Hội nghị Trung ương 10, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/05/2019 tại Hà Nội. Trong tuần qua, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống đã bình luận về các diễn biến xoay quanh hội nghị, chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề, là tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giá trị của chiến dịch chống tham nhũng, và vấn đề thay đổi chủ trương, đường lối đặt ra trong hội nghị.
Chủ đề thứ nhất, là tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đặc biệt quan tâm. Từ khóa “Nguyễn Phú Trọng” đứng thứ hai trong số những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google vào ngày 14/05/2019, khi Tổng Bí thư xuất hiện trở lại trên truyền hình sau 1 tháng dưỡng bệnh. Quan điểm của dư luận phi chính thống về sự kiện này phân hóa theo nhiều hướng khác nhau.
Về câu hỏi thứ nhất, là Tổng Bí thư đã bình phục chưa, hầu hết giới chống đối tuyên truyền rằng bức ảnh mà AFP mua lại của Thông Tấn Xã Việt Nam, cho thấy Tổng Bí thư ngồi họp trên ghế có dây an toàn, là bằng chứng cho thấy Tổng Bí thư vẫn chưa khỏe, vì vậy nội bộ Đảng và Nhà nước vẫn đang rối ren. Trong khi đó, David Brown và Carlyle Thayer nói với BBC rằng qua việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lại trước và trong Hội nghị 10, có thể thấy truyền thông Việt Nam đang muốn khẳng định rằng Tổng Bí thư “vẫn đang kiểm soát, lãnh đạo Đảng và Nhà nước như bình thường”, và “Đảng sẽ không rơi vào vòng xoáy đấu đá nội bộ trong những tháng dẫn tới Đại hội Đảng 13 sắp đến”. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng những hình ảnh này chưa đủ thuyết phục để cho thấy Tổng Bí thư đã “hoàn toàn khỏe lại” để “đảm bảo có chuyển đổi êm đềm cho các lãnh đạo mới chia sẻ viễn kiến của ông”.
Về câu hỏi thứ hai, là nên có thái độ gì trước diễn biến sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hầu hết giới chống đối cực đoan tiếp tục tỏ thái độ hả hê. Họ tuyên truyền rằng việc Tổng Bí thư ốm sẽ “gây hỗn loạn trong Đảng Cộng sản”, vì vậy “có lợi cho chuyển đổi dân chủ”. Trong khi đó, một phần khá lớn dư luận trung lập, gồm cả dư luận của người Việt Nam ở nước ngoài, thì thể hiện thiện cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chúc ông bình phục. Họ bình luận rằng nếu người khác lên lãnh đạo thì đất nước sẽ “còn nát hơn”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả thực không khỏe vào tháng trước, như thông tin mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cung cấp. Dù vậy, sự xuất hiện của ông đã phủ nhận một loạt tin giả mà giới “dân chửi” từng đưa – như tin ông đã mất, hoặc “bị méo mồm”, hoặc “bị liệt”… Sau vụ này, độc giả nên thận trọng hơn mỗi khi đọc báo “lề trái”.
Bên cạnh đó, diễn biến sức khỏe của Chủ tịch nước có khiến hoạt động của Nhà nước Việt Nam bị ngưng trệ hay không? Trong thực tế, bộ máy Nhà nước vẫn vận hành ổn định trong suốt 1 tháng qua, EVFTA vẫn được ký vào tháng 6, và chiến dịch chống tham nhũng thậm chí còn gia tăng tốc độ. Ngoài ra, trái với dự đoán của giới “dân chửi” hồi tháng trước, cả Trung Quốc lẫn những nhóm biểu tình, bạo động đều đã không thể “thừa nước đục thả câu” trước diễn biến sức khỏe của Tổng Bí thư. Như vậy, dường như giới “dân chửi” đang dấy lên dư luận về một vấn đề không có thật, để có cớ tiếp tục chửi bới và giải ngân, nhằm giữ cho guồng máy của chính họ không bị ngưng trệ trong những ngày bế tắc.
Sóng truyền thông này cũng cho thấy giới “dân chửi” khá rảnh và ác. Rảnh, vì họ đặt trọn hy vọng vào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay vì vào những “minh chủ” của chính họ như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Hữu Vinh… Ác, vì họ luôn mong ước bộ máy chính trị của Việt Nam rời vào hỗn loạn, bất kể những hậu quả có thể xảy đến với đất nước và người dân. Những biểu hiện này khiến chúng tôi xem giới “dân chửi” như những kẻ cơ hội và phá hoại, không khác gì đám quan tham mà họ công kích.
Nguồn: Loa Phường.
Nhận xét
Đăng nhận xét