Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trong đó có phòng, chống và ngăn chặn “lợi ích nhóm” đã được đẩy mạnh. Từ Trung ương đến địa phương, việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã đạt được những kết quả tích cực.
1. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương về tác động và hệ lụy của “lợi ích nhóm” đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng người, từng cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội…
Tiếp tục gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với Chỉ thị 05, với Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và các Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW về vấn đề nêu gương, để phòng và chống các biểu hiện suy thoái với cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu rõ ràng, rành mạch, đúng quy định của Đảng và “kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ tâm – tầm – tài; trong đó, chú trọng từ khâu tuyển chọn, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật cán bộ công khai, minh bạch để khắc phục triệt để “lợi ích nhóm” và vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ cần thực hiện đúng và tốt về thẩm quyền, chức năng tham mưu trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; thực hiện nghiêm túc quy chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ và kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, “lợi ích nhóm” để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26- NQTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
3. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; tăng cường công tác quản lý, giám sát và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi mặt công tác, gương mẫu giữa “nói đi đôi với làm” để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thông qua việc tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện tốt học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.
4. Phát huy vai trò thông tin, định hướng của các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và nhân dân trong thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát; đồng thời, mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp, coi đó là cơ sở để nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị./
Nhận xét
Đăng nhận xét