ĐẰNG SAU VIỆC “ĐÒI QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT” CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH TUY HÒA - PHÚ YÊN

Sở hữu đất đai và tôn giáo là hai vấn đề rất khác nhau. Do vậy, khi diễn ra một sự kiện nào đó liên quan trực tiếp đến hai vấn đề này thì tính chất nhạy cảm và phức tạp tất sẽ tăng lên bội phần. Trong bài viết này, tôi không có tham vọng trình bày cặn kẽ và toàn diện về vấn đề này, mà chỉ muốn từ những hiểu biết của mình, nêu ra một số suy nghĩ để người đọc có thêm cơ sở nhìn nhận, đánh giá một số sự kiện đang diễn ra.
Trong hình ảnh có thể có: cây, bầu trời và ngoài trời

Qua các thời kỳ lịch sử, các tôn giáo đã tìm được chỗ đứng trong lòng dân tộc, gắn bó với số phận của dân tộc và có quan hệ tốt với chính quyền, trong đó đạo Tin Lành không ngoại lệ. Người Việt Nam dù theo bất kỳ tôn giáo nào thì phẩm chất đạo đức hàng đầu vẫn phải là yêu nước, phụng sự dân tộc và tôn kính Tổ tiên. Lịch sử Việt Nam cũng chỉ ra rằng, bất kỳ tôn giáo nào nếu hòa đồng với dân tộc, có quan hệ tốt với chính quyền, hướng tới sự phát triển khối đoàn kết toàn dân, tham gia bình ổn xã hội nhằm đưa đất nước đi lên thì luôn được trân trọng. Ngược lại, nếu chỉ áp đặt lợi ích riêng của tôn giáo hay một hoặc một nhóm cá nhân trong tôn giáo lên trên tất cả thì khó lòng tìm được sự ủng hộ của nhân dân. Đây không phải là vấn đề ứng xử mà cao hơn thế cũng là vấn đề đạo lý. Tôi muốn nhấn mạnh điều mà nếu là người Việt Nam ai cũng có thể đồng tình, đó là “uống nước nhớ nguồn”, phải biết cái mình đang có ở đâu mà ra để cư xử cho đúng mực.

Đây là một ví dụ, điều mà không phải ai cũng biết là nguồn gốc đất “Trường Thiên Ân cũ” mà Hội thánh Tin lành Tuy Hòa - Phú Yên dưới thời quản nhiệm của ông Lương Mạnh Hà đang đặt vấn đề đòi lại thì nguồn gốc đất đó ở đâu mà ra? Nếu không có tư liệu lưu trữ thì cũng khó có ai biết được: Trường Thiên Ân được Tòa Hành Chánh tỉnh Phú Yên - Việt Nam Cộng Hòa cấp giấy phép xây dựng cho Hội thánh Tuy Hòa (Giấy phép xây cất số: 4660 HCTQ/1, ngày 17/5/1972 và 770 HCTQ/1, ngày 10/7/1974 của Tòa Hành Chánh tỉnh Phú Yên - Việt Nam Cộng Hòa) nêu rõ việc xây dựng trường học trên đất thuê của xã Tuy Hòa tọa lạc tại đường Nguyễn Huệ (số tạm 73T). Ngày 06/9/1975, UBNDCM khu Trung Trung Bộ đã ban hành Thông tư 409/TT về việc chuyển trường tư thành trường công, do đó chính quyền đã tiếp quản sử dụng Trường Thiên Ân để phục vụ nhu cầu giáo dục cho người dân và hiện nay là trường Mầm non công lập phường 2, TP.Tuy Hòa.
Từ trình bày trên, tôi thấy cần phải có đôi lời về cách đặt vấn đề và xử sự việc đòi đất của Hội thánh Tin Lành Tuy Hòa.
Trước hết, phải nói rằng cá nhân tôi rất kính trọng kiến thức uyên bác, hiểu biết sâu rộng của các vị Mục sư... Do đó, mà tôi không hiểu nổi vì sao người có giáo phẩm cao như ông Lương Mạnh Hà lại hành xử như vậy. Trước khi kêu gọi chức sắc, tín đồ tham gia vào những việc được gọi là “đòi đất” như vừa qua thì ít ra cũng phải ngẫm nghĩ thấu đáo 03 điều sau:

Một là, pháp luật không phải là chính quyền mà là ý nguyện của dân. Tôn trọng pháp luật là tôn trọng ý nguyện của nhân dân. Hành xử theo đúng pháp luật là biểu hiện của trình độ văn hóa. Tại Khoản 5, Điều 26 Luật đất đai hiện hành quy định rõ: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Việc đòi đất của người đứng đầu Hội thánh là vô căn cứ pháp lý.
Hai là, khi đặt vấn đề “đòi đất” cần xem xét kỹ tính chính đáng của việc thụ đắc khu đất đó, phải thấu hiểu nó ở đâu mà ra, cái “quyền” mình có do ai đem lại. Vì thế, phải tìm hiểu lịch sử nguồn gốc đất…
Ba là, cho dù bất kỳ là ai, tổ chức nào cũng cần phải hiểu là mỗi tấc đất trên lãnh thổ Việt Nam và TP.Tuy Hòa đều thấm đẫm máu, xương của bao thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Hiện nay, toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân, là thành quả của bao nhiêu năm đấu tranh hy sinh, gian khổ của cả dân tộc mới có được. Trên thực tế, chính quyền tỉnh Phú Yên đã có văn bản pháp lý giải quyết xong việc xin quyền sở hữu đất “Trường Thiên Ân” của Hội thánh Tin lành Tuy Hòa từ năm 2007 đến nay.
Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có những chính sách cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo. Tôi được biết, khi tín đồ sinh sống trong Hội thánh (Trần Văn Hay) có nhu cầu đất ở thì chính quyền Tuy Hòa đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cấp cho 01 lô đất ở tại thành phố mà bao nhiêu lương dân chúng tôi và tín đồ tôn giáo khác có nằm mơ cũng không có được. Đặc biệt, khi Hội thánh Tin lành có nhu cầu, chính quyền đã rất thiện chí giới thiệu và sẵn sàng dành cho khu đất đẹp ngay trung tâm thành phố với diện tích không nhỏ (1981,3m2) để làm nơi sinh hoạt tôn giáo và Hội thánh không còn đặt vấn đề xin lại Trường Thiên Ân; tuy nhiên, người kế nhiệm của Mục sư Đinh Thống là ông Lương Mạnh Hà cùng một số chức sắc, tín đồ lại có ý định không muốn nhận mà đòi “trả lại đất Trường Thiên Ân”. Như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi phải chăng mục đích của sự kiện vừa qua đâu phải là vì sự phát triển của tôn giáo?
Tôi cho rằng cách đặt vấn đề “đòi lại đất” bằng việc khiếu kiện và treo băng rôn, khẩu hiệu phản đối chính quyền tại Hội thánh Tin Lành thì xét từ góc độ pháp lý, lịch sử và cả đạo lý đều không phù hợp. Với ý nghĩa đó, việc chính quyền thành phố Tuy Hòa quyết định xây dựng Trường Mầm non Hoàng Yến chuẩn quốc gia trên khu đất Trường Mầm non phường 2 đã xuống cấp nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục cho con em nhân dân, trong đó có tín đồ Tin Lành là việc làm đúng đắn, thiết thực, có ý nghĩa về nhiều mặt. Tôi tin rằng, tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân đồng tình với cách giải quyết đó./.

Nguồn: Tri thức trẻ TP. Tuy Hòa

Nhận xét