Không chỉ là lực lượng tham gia trực tiếp trên tuyến đầu phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 ở trong nước, thời gian qua Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam còn tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng phó đại dịch...
Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương thực hiện một chiến lược toàn diện để ứng phó, trong đó coi trọng hợp tác quốc tế trong PCD bệnh. Cho dù còn khó khăn và cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ y tế để giúp đỡ các nước có thêm phương tiện để bảo vệ sức khỏe cho người dân, giúp đỡ nhân dân các nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngoài trang thiết bị y tế, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn cử các nhóm chuyên gia sang giúp Bộ Quốc phòng Lào và Campuchia PCD. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho biết, trên tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong những thời điểm khó khăn nhất, phía Cuba đã khẳng định, sẵn sàng cử chuyên gia y tế sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về điều trị Covid-19; cung cấp một số thuốc hỗ trợ để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam và cùng nghiên cứu, hợp tác sản xuất các loại thuốc, vắc-xin điều trị, kit chẩn đoán nhanh.
Không chỉ các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, nhiều quốc gia khác cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ y tế nhằm góp phần giảm thiểu những tác động to lớn của dịch Covid-19. “Nguyên nhân trước hết là vì các nước hiểu được tấm lòng của Việt Nam và tin Việt Nam. Thứ hai, họ nhận thấy vật tư y tế của Việt Nam đạt chất lượng tốt. Chúng ta khẳng định rõ rằng, ngoại trừ nguồn dự trữ chiến lược phòng trường hợp dịch bệnh bùng phát cấp độ cao hơn, những gì mà chúng ta hỗ trợ có thể chưa nhiều so với nhu cầu của các nước nhưng đều là những gì tốt nhất mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và QĐND Việt Nam có thể thu xếp được trong thời điểm hiện tại. Chắc chắn các nước đều ghi nhận vì chúng ta giúp đỡ rất vô tư, có trách nhiệm trong khả năng của mình”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Khi Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, dịch Covid-19 chưa lan rộng. Nhiều quốc gia Đông Nam Á còn chưa công bố dịch. Tuy nhiên, Việt Nam đã cùng ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên.
Trên kênh quốc phòng với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đưa ra sáng kiến, trên cơ sở tham vấn các nước xây dựng Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh. Thông thường, việc xây dựng một tuyên bố chung cấp bộ trưởng thường phải chuẩn bị hơn một năm hoặt ít nhất là 6 tháng. Thế nhưng, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong vai trò điều hành, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy để Hội nghị ADMM Hẹp hồi tháng 2 vừa qua thông qua tuyên bố chung nói trên chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục là hai ngày, qua đó thể hiện đúng tinh thần “Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”; đồng thời ghi nhận sự hợp tác khu vực và quốc tế là cần thiết để ứng phó với hậu quả của dịch bệnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, kể từ Hội nghị ADMM Hẹp, trên cơ sở Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang xúc tiến tổ chức các hoạt động trong Nhóm làm việc ADMM và Hội nghị cấp Thứ trưởng Quốc phòng (ADSOM), xây dựng dự thảo chương trình hợp tác ADMM trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam dự kiến tổ chức họp Nhóm làm việc ADMM+, có thể cả cấp quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN Mở rộng (ADSOM+) và cao hơn nữa là cấp Bộ trưởng ADMM+ theo hình thức trực tuyến để tạo không gian rộng hơn trong PCD Covid-19. “Cùng với đó là tổ chức diễn tập, trước mắt là theo hình thức trực tuyến. Trong tương lai, khi hết dịch sẽ diễn tập thực binh về PCD của các nước ASEAN. Hiện, có một số nước Cộng rất muốn tham gia và chúng ta đang cân nhắc trên cơ sở đồng thuận ASEAN. Bên cạnh đó là xây dựng Bộ Quy tắc ứng phó với dịch bệnh trong khuôn khổ đấu tranh với các thách thức an ninh phi truyền thống. Đây không chỉ là vấn đề Covid-19 mà là vấn đề lâu dài. Thực sự, thế giới đã nhìn nhận dịch bệnh là một trong những vấn đề quốc phòng, ảnh hưởng tới an nguy các quốc gia, mang tính chất toàn cầu, xuyên biên giới”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.
QĐND Việt Nam hiện có gần 100 sĩ quan đang làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ở châu Phi. Ngay từ khi dịch Covid-19 chưa lây lan rộng tại lục địa này, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chỉ đạo các lực lượng tại đây, đặc biệt là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, chủ động, tích cực chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó, bảo đảm an toàn, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho lực lượng GGHB LHQ. “Trước hết là thực hiện đúng các nguyên tắc cách ly, bảo đảm vệ sinh, khử khuẩn. Tiếp theo là tham gia việc PCD cho lực lượng GGHB LHQ tại phái bộ, nhưng đồng thời cũng đề phòng các tình huống xấu ở các mức độ khác nhau”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc vốn đã là nhiệm vụ rất nặng nề của quân đội. Nhưng nay, quân đội còn tham gia trực tiếp trên tuyến đầu PCD Covid-19. Điều đó cũng đồng nghĩa nhiệm vụ của quân đội ngày càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà quân đội lơ là bất kỳ nhiệm vụ nào. “Các tàu hải quân, cảnh sát biển không ngơi nghỉ ngày nào. Bộ đội Trường Sa không có đồng chí nào ngừng làm nhiệm vụ. Khu vực biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc được bảo vệ toàn vẹn. Trong tình hình hiện nay, chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc nhưng chúng ta cũng luôn cảnh giác. Dù tình hình dịch bệnh diễn tiến thế nào thì bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Quân đội luôn sẵn sàng và luôn làm tốt nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là bảo vệ Tổ quốc”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.
Nguồn: QĐND
Nhận xét
Đăng nhận xét