nhà; mong rằng cuộc đấu tranh của các bạn thành công. Để làm kỷ niệm, tôi tặng các bạn những vật này: một tấm hình và huy hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ, không phải mọi người đều được huy hiệu này, mà chỉ những người thực sự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mới có”.
Tôi đáp lại với Người rằng bảo vệ và phục vụ Người đối với chúng tôi là một vinh dự, tôi đã học được nhiều. Tôi đã học được rằng: người ta phải làm, phải nghĩ và phải sống như thế nào để được xứng đáng là người lãnh đạo. Những điều tôi thu nhập được là rất quý báu.
Tôi là vệ sĩ của Bác Hồ, nhưng ngược lại chắc rằng Bác Hồ là người che chở tôi, nếu như có xảy ra chuyện gì.
Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Nhận xét
Đăng nhận xét