ĐỪNG MƯỢN DANH PHẢN BIỆN "VỀ DANH XƯNG THANH HÓA" ĐỂ PHÁ THỐI

ĐỪNG MƯỢN DANH PHẢN BIỆN "VỀ DANH XƯNG THANH HÓA" ĐỂ PHÁ THỐI


Báo Nông Nghiệp Việt Nam có liên tiếp 2 bài mượn danh phản biện để đả phá sự kiện trọng đại của nhân dân Thanh Hóa (Xem ở đây và ở đây). Không khó để nhận ra đây là bài viết có chủ ý chọc ngoáy, giọng điệu hằn học rất rõ. Làm báo mà thiếu công tâm, khách quan, chỉ vì cái tôi thì hệ lụy là rất lớn. 











Ảnh: HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII biểu quyết thông qua việc lấy năm 1029 danh xưng Thanh Hóa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (7/2017). 

Trở lại vấn đề, báo Nông Nghiệp Việt Nam có 2 bài, gồm: "Thanh Hóa không phải đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1029" và "990 năm danh xưng Thanh Hóa: Có đẽo chân cho vừa giày?" của tác giả Khải Mông. Cả 2 bài đều có chung mục đích (1) Phủ nhận danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính thuộc Trung ương từ năm 1029; (2) nhạo báng các cuộc hội thảo khoa học do ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức; (3) tấn công trực diện một số nhà khoa học lịch sử thuộc Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam và một số nhà nghiên cứu khác.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta xác định Thanh Hóa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1029. 

Đó là kết quả lao động nghiêm túc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử thông qua các Hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu từ cổ chí kim và qua các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Thanh Hóa. Các chi tiết cụ thể xin mời đọc ở đây và ở đây nữa. Nếu tôi không nhầm, để có thể tìm ra được danh xưng Thanh Hóa có từ năm 1029, Ban Tuyên giáo đã phải chuẩn bị từ năm 2011, bắt đầu từ cuộc hội thảo khoa học "Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử". Kể từ đó đến nay, Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, tổ chức nhiều cuộc Hội thảo khoa học về cùng chủ đề, đồng thời phát động nhiều cuộc thi tìm hiểu, nhiều đợt hiến tặng các cứ liệu lịch sử. Chỉ bấy nhiêu thôi đã cho thấy thái độ nghiêm túc, trách nhiệm của lãnh đạo Thanh Hóa đối với lịch sử.


Mới đây nhất, hôm 25/5/2017, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Ban Tuyên giáo - Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử" với sự góp mặt của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 23 báo cáo tham luận của các nhà khoa học ở các cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có nhiều tham luận đáng lưu ý như "thời điểm ra đời địa danh Thanh Hóa"; "Thử đưa ra vài niên đại về danh xưng Thanh Hóa qua tài liệu văn bia và thư tịch"; "Danh xưng Thanh Hóa"; "bàn thêm về thời điểm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa"; "Về thời điểm ra đời của tên gọi Thanh Hóa"; "Tên gọi Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa qua thư tịch Hán Nôm"; "Những tên gọi hành chính có trước Thanh Hóa"... Sau khi tổng hợp, thấy có 3 quan điểm: 

Thứ nhất, danh xưng Thanh Hóa xuất hiện năm Thiên Thành thứ hai triều Lý Thái Tông (1029) hoặc trong khi chờ đợi có thêm kết quả nghiên cứu mới về vấn đề này nên lấy niên đại 1029 cho sự ra đời của danh xưng Thanh Hóa. Trên cơ sở nghiên cứu các nguồn tư liệu chính sử, thư tịch, văn bia, nhất là văn bia thời Lý và các ghi chép trong "Cương mục", các nhà khoa học như PGS,TS Lâm Bá Nam, PGS,TS Hà Mạnh Khoa, PGS,TS Vũ Duy Mền, PGS,TS Đinh Khắc Thuận, PGS,TS Nguyễn Đức Nhuệ, TS Lê Ngọc Tạo, nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ... đều cho rằng danh xưng Thanh Hóa xuất hiện năm Thiên Thành thứ hai triều Lý Thái Tông (năm 1029).

Thứ hai, danh xưng Thanh Hóa xuất hiện trước năm 1082 hoặc là năm 1082 và kiến nghị tạm thời lấy niên đại 1082 làm thời điểm ra đời của danh xưng Thanh Hóa. Ủng hộ quan điểm này là các nhà nghiên cứu: Nguyễn Minh Tường, Đinh Khắc Thuân, Phạm Tấn, Nguyễn Hải Kế.

Thứ ba, Danh xưng Thanh Hóa xuất hiện vào năm 1111. Đây chỉ là quan điểm của rất ít nhà nghiên cứu và vẫn còn thiếu cơ sở khoa học để chứng minh.

Trong số 3 quan điểm nêu trên thì quan điểm thứ nhất được đại đa số các nhà khoa học ủng hộ.

PGS,TS Vũ Duy Mền của Viện Sử học đã liệt kê và phân tích kỹ các sự kiện lịch sử liên quan đến Thanh Hóa qua 3 công trình sử học: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên, đồng thời tác giả cũng khảo sát nội dung của 4 văn bia thời Lý: Minh Tịnh bi văn, An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký, Ngưỡng Sơn Linh xứng tự bi minh và Sùng Nghiên Diên Thánh tự bi minh và đi đến kết luận: Tên gọi địa danh hành chính phủ Thanh Hóa lần đầu tiên được biết đến là năm 1029. 

Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận cho Hội thảo trong khi có tới 3 quan điểm khác nhau, nên các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đã thống nhất biểu quyết để kết luận vấn đề và kết quả là danh xưng Thanh hóa được tạm thời xác định vào năm 1029.

Việc xác định đúng thời điểm nào đó cho một sự kiện lịch sử đã trải qua ngót cả ngàn năm trong điều kiện tam sao thất bản là vô cùng khó khăn, vì thế việc lấy ý kiến biểu quyết phần nào đó cho thấy đó là quyết định đúng đắn. Thực tế lịch sử ở nhiều quốc gia, nhiều tôn giáo cũng vấp phải tình trạng này và con đường được lựa chọn là biểu quyết.

Thưa tác giả Khải Mông, việc lấy ý kiến bằng biểu quyết tại Hội thảo khoa học là hoàn toàn bình thường, nó không lạ như anh nghĩ. 

Tác giả Khải Mông viết "Trong dân gian cũng đã lưu truyền câu chuyện tiếu lâm từ nửa thế kỷ nay về việc lấy ý kiến biểu quyết danh nhân thì người đó nhất định phải là quê ở Thanh Hóa đó sao!" là hành động hèn mọn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người dân xứ Thanh.

Tranh luận, hay phản biện xã hội là việc nên làm để tìm ra chân lý. Nhưng rất không nên lợi dụng tranh luận, phản biện để phân biệt vùng miền, mạ lỵ, sỉ nhục cả một cộng đồng.

Tôi nghĩ, nếu là người tử tế, anh Khải Mông nên xin lỗi người dân Thanh Hóa và các nhà khoa học.

Cá nhân tôi cho rằng, dù có chọn mốc lịch sử nào đi chăng nữa thì cũng vẫn còn những ý kiến trái chiều vẫn rất cần tiếp tục được khảo cứu để tìm ra chân lý. Tuy nhiên dù phản biện hay tranh luận khoa học cũng cần có cái tâm sang và phông văn hóa tối thiểu. Rất không nên vì ý kiến của mình trong Hội thảo không được ghi nhận thì quay sang chọc ngoáy, phá thối hoặc xúc phạm người dân Thanh Hóa.

Nhận xét