NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Internet, mạng xã hội với đặc điểm nổi bật là tốc độ kết nối nhanh, đưa thông tin xa nhất, rộng nhất, trong thời gian ngắn nhất (đưa thông tin gần như cùng lúc với sự kiện, sự việc xảy ra); đồng thời, là trang thông tin mở, độ “phủ sóng” gần như hoàn hảo, tích hợp nhiều công năng của các thể loại truyền thông khác nhau, phạm vi chia sẻ rộng, nguồn tin phong phú, đa dạng, hiệu quả tác động lớn, lại tích hợp nhiều công cụ vui chơi, giải trí hấp dẫn. Vì thế, internet, mạng xã hội đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người, tác động trực tiếp và có thể làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, tác động đến mọi người dân cũng như sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ để các đối tượng phản động phát tán nhiều tin, bài sai sự thật.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Việt Nam có hơn 64 triệu người sử dụng internet, chiếm gần 70% dân số cả nước, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 Châu Á; có 70 triệu người dùng zalo, 59 triệu người dùng facebook, đứng thứ 7 trong Top 10 quốc gia sử dụng facebook nhiều nhất và là một trong 10 nước có số người dùng youtube cao nhất thế giới; trong đó, sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên là lực lượng đông đảo, thường xuyên nhất, với khoảng trên 80% vào mạng mỗi ngày.
Kể từ khi thống nhất đã qua hơn 4 thập kỷ, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh chúng ta đã khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, an ninh… Song, chúng ta cũng liên tục phải "căng mình" chống lại các thế lực thù địch nhắm đẩy lùi những tác động, phá hoại nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bằng hình thức tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng ta, các thế lực thù địch sử dụng các phương thức, thủ đoạn như viết, tán phát tài liệu; trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài, sử dụng các diễn đàn công khai, các trang mạng xã hội trên internet để đăng tải, rải truyền đơn, khẩu hiệu phản động. Gần đây, chúng đã có sự “cải tiến”, ngày càng “chuyên nghiệp hóa” về phương thức tuyên truyền. Chúng câu kết chặt chẽ giữa lực lượng bên trong với bên ngoài tổ chức thành “chiến dịch lớn” tập trung tuyên truyền chống phá Đại hội Đảng. Chúng sử dụng các mạng xã hội được nhiều người theo dõi như: Facebook, zalo, youtube, v.v… thành các phương tiện truyền thông để mở rộng diện tán phát (điển hình là “Tạp chí Dân trí”, “Nhà xuất bản Dân khí”). Đặc biệt, các thế lực thù địch đã tận dụng các tính năng của mạng xã hội như: Facebook, live, livestream hay lập thêm hàng chục kênh Youtube để khai thác triệt để khả năng tương tác, lan truyền trên mạng xã hội. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, sử dụng mạng xã hội; trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài; lập các diễn đàn mở trên mạng Internet; soạn thảo đơn, thư kiến nghị kêu gọi ký tên tập thể để gửi tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế nhằm gây sức ép đối với Việt Nam về dân chủ, nhân quyền… Đây là những phương thức thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, chúng ta cần chủ động nhận diện để đấu tranh ngăn chặn.
Bên cạnh việc sử dụng các mạng xã hội trên internet, các thế lực thù địch đã kích động tụ tập biểu tình gây rối an ninh, trật tự tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Năm 2016, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách liên kết với số linh mục cực đoan thổi phồng “vấn đề Formosa” để kích động giáo dân tuần hành, cầu nguyện, kéo về Hà Tĩnh đòi kiện công ty Formosa, lồng ghép mục đích chống chính quyền, kích động tư tưởng phản kháng, chống đối chế độ. Nghiêm trọng hơn, chúng còn kích động một bộ phận giáo dân có các hành động quá khích như: Bao vây trụ sở chính quyền, tụ tập gây tắc nghẽn giao thông, gây ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội và an ninh, trật tự tại địa bàn.
Chúng củng cố, phát triển lực lượng, thành lập các tổ chức phản động núp dưới danh nghĩa “xã hội dân sự”, phát triển cả về số lượng và kỹ năng chống phá, tìm cách công khai hóa các hội nhóm chống đối ở trong nước. Các đối tượng đã tổ chức hàng trăm cuộc “họp” định kỳ hàng tuần, thống nhất đường hướng hoạt động; hàng chục khóa huấn luyện trực tuyến cho trên 120 đối tượng về “truyền thông, bảo mật, pháp luật, xã hội dân sự”. Do công tác đấu tranh, ngăn chặn quyết liệt của cơ quan chức năng, các đối tượng đã có sự điều chỉnh về cách thức hội luận, đào tạo trực tuyến: Sử dụng các phần mềm hội họp có độ bảo mật rất cao (như skype, gotomeeting); chỉ cung cấp mật khẩu, ID cho số thành viên tham gia trước cuộc họp khoảng 10 phút và tiến hành kiểm danh, kiểm diện số đối tượng tham gia; sử dụng kết hợp các gói internet cố định và di động (3G/4G) để chuyển đổi kịp thời nếu bị ngăn chặn. Đáng chú ý, từ cuối năm 2016, đã phát hiện các đối tượng xây dựng tại một số địa phương các “mật cứ” nguỵ trang dưới các hình thức trang trại, quán cà phê trá hình vừa sản xuất kinh doanh, vừa là địa điểm tổ chức hoạt động huấn luyện “kỹ năng hoạt động chống đối”.
Những hoạt động trên của các thế lực thù địch khiến không nhỏ bộ phận nhân dân ta, từ những người nông dân tới tầng lớp trí thức, từ những người không được tiếp xúc hoặc ít được tiếp xúc, đến những người thường xuyên tiếp xúc với các luồng thông tin trên mạng xã hội, internet đã nhen nhóm những tâm lý tiêu cực, hoang mang, giao động, mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ.
Để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng này, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã tiến hành kết hợp nhiều biện pháp nhằm chống lại các chiêu trò mới của các thế lực thù địch, như: Đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả nhiều biện pháp cơ bản, chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh việc bắt giữ những đối tượng công khai hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, lực lượng CAND cũng là lực lượng nòng cốt trong việc đưa các tin, bài để phản bác các thông tin sai sự thật mà các thế lực thù địch thường xuyên đưa lên mạng Internet, bằng những bằng chứng xác thực, chính xác; giúp những cá nhân đã tiếp xúc với những tin, bài sai sự thật hiểu đúng nội dung sự kiện đã diễn ra. Và để tăng cường khả năng đối phó, CAND đã phối hợp chặt chẽ với nhiều ban ngành, các tổ chức xã hội, tạo thế trận đấu tranh trên không gian mạng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ và các buổi huấn luyện kỹ năng chuyên sâu về đấu tranh trên không gian mạng, qua đó trang bị cho đội ngũ làm công tác này kỹ năng viết tin, bài, bình luận để phản bác trước các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet và mạng xã hội. Điển hình như các bài viết “Phơi bày bản chất của luận điệu sai trái cho rằng: "Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, lạc hậu…” của TS. Lê Hoàng Việt Lâm, Đại học ANND; “Làm thất bại thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền chống phá Nhà nước” của Đại tá, PGS. TS Trần Nam Chuân; “Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc mối quan hệ keo sơn giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân” của Bùi Chí Thanh, Học viện Chính trị CAND; mới đây nhất là bài “Cảnh giác luận điệu lợi dụng sự bất ổn ở Venezuela để xuyên tạc tình hình Việt Nam” của TS. Lê Thế Cương (Học viện Chính trị Công an nhân dân)… Ở đây, tất cả những luận điệu bóp méo sự thật đều bị phản bác một cách khoa học, chính xác và kịp thời.
Thời gian tới, để góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng chính trị nói riêng, lực lượng CAND cùng tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội khác phải tiến hành đấu tranh một cách toàn diện, trong đó cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân lãnh đạo; xây dựng các cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp lãnh đạo; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; coi xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là trọng tâm hàng đầu; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng cấp ủy gắn với xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương xứng đáng là lực lượng nòng cốt, là hạt nhân lãnh đạo, là tấm gương để quần chúng noi theo trong nhận thức và hành động, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Thứ hai, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Làm cho mọi cán bộ, đảng viên luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; tạo sự thống nhất cao trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, quy định của cơ quan, đơn vị. Cần tập trung quán triệt, giáo dục làm cho cán bộ, nhân dân, và trước hết là đảng viên, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm, các ngành nghề thường xuyên giao lưu giao lưu văn hóa, đối ngoại... nhận thức rõ âm mưu, hoạt động “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa là âm mưu cơ bản lâu dài và là nội dung trọng tâm, chủ yếu trong chiến lược chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Từ đó, các cấp chủ động đấu tranh, phòng ngừa, tạo sự "tự miễn dịch" trước sự xâm nhập, phá hoại của các quan điểm tư tưởng sai trái, thù địch.
Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém trong mỗi tổ chức Đảng. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, mỗi tổ chức đảng cần phải đánh giá đúng những kết quả đạt được, nhất là những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục để tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng. Quá trình lãnh đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì, không để các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chống đối chính trị lợi dụng chống phá.
Thứ tư, trong giáo dục, tuyên truyền, các cấp cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Phải giáo dục cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc truyền thống, bản chất, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của giai cấp, của dân tộc. Phải tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, thấy rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong cuộc đấu tranh này; đồng thời, coi trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; trong đó, chú trọng thực hiện tốt chủ trương: Giám sát, phản biện... thực hiện đúng quan điểm: dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra, để nhân dân, quần chúng thực sự làm chủ các hoạt động trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo bầu không khí đoàn kết, môi trường văn hóa lành mạnh.
Thứ năm, đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ "tự diễn biến" trong cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo chủ chốt các cấp cần thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo được âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các thế lực thù địch giai đoạn trước mắt cũng như những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, xây dựng ý chí, quyết tâm tổ chức đấu tranh theo phương châm: "Chủ động, kịp thời, nhạy bén, liên tục, kiên quyết, triệt để"; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; trong đó, lấy xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định; khắc phục tình trạng thụ động, chủ quan, lơ là mất cảnh giác.
Thông qua đấu tranh, khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định những giá trị tốt đẹp trong truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống đơn vị, quê hương; vạch trần bản chất phản động, phản văn hóa của các nội dung tuyên truyền, xuyên tạc của địch; kịp thời phát hiện, đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chủ động phòng chống “tự diễn biến” trong cơ quan, đơn vị; giữ vững và tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong mọi cấp, mọi ngành.../. KQ

Nhận xét