Theo Wikipedia “thủ đoạn ngụy biện” được hiểu là việc sử dụng các lập luận một cách sai lầm, không hợp lý, cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận.
Một lý luận ngụy biện có thể có ý lừa đảo bằng cách làm cho sự việc có vẻ tốt hơn so với thực tế. Một số ngụy biện cố ý để nhằm mục đích thao tác, đánh lạc hướng người nghe, người đọc, làm cho họ nhầm tưởng cái sai là đúng và cái đúng là sai. Những sai lầm không cố ý trong suy luận do ẩu tả, thiếu hiểu biết được gọi là ngộ biện.
Đây là thủ đoạn được các đối tượng rận chủ sử dụng rất phổ biến trong việc truyền thông phản bác, bôi nhọ chính quyền. Đối với một sự việc hiện tượng dù tốt hay xấu, các đối tượng đều sử dụng các lý lẽ ngụy biện để làm sai lệch bản chất của vụ việc, theo định hướng có chủ ý nhằm gây hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; gây mâu thuẫn, chia rẽ giữa các bộ phận quần chúng nhân dân, lương – giáo, mâu thuẫn sắc tộc sau đó đổ lỗi do sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Cắt, cóp tin tức để bôi nhọ, hạ bệ thần tượng, đặt các vấn đề theo hướng xét lại lịch sử để phủ nhận những thành quả, công sức của các lực lượng vũ trang và cả dân tộc... Mục đích cuối cùng của các thủ đoạn ngụy biện đó là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó hướng đến mục tiêu đa nguyên, đa đảng, thay đổi thế chế chính trị ở Việt Nam.
Thủ đoạn tuyên truyền của đối tượng không phải là mới, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt có sự cộng hưởng của những yếu kém, sai phạm, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, Đảng viên nên rận chủ vẫn tiếp tục có đất diễn. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm của đối tượng, nếu không được nhận diện và phổ biến, người dân rất dễ sập bẫy truyền thông của các đối tượng.
Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về thủ đoạn ngụy biện của đối tượng.
- Tuyên truyền về những tiêu cực, sai phạm của một số cán bộ, Đảng viên cho rằng những người này có ô dù, được bao che, không bị xử lý công bằng như đối với người dân. Khi báo chí đăng tải việc xư lý đối với một loạt cán bộ, đảng viên đã có những hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng lại tuyên truyền theo hướng việc xử lý cán bộ thực chất là vấn đề thanh trừng nội bộ, đấu đá giữa những phe cánh trong Đảng; Việc xử lý cán bộ chưa tương xứng nếu đem so sánh đối với việc xử lý người dân
Sự ngụy biện được chỉ ra là lợi dụng vụ việc đơn lẻ quy kết thành bản chất của Đảng để gieo rắc vào đầu quần chúng nhân về sự mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, Nhà nước.Hoặc so sánh để người dân thấy sự phân biệt giữa cán bộ và nhân dân mà bỏ qua phân tích các yếu tố luật pháp.
- Đối với những vấn đề về tranh chấp biển đảo đang rất “nóng” trong thời gian qua. Thời điểm Nhà nước chưa có tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các đối tượng cho rằng Nhà nước nhu nhược, lệ thuộc vào Trung Quốc. Khi Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao lên tiếng và gửi Công hàm phản đối hành động phi pháp của Bắc Kinh, các đối tượng lại tuyên truyền theo hướng Nhà nước ta chỉ giỏi ra Tuyên Bố nhưng không triển khai bất kỳ biện pháp hiệu quả nào khác.
Sự ngụy biện được chỉ ra là các đối tượng chỉ nhìn vào một hành động đơn lẻ, cắt lát sự vụ, không nhìn vào tổng thể để đánh giá một sự việc, hiện tượng và định hướng dư luận theo hướng phiến diện, một chiều.
- Khi đưa tin về những sai phạm trong trật tự xây dựng, quản lý đất đai, các đối tượng thường sử dụng những từ ngữ như “làm ngơ”, “bảo kê”, “sân sau”... để chỉ trích việc chính quyền không xử lý những sai phạm. Tuy nhiên hầu hết các vụ việc này, người dân đều không tự giác chấp hành các quyết định xử phạt của cơ quan Nhà nước, buộc cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật phải tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ và khi cưỡng chế, lực lượng bảo vệ pháp luật đều vấp phải sự phản đối, chống trả, chống người thi hành công vụ của các đương sự. Nhiều đối tượng đã bị bắt xử lý vì hành vi chống người thi hành công vụ. Khi đó đám rận chủ lợi dụng các clip quay lại cảnh cưỡng chế xử lý các đối tượng để vu cáo cho rằng công an, quân đội “cướp đất”, “phá nhà” của dân, kích động người dân phải sử dụng bạo lực để “giữ đất”, “phản kháng tà quyền”...
Sự ngụy biện được chỉ ra là các đối tượng đã sử dụng hiện tượng, hình thức bên ngoài để quy chụp bản chất, không nghiên cứu nguyên nhân, lý do và các yếu tố dẫn đến các hiện tượng đó.
Trên đây chỉ là một số ví dụ điển hình về thủ đoạn ngụy biện của các đối tượng trong truyền thông, còn rất nhiều các thủ đoạn khác cần được chia sẻ, phân tích để người đọc không bị lầm lẫn và bị “dắt mũi”. Đúng như ngạn ngữ Pháp đã nói: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, một nửa sự thật là một sự lừa dối”.
Võ Khánh Linh
Nhận xét
Đăng nhận xét