Chuyển đến nội dung chính

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân – Nền tảng lý luận quan trọng của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân – Nền tảng lý luận quan trọng của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự

1. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt, xây dựng, giáo dục và rèn luyện lực lượng Công an nhân dân (CAND) trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND đã hình thành như một tất yếu khách quan, là bộ phận cấu thành trong hệ thống tư tưởng của Người, trở thành nền tảng lí luận quan trọng của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND từ khi thành lập đến nay.


Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, CAND mang đậm bản chất giai cấp công nhân, có tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc. Người khẳng định: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”[1]. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1 - 1956, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng, một là quân đội để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình, lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện, còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”[2]. “Nhiệm vụ của Công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”[3]. Vì vậy: “Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của Công an rất lớn, rất nặng nề”[4].
Về đặc điểm, tính chất công tác Công an, Người khẳng định: “Công việc của Công an âm thầm nhưng rất quan trọng”[5], “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn”[6], “Phải thấy càng vĩ đại bao nhiêu thì càng gian khổ bấy nhiêu. Và thấy gian khổ là để vượt qua chớ không phải để lùi bước”[7].
Cùng với việc xác định Công an phải có phương pháp tư duy biện chứng, biện pháp bạo lực, biện pháp kỹ thuật, Người luôn đặt biện pháp quần chúng lên hàng đầu và quan tâm xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an nhân dân với Nhân dân. Công tác công an phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm, phương châm “lấy dân làm gốc”: “Công an có bao nhiêu người?... Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[8].
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải là những cán bộ dân vận giỏi nhất, tốt nhất; đặc biệt phải làm để dân tin, dân phục, dân yêu và tham gia vào các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự ngày càng tự giác, hiệu quả. Trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ Công an, ngày 29 tháng 4 năm 1963, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích. Muốn đạt kết quả đó thì Công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân... Làm tốt những việc đó, thì chúng ta nhất định thắng được địch”[9]. Tư tưởng đó của Người đã đặt nền móng cho việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng CAND vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Người yêu cầu xây dựng bộ máy tổ chức Công an phải mang tính dân chủ cao, giản đơn, thiết thực, hiệu quả, trong đó quan tâm xây dựng bộ máy Công an ở cơ sở, vùng biên giới, hải đảo. Người cán bộ Công an trong tư tưởng của Người thực sự là cái “gốc” của mọi công việc, được đề cập khoa học, toàn diện từ khái niệm, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tư tưởng, bản chất nhân văn của cán bộ đến tầm quan trọng của công tác cán bộ, nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ Công an và thi đua – khen thưởng, kỷ luật trong CAND.
Người luôn nhấn mạnh phẩm chất trung thành với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Công an phải tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nét, đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an khu XII ngày 11-3-1948, trong đó nêu rõ Tư cách người Công an cách mệnh, đã trở thành tư tưởng lớn, mang tầm chỉ đạo chiến lược trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND. Đó là:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng khối đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với CAND, mối quan hệ, hiệp đồng giữa CAND với Quân đội nhân dân và các chủ thể khác trong hệ thống chính trị. Đó là những mối quan hệ rất đặc biệt nhằm phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân kiểm tra, giám sát, phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người chỉ rõ: “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”[10]; “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng thì chuyên môn mới đúng”[11]; “Các cấp ủy đảng phải thật sự giúp đỡ và lãnh đạo chặt chẽ Công an”[12]; “các cấp đảng bộ trong lực lượng CAND phải rất coi trọng xây dựng đảng bộ và chi bộ “bốn tốt”, phải coi trọng công tác xây dựng Đoàn thanh niên”[13], góp phần củng cố tổ chức, nâng cao sức chiến đấu của lực lượng CAND. Người khẳng định quan hệ giữa CAND với Quân đội nhân dân là quan hệ hợp đồng tác chiến, keo sơn, gắn bó vì mục tiêu chung bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và nhân dân: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng…”[14].
2. Lực lượng CAND Việt Nam vô cùng tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện CAND thực sự là lực lượng vũ trang nhân dân trọng yếu, tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; không ngừng phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Trong bối cảnh tình hình mới, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt, phát triển nội dung, ý nghĩa cách mạng, khoa học, giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND nhằm hoàn thiện cơ sở lý luận CAND và phương pháp, biện pháp, nghệ thuật công tác. Không ngừng chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cơ chế phối hợp chặt chẽ, vận hành hiệu quả, nâng cao chất lượng tương tác và phục vụ nhân dân. Tiếp tục tổ chức tốt công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các ngành, các cấp, dựa vào nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, hội nhập và phát triển đất nước.
--------------------------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.366.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 8, tr.118.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 119.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.31.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t10, tr258.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t11, tr599.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t12, tr221.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.366. 10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 55.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 314, 55.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.139.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.153.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.72.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.154.
[14] Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, NXB CAND, tr 1404.
Đại tướng, GS, TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an

Nhận xét