Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trở thành con đường “độc nhất vô nhị” của lịch sử quân sự thế giới, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Ngày 19/5/1959, đúng ngày sinh nhật Bác, Bộ Chính trị quyết định “Mở con đường bí mật xuyên Trường Sơn để bảo đảm yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam” và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang này cho Đoàn 559. Ngày 19/5 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn và đường Trường Sơn vinh dự được mang tên đường Hồ Chí Minh.
Để tuyệt đối giữ bí mật, những ngày đầu thành lập, Đoàn 559 lấy phương châm: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Trong từng hoàn cảnh lịch sử, phương thức cũng thường xuyên thay đổi: Từ phòng tránh bị động sang phòng tránh tích cực: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, giữ vững, nối dài và mở rộng tuyến đường, cho xe cơ giới chi viện vào tận Lộc Ninh (Bình Phước), sang đến chiến trường Lào và Campuchia.
Từ một lối mòn nhỏ ven Trường Sơn, 16 năm giữa bạt ngàn rừng thiêng, nước độc, khí hậu khắc nghiệt, sốt rét, thú dữ, đói rét; núi cao, dốc đứng, suối sâu, vực thẳm; mưa bom, bão đạn… cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã biến điều không thể thành có thể, tạo nên một kỳ tích trong thế kỷ XX. Đường Trường Sơn được xây dựng thành một hệ thống với tổng chiều dài gần 2 vạn km, gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, hơn 3.100km “đường kín” cho xe chạy ban ngày, gần 500km đường sông, hàng chục binh trạm, hàng trăm bến bãi, hàng ngàn nơi giấu quân, giấu xe, giấu hàng và 1.400km đường ống chuyển xăng, dầu. Đường Trường Sơn xuyên qua 20 tỉnh từ Bắc vào Nam, nối liền 2 nước bạn Lào và Campuchia; vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuống miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Nhà Trắng từng coi mọi đau khổ của họ đều “bắt nguồn chủ yếu từ con đường mòn bất khả xâm phạm” – đường Trường Sơn. Trong 6.000 ngày đêm, bộ đội Trường Sơn đã đào đắp gần 21 triệu m3 đất đá, san lấp 56.750 hố bom địch ném xuống mặt đường, phá 12.600 quả bom nổ chậm và hơn 85 ngàn quả mìn các loại. Để ngăn chặn huyết mạch giao thông, hủy diệt đường Hồ Chí Minh, Mỹ đã sử dụng mọi loại vũ khí, trang bị tối tân nhất: Máy bay B52, hàng rào điện tử, bom thông minh, cây nhiệt đới, máy đánh hơi người, băng ghi tiếng động… Mỹ rải xuống núi rừng Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn; điều động hàng ngàn lượt máy bay rải chất độc hóa học hủy diệt sự sống. Nhưng khí phách và bản lĩnh Việt Nam, lòng dũng cảm, bất tử của bộ đội Trường Sơn đã chiến thắng.
Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi hàng trăm máy bay, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, khi chưa tan khói bom, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã băng ra mặt đường san lấp hố bom trong khí thế “địch phá một, ta làm mười”, “tiếng hát át tiếng bom”, để “đường ta cứ đi, xe ta cứ vượt”.
Suốt 16 năm bền bỉ với nhiều hy sinh, mất mát, đường Trường Sơn đã trở thành huyết mạch nối hậu phương với tiền tuyến. Nhờ huyết mạch này, hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa, hơn 2 triệu lượt người, 5,5 triệu tấn xăng, dầu từ miền Bắc đã được chi viện cho miền Nam, Lào, Campuchia. Đường Trường Sơn trở thành biểu tượng của trí tuệ, ý chí, sức mạnh Việt Nam và đi vào lịch sử như một huyền thoại.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là Di tích quốc gia đặc biệt. Đường Hồ Chí Minh trở thành tài sản tinh thần vô giá, là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, của quyết tâm thống nhất đất nước.
Nguồn: Tổng hợp, NSRD
Nhận xét
Đăng nhận xét