Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945 tại Hà Nội, Cụ Hồ đã đề nghị mở chiến dịch "Chống nạn mù chữ", vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Tháng 10/1945, Cụ Hồ ra Lời kêu gọi chống nạn thất học có đoạn:
“Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được?... Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của nhân dân... Mọi người Việt Nam... phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ”.
“Trong khi đợi lập được nên tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ năm nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người (khoản 1). Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền (khoản 2)".
Ngày 18/9/1945, Nha bình dân học vụ được thành lập. Khoá huấn luyện giáo viên Bình dân học vụ đầu tiên mở tại Hà Nội mang tên Hồ Chí Minh.
Kho bạc khi ấy gần như trống rỗng, phong trào dựa vào sức dân là chính. Ngân quỹ dành cho chương trình tính ra chỉ đủ trả lương được tối đa là 1.000 giáo viên, trong khi số giáo viên cần thiết là khoảng 100.000 người. Người đi học được miễn phí. Giáo viên không nhận lương. Các lớp bình dân học vụ không có điều kiện thì dùng phấn hay gạch để viết xuống đất thay cho bút và giấy.
Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước.
Tính đến cuối năm 1945, sau hơn ba tháng phát động, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh Bắc bộ gửi về Bộ Quốc gia giáo dục thì đã mở được hơn 22.100 lớp học với gần 30 nghìn giáo viên và đã dạy biết chữ cho hơn 500 nghìn học viên.
Đến cuối năm 1946, theo Bộ Quốc gia giáo dục có 74.975 lớp với 95.665 giáo viên, riêng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã có 2.520.678 người biết đọc, biết viết.
Tới năm 1948, 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ và đến năm 1952 là 10 triệu người. Đi đôi với việc diệt "giặc dốt", việc bổ túc văn hoá để củng cố sự đọc thông, viết thạo của những người đã thoát nạn mù chữ được tổ chức và đẩy mạnh, trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân lao động cũng được nâng lên.
Như vậy là chỉ sau 7 năm, đến năm 1952, chiến dịch xoá nạn mù chữ về cơ bản đã được hoàn thành.
Kể từ đây dân tộc Việt nam mới thực sự hoàn toàn được giải phóng và bước trên con đường văn minh.
Công tích này của cụ Hồ có lẽ chỉ đứng sau công cuộc giành tự do và độc lập cho dân tộc. Và dường như người ta vẫn chưa đánh giá được đúng tầm vóc và ý nghĩa vĩ đại của nó.
Nhận xét
Đăng nhận xét