Diễn đàn Xã hội Dân sự có tư cách đòi “đối thoại” với Chính phủ không?

Gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã lợi dụng các cuộc thảo luận trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025,  tức hoạt động chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, để công kích tính dân chủ của Đại hội Đảng hoặc đòi thay đổi thể chế chính trị, tiêu biểu trong số đó là  các thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự - như Chu Hảo, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Khắc Mai… Vừa qua, họ tập trung làm 2 việc, là (1) quảng bá hình mẫu trí thức đối lập đội lốt “phản biện”; và (2) đòi nhân danh giới trí thức, nhân danh nhân dân để “đối thoại” với Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kết quả hình ảnh cho Diễn đàn xã hội dân sự
Cụ thể, hình mẫu trí thức đối lập đội lốt “phản biện” mà họ ca ngợi có 3 tính chất:
Thứ nhất, đó là những người được chế độ công nhận là “trí thức”. Cụ thể, họ là những công chức, khoa bảng, văn nghệ sĩ từng trưởng thành trong chế độ, làm việc cho chế độ và có chỗ đứng trong chế độ.
Thứ hai, họ đã chọn thế “đối lập” với chế độ. Cụ thể, họ thống nhất với nhau rằng cần áp dụng chế độ dân chủ đa đảng của phương Tây ở Việt Nam; và phân công nhau hành động để đòi thay đổi chế độ. Qua nhiều tuyên bố và đề nghị “đối thoại” của họ, có thể thấy họ muốn được Đảng Cộng sản Việt Nam và Mỹ công nhận như một lực lượng chính trị ở Việt Nam.
Thứ ba, họ mượn danh nghĩa “phản biện” để tiến hành các hoạt động “đối lập” của mình. Cụ thể, một mặt, họ nói rằng khi tuyên truyền chống chế độ, họ chỉ đang thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp mà Hiến pháp và pháp luật của chế độ đã khẳng định. Mặt khác, họ dùng danh nghĩa “trí thức”, “kẻ sĩ”, “hiền tài”… và các chức danh cũ của họ trong chế độ để vừa quảng bá, vừa che chắn cho các hoạt động “đối lập” đó.
Cách làm của họ có tính ngụy biện; bởi một mặt, Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam không cho phép các hoạt động chống chế độ; mặt khác, không nên dùng những đặc ân của một chế độ để bảo vệ mình khi chống lại chế độ đó.
Với hình mẫu vừa nêu , Nguyễn Đình Cống và Nguyễn Khắc Mai tiếp tục nhân danh cả “giới trí thức” lẫn “nhân dân” để đòi “đối thoại” với Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Qua các bài viết và trả lời phỏng vấn của họ, có thể thấy họ muốn tận dụng việc “đối thoại” để làm ít nhất 3 việc.
Một, là chỉ ra rằng các kết quả, diễn biến trong thực tế chứng minh sự sai lầm của Chủ nghĩa Marx – Lenin.
Hai, là thể hiện rằng các “trí thức phản biện” – như Bùi Đằng Đoàn, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Xuân Bách… trước đây; và bản thân họ ngày nay; là nhóm người xứng đáng chỉ đường cho xã hội.
Ba, là quảng bá bộ yêu sách đòi “thân Mỹ - thoát Trung”, nhân tiện đòi thay đổi thể chế mà họ đã đưa ra từ tháng 07/2019, nhân sự kiện ở bãi Tư Chính.
Song song với các hoạt động tuyên truyền online vừa nêu, ông Nguyễn Đăng Quang cũng trực tiếp gặp các Đảng viên, công chức cao tuổi để vận động.
Tóm lại, Diễn đàn Xã hội Dân sự đang hướng mũi công kích vào 3 vấn đề của chế độ – là tính độc lập, tính dân chủ, và tính đúng đắn của lý thuyết chính trị. Họ làm vậy để công kích tính chính danh của chế độ, từ đó đòi thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.
Trong 3 mũi công kích đó, việc công kích tính độc lập của chế độ có vẻ không công hiệu, vì sau sự kiện Tư Chính tháng 07/2019, Chính phủ Việt Nam đang đi những nước cờ rất vững chắc để bảo vệ chủ quyền.
Trong khi đó, bản thân tính danh của Diễn đàn Xã hội Dân sự thực ra không vững. Trong 1 năm vừa qua, nhóm này liên tục đánh mất vị thế và tầm ảnh hưởng.
Cụ thể, cuối tháng 10/2018, ông Chu Hảo, một trong những thủ lĩnh của nhóm này, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 02/2019, một trong những tổ chức công khai của họ, là Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, bị giải thể. Ngay sau vụ giải thể đó, nhóm Phạm Đoan Trang bắt đầu mở chiến dịch công kích cánh “trí thức phò chính thống” của ông Chu Hảo, để cướp thị trường xuất bản sách chính trị, và giành tư cách lãnh đạo phong trào “dân chửi” từ tay nhóm này.
Ngày 03/03/2019, tổ chức văn chương của họ, là Văn đoàn Độc lập, phải hủy lễ kỷ niệm 5 năm hoạt động và lễ trao giải thưởng Văn Việt, theo yêu cầu của cơ quan an ninh. Do đó, từ tháng 3 đến cuối tháng 7, Văn đoàn Độc lập rơi vào nội chiến giữa phe Hoàng Hưng và phe Trần Mạnh Hảo. Kết quả là phe “nghệ thuật vị chống Cộng” của Trần Mạnh Hảo rời nhóm, khiến Văn đoàn mất một nửa tầm ảnh hưởng ban đầu.
Ngoài ra, Diễn đàn Xã hội Dân sự cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân lực, khi nhiều trụ cột lớn tuổi như Phan Huy Lê và Phạm Toàn lần lượt qua đời vì tuổi cao. Dù ông Chu Hảo từng dồn sức đào tạo thế hệ kế cận như Nguyễn Vi Yên, việc Yên gia nhập hệ thống của VOICE, để chuẩn bị trở thành một Đoan Trang thứ hai, khiến công sức của ông Hảo chẳng khác gì công nuôi tu hú.
Sau khi Đoan Trang nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của RSF vào tháng 09/2019, VOICE đã soán ngôi nhóm Chu Hảo, để trở thành tổ chức dẫn dắt phong trào “dân chửi” Việt Nam. Với đà suy giảm quyền lực này, Diễn đàn Xã hội Dân sự còn không có tư cách đại diện cho giới trí thức và giới “dân chửi” Việt Nam, chứ đừng nói đến chuyện đại diện cho đa số dân chúng.
Nhìn toàn cảnh, có thể thấy Diễn đàn Xã hội Dân sự đang bị hắt hủi bởi cả bên chính quyền lẫn bên chống chính quyền. Cùng lúc đó, toàn bộ phong trào “dân chửi” cũng đang suy yếu nghiêm trọng, bởi từ năm 2011 đến nay, đây là mùa hè đầu tiên họ không tổ chức được một cuộc biểu tình lớn. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn không có cả tiềm lực lẫn tư cách để đòi “đối thoại” với Chính phủ Việt Nam. Sẽ hợp lý hơn nếu họ bỏ tham vọng làm cách mạng lật đổ, để đầu tư vào những chương trình cải cách vừa khả thi, vừa đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

Nhận xét