Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lực lượng vũ trang

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an. Nhận diện rõ các thủ đoạn trong âm mưu của các thế lực thù địch sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, cần khẳng định, việc Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang, quân đội, công an tuyệt đối, trực tiếp và về mọi mặt là một nguyên tắc được thiết lập ngay từ khi các lực lượng này ra đời. Việc lãnh đạo đó bảo đảm xây dựng lực lượng vũ trang mà nòng cốt là quân đội và công an được thống nhất, tập trung, đoàn kết, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sẵn sàng cơ động, chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong hình ảnh có thể có: 8 người, ngoài trời
Việc Đảng xác lập vai trò lãnh đạo lực lượng vũ trang, quân đội, công an nói riêng và toàn xã hội nói chung không chỉ được chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trên phương diện lý luận mà cả trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thực tế cho thấy, những thắng lợi của lực lượng vũ trang, quân đội và công an trong lịch sử cũng như ở giai đoạn hiện nay đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là có sự lãnh đạo của Đảng.
Thế nên, không có gì lạ khi chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động điên cuồng dùng chiến lược “diễn biến hòa bình”, tìm mọi thủ đoạn để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm và xuyên suốt của chúng là lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo các cấp độ từ chia rẽ, dẫn đến suy yếu và tiến tới làm mất vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội; phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, quân đội và công an thông qua việc khoét sâu mâu thuẫn nội bộ để lực lượng này yếu đi và dễ bề xoay chuyển tình thế. Thực hiện mục tiêu này, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, các thế lực thù địch, phản động có các chiêu bài, thủ đoạn khác nhau, trong đó việc tuyên truyền, kêu gọi đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an được xem là trọng tâm, là mục tiêu trọng yếu, xuyên suốt.
Trước đây, các thế lực phản động trong và ngoài nước thường câu kết và đẩy mạnh tuyên truyền, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang, quân đội và công an thông qua việc cổ súy thành lập “lực lượng vũ trang phi giai cấp”, “quân đội chuyên nghiệp, công an nhà nghề” thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Lợi dụng mở rộng dân chủ, chúng tạo dư luận, yêu cầu quân đội không được làm kinh tế; đưa ra yêu sách không thực hiện "lực lượng vũ trang toàn dân", “trả quân đội, công an về cho Nhà nước”.
Chúng lý luận rằng, sự can dự vào chính trị sẽ phá hoại tính chuyên nghiệp của quân đội, công an; rồi trong thời bình, trong xu thế hợp tác song phương, đa phương mạnh mẽ, lực lượng vũ trang, quân đội, công an không cần xác định “đối tượng tác chiến”. Thông qua hoạt động ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương, các gói viện trợ, các định chế quốc tế… để tác động, hướng lái chính sách, pháp luật về an ninh, quốc phòng; đòi chúng ta phải thay đổi mô hình tổ chức của lực lượng công an, quân đội theo “tiêu chí quốc tế”, thực chất là phục vụ cho mục tiêu “phi chính trị hóa” công an, quân đội. Ngoài những nội dung trên thì việc tuyên truyền phủ nhận truyền thống, thành quả cách mạng của lực lượng vũ trang, quân đội, công an, bôi nhọ uy tín, phẩm giá của các tướng lĩnh... được chúng tiến hành thường xuyên với cường độ, quy mô và mức độ rất khác nhau.
Ở giai đoạn hiện nay, chúng tập trung mạnh vào các vụ việc cán bộ cao cấp trong quân đội, công an vi phạm khuyết điểm, bị pháp luật xử lý theo chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta để tuyên truyền. Đây là âm mưu cực kỳ thâm độc, rất dễ làm mất niềm tin, khiến nghi kỵ lẫn nhau và phá vỡ khối đoàn kết nội bộ. Chủ ý của chúng rất rõ ràng khi không đề cập những hình ảnh, việc làm tốt đẹp của lực lượng vũ trang, quân đội, công an trong thời bình mà lại cho rằng, những người chưa bị xử lý kỷ luật, những “quan cách mạng” trong lực lượng vũ trang, quân đội, công an còn rất nhiều. Chúng vu cáo, các “quan cách mạng” đã lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để câu kết, nâng đỡ các dự án, chiếm đất, chiếm tài sản, vơ vét tiền của Nhà nước và sống trên mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Gần đây, lợi dụng internet và thành tựu của công nghệ thông tin, bọn phản động và các thế lực thù địch đã triệt để tận dụng các mâu thuẫn trong quá trình thực thi công vụ của công an, quân đội để xuyên tạc, bóp méo sự việc, vu khống quân đội, công an đàn áp nhân dân. Ví dụ, trước thực trạng cướp giật ở TP Hồ Chí Minh và việc các nhóm hiệp sĩ tham gia bắt cướp, chúng cho rằng, Công an Việt Nam thờ ơ, vô cảm, không làm tròn nhiệm vụ, chức trách... cần tẩy chay. Nhân việc này, chúng đã đẩy mạnh tuyên truyền, hình thành phong trào dân chủ, nhằm gây sức ép, buộc Đảng phải thực hiện “phi chính trị hóa” công an, quân đội.
Sau vụ Nguyễn Hữu Hiếu và Trần Nam, từng là cán bộ và nhân viên trong đơn vị quân đội tuyên bố ra khỏi Đảng trên mạng xã hội, ngay lập tức các thế lực phản động đã khai thác triệt để và cho rằng, ở Việt Nam, phong trào “lãn Đảng, thoái Đảng” ở các lứa tuổi đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là giới trẻ. Chúng dựng lên những cuộc phỏng vấn phát thanh, truyền hình, phóng sự với lời lẽ sục sôi để tác động vào tâm tư tình cảm, ý chí người tiếp nhận thông tin. Chúng dùng các mỹ từ thể hiện sự tôn trọng, coi những đối tượng phát tán tài liệu, chống phá chính quyền bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý pháp luật như những anh hùng đấu tranh cho dân chủ. Mục đích là kêu gọi sự ủng hộ, tập hợp lực lượng, tiến tới thành lập lực lượng đối trọng để có cơ hội “hợp thức hóa” sự ủng hộ và hành động can thiệp từ bên ngoài.
Có thể nói, những thủ đoạn tuyên truyền này của chúng nhằm khiến nhiều người trong xã hội dễ lầm tưởng, từ đó thay đổi niềm tin, nói, viết và làm không đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và sẽ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những thông tin xấu độc sẽ ngấm dần, khiến cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành nói chung, lực lượng vũ trang, quân đội và công an nói riêng phải suy nghĩ, so sánh, đối chứng. Tuy không bộc lộ hậu quả ngay, nhưng nó là dấu ấn, vết hằn ăn sâu trong tiềm thức, sẽ phát ra khi có cơ hội và điều kiện thuận lợi.
Âm mưu đòi “phi chính trị hóa”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với lực lượng vũ trang, quân đội và công an đã có từ lâu, không phải là mới. Thế nhưng, để thực hiện âm mưu này, các thế lực thù địch, phản động thường linh hoạt tận dụng những sai sót, những kẽ hở của lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ, qua đó khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, gây ra hiểu lầm, nghi ngờ lẫn nhau.
Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì vấn đề mấu chốt là mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là trong lực lượng vũ trang, quân đội, công an cần phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, tự rèn luyện bản lĩnh, ý chí, niềm tin cách mạng; cảnh giác, thận trọng trong lời nói, hành động, nhất là khi tiếp xúc với nhân dân, trong thực thi công vụ; tuyệt đối không để kẻ địch lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên.
Nguồn: Rồng Vàng

Nhận xét